Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 12 tháng 11 năm 2024,
Đại biểu Quốc hội: Người tiêu dùng thông minh, cơ quan quản lý cũng phải thông minh.
Hà Tâm - 14/06/2017 07:43
 
Không nằm ngoài dự đoán, gốc của câu chuyện giải cứu nông sản - quy hoạch và mở rộng thị trường - là những vấn đề nóng nhất được xoáy vào Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường trong phiên chất vấn sáng qua, nhất là khi bóng dáng nhà quản lý đang khá mờ nhạt.
TIN LIÊN QUAN

Liên tiếp 4 - 5 cuộc giải cứu nông sản diễn ra trong hơn 5 tháng đầu năm nay cùng hàng loạt mặt hàng khác đang chờ giải cứu đã cho thấy những điểm yếu trong tổ chức sản xuất, chế biến cũng như thị trường của ngành nông nghiệp. Sức sản xuất của ngành nông nghiệp tăng quá nhanh, trong khi khâu chế biến và tiêu thụ chưa theo kịp, khiến nguy cơ khủng hoảng thừa còn tái diễn.

Một đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cảnh báo, không thể mãi đòi hỏi người tiêu dùng thông minh, nhà sản xuất thông minh, mà điều cần hơn cả là cơ quan quản lý cũng phải thông minh.

.
.

Không thể phủ nhận, lỗi của khủng hoảng thừa nông sản, một phần là do người sản xuất, a dua chạy theo phong trào, thiếu liên kết, không gắn bó với đầu ra. Song lỗi lớn nhất có lẽ do cơ quan quản lý đã không có quy hoạch đúng, không kịp thời điều chỉnh quy hoạch để định hướng cho người dân và chưa làm tốt công tác kết nối, mở cửa thị trường.

Đơn cử trong ngành chăn nuôi lợn. Quy hoạch đề ra đến năm 2020, cả nước sẽ có 35 triệu đầu lợn, song đến 2016, khi cả nước mới có 29 triệu đầu lợn thì đã lập tức rơi vào khủng hoảng thừa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lý giải, quy hoạch không thực tế là do khi lập quy hoạch chưa tính đến sự thay đổi trong cơ cấu thực phẩm, khi nhu cầu thịt lợn ngày càng giảm. Thế nhưng, lý giải này tỏ ra không hợp lý, bởi việc điều chỉnh quy hoạch, đối với cơ quan quản lý, không phải là câu chuyện khó.

Tổ chức lại sản xuất cho người nông dân là vấn đề cấp thiết. Song nguyên nhân lớn nhất dẫn tới khủng hoảng thừa, giải cứu nông sản hiện nay, chính là sự yếu kém trong công tác phát triển thị trường, đặc biệt là thị trưởng mới.

Mỗi năm, xuất khẩu nông sản mang về cho đất nước khoảng 30 tỷ USD, nông sản cũng là ngành duy nhất mang về nguồn thu ròng ngoại tệ. Thế nhưng, 30 tỷ USD đó phần lớn là thu từ nguyên liệu thô với giá trị thấp và còn rất nhỏ so với quy mô thị trường nông sản toàn cầu có giá trị hàng ngàn tỷ USD. 

Mặc dù cả Chính phủ đã giao cho hai bộ (Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương) cùng lo đầu ra cho nông sản, nhưng đến nay, đa phần nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. 

Rõ ràng, xây dựng thị trường là khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp và tín hiệu của thị trường là yếu tố quan trọng trong xây dựng quy hoạch. Trong khi đó, người có được nhiều thông tin nhất để định hướng thị trường, xây dựng quy hoạch, định hướng sản xuất chỉ có thể là cơ quan quản lý.

Điểm đáng mừng là thời gian gần đây, các tổng tư lệnh ngành đã coi việc bán thịt, bán tôm, bán rau quả là nhiệm vụ chính của mình. Trên các bàn đàm phán đều có con tôm, con cá, quả thanh long, quả xoài, quả vải để mặc cả với quả táo, thịt bò, thịt gà… của nước bạn. 

Bên cạnh việc phát triển thị trường, làm tốt công tác quy hoạch, cơ quan quản lý cũng cần phải nhìn lại thị trường nội địa, có biện pháp đối phó trước tình trạng hàng ngoại ồ ạt tràn vào Việt Nam, đánh bật nông sản Việt ngay chính sân nhà. Thực trạng nhiều siêu thị Thái Lan chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, kéo theo sự đổ bộ của nông sản nước bạn vào Việt Nam là ví dụ điển hình.

Không chỉ củng cố thương hiệu và phát triển mạnh hơn kênh bán lẻ nội địa, cơ quan quản lý cũng phải hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng hàng rào kỹ thuật để cạnh tranh trên sân nhà. Thực tế, không ít nông sản Việt Nam cần 9-10 năm để vào thị trường nước ngoài, trong khi nhiều mặt hàng nông sản nước bạn chỉ cần thời gian ngắn là có thể dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam. Đây là sự bất công lớn, là sự thiệt thòi lớn với nhiều mặt hàng nông sản Việt.

Thách thức còn nhiều, song hy vọng bài toán thị trường cho nông sản sẽ được gỡ dần, không phải chỉ xử lý ở phần ngọn, mà bắt đầu tư khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất, chế biến và nghiên cứu, dự báo, liên kết thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư