Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
“Đãi cát” tìm cơ hội đầu tư giữa tháng 10 biến động
Thanh Thủy - 09/10/2023 09:32
 
Tháng 9 nhiều sóng gió đã lấy mất thành quả hồi phục hai tháng đầu quý III/2023. Lạm phát và tỷ giá trở nên khó lường tiếp tục là thách thức trong hoạt động đầu tư những tháng cuối năm.
VN-Index đã có đợt điều chỉnh lớn kể từ mức đỉnh 1.255,11 điểm ngày 7/9/2023, có thời điểm về quanh mốc 1.110 điểm

Còn nhiều ẩn số vĩ mô

Thị trường chứng khoán tháng 9 và những ngày đầu tháng 10/2023 ghi nhận diễn biến tiêu cực khi một thời gian ngắn “đánh bay” gần như toàn bộ nỗ lực đi lên của các chỉ số ở hai tháng liền trước. VN-Index đã có đợt điều chỉnh lớn kể từ mức đỉnh 1.255,11 điểm ngày 7/9/2023, có thời điểm về quanh mốc 1.110 điểm, tương đương mức giảm trên 10%. Tương tự, HNX-Index có thời điểm rơi gần 14% từ đỉnh tháng 9. 

Điều chỉnh sau giai đoạn hồi phục cũng là diễn biến chung tại nhiều thị trường chứng khoán khi giới đầu tư toàn cầu cùng nhìn về các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán DSC, sự bùng nổ trở lại của giá dầu cùng việc hiệu ứng mức nền so sánh cao trong nửa đầu năm 2023 kết thúc khiến mối lo lạm phát quay trở lại.

Tại cuộc họp quyết định lãi suất ngày 21/9, Fed tiếp tục có động thái cứng rắn khi Chủ tịch Jerome Powell đề cập khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm trong tháng 11 tới. Không riêng thị trường cổ phiếu, đợt bán tháo mạnh mẽ trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm mốc 4,8%/năm và đạt mức cao nhất trong vòng 16 năm.

Trong khi đó, sau đà giảm mạnh từ tháng 11/2022 đến 7/2023, Chỉ số US Dollar Index đo sức mạnh của USD với rổ 6 ngoại tệ đã đảo chiều, tăng từ 100 điểm lên 107 điểm trong hơn 2 tháng. Đồng tiền các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, chịu áp lực giảm giá mạnh. Áp lực càng lớn khi chênh lệch lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm bằng VND thấp hơn USD tới 5 điểm phần trăm trong thời gian dài trước đó.

Các động thái bán tín phiếu trên thị trường mở, theo cơ quan quản lý, nhằm giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, nhưng cũng làm xuất hiện những lo ngại về một “điểm uốn” chính sách, báo hiệu thời kỳ tiền rẻ chấm dứt.

Đợt giảm sâu tháng 9 vừa qua đã kéo định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn. Sau nhịp điều chỉnh, định giá P/E thị trường về mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 10% so với P/E trung bình 3 năm. So với đỉnh P/E chạm đến 20 - 21 lần, mức định giá vẫn đang ở lưng chừng. Nếu chính sách tiền tệ nới lỏng như giai đoạn Covid-19, chúng ta có thể "mơ" mức định giá cao như vậy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giai đoạn tiền rẻ dễ dàng đã là quá khứ. Nhà đầu tư cần chọn lọc các cơ hội một cách thận trong hơn và quản trị rủi ro chặt chẽ hơn.

- Ông Đỗ Hiệp Hòa, Giám đốc Đầu tư MB Capital

 

Dù không đánh giá đây là một tín hiệu đảo chiều chính sách khi tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp và lạm phát ở thời điểm hiện tại vẫn trong tầm kiểm soát, song chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, không gian để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ tương đối hạn chế. Điều này không phải là thông tin tích cực đối với thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm.

Ở kịch bản tiêu cực nhất, trường hợp Chỉ số US Dollar Index vượt 110 điểm, VDSC nhấn mạnh khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể phải can thiệp bằng bán ngoại hối (qua đó hút về đồng nội tệ). Cùng xu hướng hút ròng trên kênh tín phiếu, điều này có thể làm trầm trọng thêm tâm lý đầu tư do lo ngại về sự thay đổi sâu sắc hơn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Ẩn số giá hàng hóa cùng sức mạnh USD khiến các yếu tố vĩ quan trọng là lạm phát và tỷ giá trở nên khó lường và cần đặc biệt quan sát ở những tháng cuối năm 2023, cũng như khi bước sang năm 2024. 

Đãi cát tìm cơ hội

Dù nhiều yếu tố vĩ mô còn đối diện rủi ro biến động, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đối diện nhiều thách thức, bức tranh kinh tế vẫn tồn tại những điểm sáng có thể dẫn dắt sự vận động của dòng tiền. Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC chỉ ra hai yếu tố tích cực, bao gồm khu vực đầu tư công với mức giải ngân 9 tháng lần đầu tiên vượt mức 50% và hoạt động xuất nhập khẩu có sự cải thiện rõ rệt từ một số nhóm hàng hóa.

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng âm, song đà giảm đang dần thu hẹp. Chu kỳ phục hồi của xuất khẩu cũng là điểm nhấn đầu tư dẫn dắt thị trường được ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, Khối Nghiên cứu MBS nhấn mạnh. Theo ông Dũng, yếu tố thuận lợi từ giá cả hàng hóa xuất khẩu, sự phục hồi của một số thị trường và tỷ giá có thể tác động tích cực đến một số nhóm như hóa chất, phân bón, nông sản...

Hiện tượng El Nino dự báo tiếp tục có thể khiến sản lượng thủy điện toàn cầu sụt giảm, ảnh hưởng đến chi phí điện đầu vào, qua đó tác động lên giá thành sản xuất là những yếu tố được vị chuyên gia này chỉ ra về khả năng tăng giá hàng hóa của nhóm hóa chất.

Ông Trần Long Huân, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân của VDSC đánh giá, một số ngành xuất khẩu có thể công bố kết quả kinh doanh tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023. Với ngành thủy sản, ngoài yếu tố mùa vụ, Chính phủ tiếp tục duy trì chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đến hết ngày 30/6/2024, quy mô vốn khoảng 15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.

Câu chuyện chuyển dịch năng lượng cũng là điểm nhấn đầu tư đáng chú ý. Theo đại diện Khối phân tích MBS, câu chuyện này có thể tác động đến nhóm dầu khí từ nhu cầu tìm kiếm và phát triển những dự án mới. Ngoài ra, chuyển dịch năng lượng cũng là cơ hội với các doanh nghiệp ngành điện ở mảng xây lắp, nhất là trong bối cảnh cần đảm bảo đúng tiến độ các dự án lưới điện, tránh xảy ra tình trạng mất cân đối nguồn điện như từng diễn ra.

MHC biến động theo thị trường chứng khoán
Nhờ thị trường chứng khoán đi lên, giá cổ phiếu và kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 của Công ty cổ phần MHC (mã MHC) đều khởi sắc, nhưng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư