Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Đại hội đồng cổ đông ngành chứng khoán 2024: Vẫn nóng chuyện tăng vốn
Thanh Thủy - 18/03/2024 09:39
 
Câu chuyện chào bán, gia tăng năng lực tài chính tại các công ty chứng khoán dự kiến tiếp tục làm nóng mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
MBS nằm trong nhóm công ty chứng khoán gia tăng quy mô vốn điều lệ nhanh nhất hiện nay. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều kế hoạch tăng vốn

Tuần vừa qua, Công ty Chứng khoán Guotai Junan (GTJA) chính thức được cổ đông thông qua phương án tăng gấp đôi vốn điều lệ, từ 693,5 tỷ đồng lên 1.387 tỷ đồng, thông qua phương án phát hành cổ phiếu IVS mới cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1.

Guotai Junan Securities (Hong Kong) Ltd - công ty mẹ từ Hồng Kông đang sở hữu 50,97% vốn của GTJA - sẽ tiếp tục rót thêm vốn sau 5 năm kể từ ngày hoàn tất thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) để sở hữu chi phối và đổi tên công ty chứng khoán này. Công ty sẽ dành 75% số tiền huy động bổ sung hoạt động cho vay ký quỹ, còn lại để phát triển sản phẩm phái sinh và bổ sung nguồn vốn hỗ trợ hoạt động.

Cũng trong những ngày đầu tháng 3, Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) hoàn tất lấy ý kiến cổ đông phê duyệt việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ thêm tối đa 2,25 triệu cổ phiếu. Đối tượng mua gồm 59 cá nhân là đội ngũ quản lý, tập thể cán bộ, nhân viên và đối tác… theo danh sách do Hội đồng Quản trị phê duyệt.

Với giá chào bán 10.000 đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách (hơn 108.000 đồng/cổ phiếu), lần tăng vốn này, ngoài mục đích bổ sung nguồn vốn hoạt động, còn nhằm tri ân và giữ chân nhân tài, đối tác. Công tác chuẩn bị cho đợt chào bán đang được thực hiện khẩn trương, đã thông qua hồ sơ đăng ký chào bán.

Không chỉ ở những cuộc họp cổ đông bất thường, câu chuyện tăng vốn sẽ còn xuất hiện nhiều tại mùa đại hội đồng cổ đông thường niên của các công ty chứng khoán năm nay. Theo các tài liệu gửi đến cổ đông cập nhật đến thời điểm hiện tại, Chứng khoán Vietcap, Chứng khoán MB đều đưa các tờ trình này tới cổ đông.

Đáng chú ý là phương án chào bán riêng lẻ 143,63 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược của Chứng khoán Vietcap tại đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 2/4. Số cổ phần VCI tương ứng 20% vốn mới sẽ được bán với giá không thấp hơn giá trị sổ sách cuối năm 2023 (16.849 đồng/cổ phiếu). Công ty dự kiến thu về 2.420 tỷ đồng và sẽ phân bổ phần lớn cho hoạt động cho vay ký quỹ (2.120 tỷ đồng), phần còn lại (300 tỷ đồng) cho hoạt động tự doanh.

Ngoài ra, Vietcap còn phát hành 4,4 triệu cổ phiếu ESOP (tương đương 1% vốn điều lệ) với giá chào bán 12.000 đồng và phát hành thêm 132,57 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 30%. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 4.375 tỷ đồng lên 7.181 tỷ đồng.

Tăng vốn điều lệ cũng là một trong các nội dung được Công ty Chứng khoán MB (MBS) trình cổ đông tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông, tổ chức ngày 28/3. Ở thời điểm hiện tại, MBS chưa cập nhật tờ trình này, nên chưa rõ phương thức cụ thể.

Năm 2023, MBS nằm trong nhóm công ty chứng khoán gia tăng quy mô vốn điều lệ nhanh nhất (gần 571 tỷ đồng). Tuy nhiên, nguồn vốn tăng thêm đều đến từ vốn chủ sở hữu, chứ không phải huy động được vốn mới trên thị trường.

Lợi thế lớn từ vốn

Trong tài liệu họp cổ đông, Chứng khoán MB đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với các chỉ tiêu tài chính chưa từng đạt được trong lịch sử hoạt động. Công ty này lên kế hoạch doanh thu đạt 2.786 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 930 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 35% so với mức thực hiện năm 2023.

Tương tự, cùng với kế hoạch tăng vốn, Chứng khoán Vietcap đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, tăng 23% so với mức thực hiện của năm 2023, dù kế hoạch doanh thu khá thận trọng (chỉ tăng chưa đến 2%).

Vốn là nguồn lực thiết yếu đối với các doanh nghiệp thông thường và càng quan trọng hơn đối với các tổ chức tài chính như nhóm công ty chứng khoán. Bản kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) đưa ra con số lợi nhuận khiêm tốn là gần 356 triệu đồng. Tuy vậy, để đạt được kết quả này cũng phải kèm với điều kiện Công ty có thể huy động vốn trong nửa cuối năm.

“Nhìn chung, hạn chế về vốn của SBBS là nguyên nhân chính làm doanh thu sụt giảm đáng kể. Nhờ việc giảm phí vận hành, chi phí quản lý và chi phí tài chính, nên công ty chỉ lỗ trên 7 tỷ đồng năm 2023”, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc SBBS cho biết trong báo cáo gửi cổ đông. Khoản phải thu 210 tỷ đồng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như khiến SBBS “sống” dặt dẹo cả chục năm qua, với quy mô tài sản hiện tại chưa đến 40 tỷ đồng.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, kết quả kinh doanh của ngành chứng khoán sẽ nối tiếp đà phục hồi của năm 2023, trong bối cảnh thị trường có nhiều thuận lợi hơn nhờ môi trường lãi suất thấp thu hút dòng tiền cá nhân trong nước, khả năng đảo chiều của dòng tiền khối ngoại trong kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất và triển vọng nâng hạng thị trường Việt Nam.

Trong khi miếng bánh thị trường chưa mở rộng nhanh chóng như kỳ vọng, thì cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn. Gia tăng năng lực tài chính cũng như nỗ lực bổ sung nguồn vốn mang lại lợi thế cho các công ty chứng khoán trong cuộc đua cạnh tranh, nhất là ở mảng môi giới và cho vay ký quỹ.

10 công ty chứng khoán hàng đầu chiếm gần 69% thị phần môi giới tại HoSE
Bảng xếp hàng thị phần môi giới của 10 công ty chứng khoán hàng đầu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) không có nhiều xáo trộn ở nhóm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư