Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Đắk Lắk hút đầu tư để trở thành trung tâm điện mặt trời
Đức Minh - 22/02/2019 14:53
 
Với chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đắk Lắk đang trở thành điểm đến của nhiều dự án điện mặt trời, điện gió.

Mỗi ngày tạo cả trăm triệu đồng

Cụm Nhà máy Điện mặt trời Srêpok 1 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải và Nhà máy Điện mặt trời Quang Minh của Công ty cổ phần Điện mặt trời Srêpok với tổng công suất 100 MWp hiện là cụm nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam được phát điện tính tới thời điểm này.

Chỉ cho xem cánh đồng phủ kín tấm panel pin mặt trời đón nắng mặt trời xếp san sát chạy dài cả cây số, ông Trần Bá Quang, Giám đốc Nhà máy cho hay: "Chúng tôi vừa đóng điện lên lưới được vài ngày. Mùa này, từ 6 giờ sáng đã có nắng, đến 6 giờ chiều mới tắt. Nhờ vậy, mỗi ngày, cánh đồng điện này tạo ra cả trăm triệu đồng”.

4 tháng giao đất, 4 tháng xong nhà máy

Năm 2015, khi Chính phủ và tỉnh Đắk Lắk có chủ trương phát triển điện mặt trời, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải đã nghĩ đến việc biến vùng đất khô cằn này thành “thỏi pin” năng lượng tái tạo với quyết định đầu tư Nhà máy Thủy điện Srêpok 4, công suất 80 MW.

Kiểm tra thiết bị tại Nhà máy điện mặt trời
Kiểm tra thiết bị tại Nhà máy điện mặt trời

“Chúng tôi quan trắc liên tục trong 2 năm, đến năm 2017 thì khẳng định có thể làm điện mặt trời. Lúc đó, Công ty đã tìm nhà thầu EPC, họ chào giá rất cao. Chúng tôi đi khắp nơi, từ Đức, Trung Quốc đến Ấn Độ để tìm hiểu và thấy rằng Việt Nam có thể tự làm được và thực tế chi phí thấp hơn nhiều so với tổng thầu ngoại”, ông Quang nhớ lại.

Sau khi đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải đã lắp hơn 300.000 tấm panel kích thước 1m x 2m và lắp đặt hệ thống biến áp, dây dẫn, thiết bị để biến nắng mặt trời thành dòng điện phát lên lưới quốc gia.

Thời gian xây dựng toàn bộ Nhà máy Điện mặt trời Srêpôk 1, kể từ khi khởi công đến khi phát điện lên lưới chỉ trong vòng 4 tháng.

Bên cạnh nỗ lực của Công ty Đại Hải, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng vào cuộc quyết liệt trong việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Chỉ trong 4 tháng, UBND tỉnh đã bàn giao cho nhà đầu tư 120 ha đất sạch, không hề có xung đột giữa người dân và chủ đầu tư.

“Chúng tôi đánh giá rất cao sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Đắk Lắk và sự thực thi chuyên nghiệp của các cơ quan chức năng trong tỉnh như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, UBND huyện Buôn Đôn… Tỉnh kêu gọi đầu tư và làm thật, làm nhanh, chuyên nghiệp, nên dự án mới có thể triển khai thuận lợi”, ông Quang nói.

Lợi ích cho cả người dân, chính quyền và doanh nghiệp

Việc xây dựng Nhà máy đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Lúc cao điểm, trên công trường có tới 300 - 400 công nhân là người địa phương vào làm việc. Với sự hướng dẫn của các kỹ sư, lao động phổ thông là người M’nông, Ê-đê, Ja-rai, dù trình độ học vấn không cao, cũng có thể tham gia các hạng mục như đổ bê tông, dựng cột, lắp tấm panel...

Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy điện mặt trời
Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy điện mặt trời

Theo ông Quang, với giá thu mua 9,35 US cent/kWh điện thương phẩm lên lưới hiện nay, nhà máy điện mặt trời chắc chắn sẽ là một khoản đầu tư sinh lời bền vững cho doanh nghiệp. Ông ước tính, mỗi năm, Công ty Đại Hải sẽ nộp ngân sách khoảng 30 tỷ đồng. Thêm vào đó, giá trị của đất đai đã được khai thác tốt hơn, bởi đất tại khu vực làm Nhà máy, nếu trước đây đa số bỏ hoang, thì nay có thể tạo ra 2 tỷ đồng/ha mỗi năm.

Trong tương lai, Đắk Lắk có thể là thủ phủ điện mặt trời thứ 2 của cả nước, chỉ sau Ninh Thuận, biến nơi đây thành “thỏi pin” năng lượng tái tạo của Tây Nguyên. Không chỉ có hai nhà máy điện mặt trời Srepok 1 và Quang Minh, có tới hơn 30 dự án điện mặt trời, điện gió đang được khảo sát tại Buôn Đôn, Ea Súp, Krông  Bông… trong đó, có những dự án rất lớn như dự án của Công ty Xuân Thiện (Ninh Bình); dự án của Công ty Phát triển hạ tầng Long Thành; Tập đoàn AES…

Nói về tiềm năng điện mặt trời, ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh chủ trương phát triển điện mặt trời trên những vùng cằn cỗi, khó canh tác. Bên cạnh công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh đang và sẽ làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tạo thuận lợi trong việc đấu nối, phát điện mặt trời lên lưới.

“Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư được tổ chức ngày 10/3 tới, tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ công bố các dự án thu hút đầu tư điện mặt trời, điện gió. Nhà đầu tư đến với Đắk Lắk chắc chắn sẽ được tiếp cận thông tin minh bạch, được hỗ trợ tận tình, chuyên nghiệp, bởi chúng tôi luôn tâm niệm phải làm sao để cả doanh nghiệp và địa phương cùng thắng”, ông Ninh nhấn mạnh.  

Dự án điện mặt trời xuất hiện ngày càng nhiều ở miền Trung: Nhà thầu ngoại giành ưu thế
Duyên hải miền Trung từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận đang trở thành đại công trường điện mặt trời với hàng loạt dự án được động thổ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư