Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đạm Ninh Bình chờ giá lên cứu lỗ?
Thanh Hương - 23/05/2016 08:24
 
Lỗ lũy kế hơn 1.600 tỷ đồng sau 4 năm hoạt động, Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình) đang loay hoay tìm lối thoát.

Công nghệ G7, thiết bị Trung Quốc

Theo báo cáo của Công ty Đạm Ninh Bình, từ khi đi vào hoạt động (năm 2012) tới nay, Công ty lỗ triền miên. Năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng, năm 2014 và 2015 lỗ lần lượt là 500 tỷ đồng và 370 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến nay khoảng 1.600 tỷ đồng.

Nhà máy Đạm Ninh Bình, công suất 560.000 tấn/năm, có vốn đầu tư 10.673 tỷ đồng (tương đương 667 triệu USD) sử dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới như công nghệ khí hóa của Shell (Hà Lan), công nghệ tinh chế khí của Linder (Đức), công nghệ tổng hợp amoniac của Topsoe (Đan Mạch), công nghệ phân ly không khí của Air liquide (Pháp)…

Do làm ăn thua lỗ, sản phẩm không bán được, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã phải tạm ngừng sản xuất. Ảnh: Đ.T
Do làm ăn thua lỗ, sản phẩm không bán được, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã phải tạm ngừng sản xuất. Ảnh: Đ.T

Dự án được xây dựng theo hình thức tổng thầu EPC do nhà thầu China Huanqiu Contracting & Engineer Corp (Trung Quốc) thực hiện, với trị giá hợp đồng là 88,88 triệu USD; 17,512 triệu euro; 2,552 triệu nhân dân tệ và 752,55 tỷ đồng.

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 1/2008, Dự án đã khởi công xây dựng vào tháng 5/2008, với kế hoạch hoàn thành xây dựng sau 42 tháng thi công.

Theo tính toán, sau khi hoàn thành vào giữa năm 2011, Nhà máy sẽ đạt sản lượng 1.760 tấn urea/ngày, nhưng đến ngày 30/3/2012, Đạm Ninh Bình mới cho ra tấn urea đầu tiên và vận hành thương mại từ ngày 15/10/2012.

Năm 2014, ông Nguyễn Gia Tường, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khi báo cáo về những khó khăn của Đạm Ninh Bình đã hé lộ thực tế là, dù Nhà máy đã vận hành ổn định, nhưng do đây là công trình hóa chất quy mô lớn, dây chuyền máy móc, thiết bị chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với chất lượng ở mức trung bình, nên thường xảy ra sự cố. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng khó khăn do phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc, nên khó chủ động sản xuất, tiêu hao định mức chưa đạt thiết kế.

Một nguyên nhân khác cũng góp phần khiến Đạm Ninh Bình lỗ là than đầu vào. Dù phụ thuộc vào công nghệ khí hóa than để sản xuất phân đạm, nhưng chất lượng than và giá than đầu vào của Đạm Ninh Bình cũng không như tính toán. Than cám 4a được sử dụng có chất lượng thấp hơn than được mô tả trong dự án, nên không đáp ứng được yêu cầu công nghệ, dẫn tới chi phí tiêu hao cao, máy móc, thiết bị nhanh bị ăn mòn, công nghệ không ổn định. Nếu đảm bảo đúng thiết kế, Đạm Ninh Bình phải sử dụng than cám 3c để đảm bảo công nghệ, kéo theo chi phí sản xuất tăng thêm 42 tỷ đồng/năm.

Chi phí khấu hao, chi phí lãi vay đầu tư cao, giá than cám 4a cao hơn 2,29 lần; than cám 5 cao hơn 2,19 lần so với giá than thời điểm phê duyệt dự án và chất lượng than giảm là những yếu tố đẩy giá thành sản xuất urea tăng cao.

“Hiện mỗi năm, Đạm Ninh Bình phải trả lãi vay khoảng 800 tỷ đồng, khấu hao khoảng 680 tỷ đồng. Chúng tôi khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và phân bón của công ty khác trong nước có giá thành rẻ hơn. Nhà máy hiện còn tồn hơn 50.000 tấn hàng”, đại diện này cho biết.

Trước thực trạng làm ăn thua lỗ, hàng hóa không bán được, một tháng qua, Nhà máy đã phải tạm ngừng sản xuất. Khoảng 400 trong tổng số 1.000 công nhân cũng tạm thời bị nghỉ việc và chỉ được nhận mức lương tối thiểu 3,1 triệu đồng/tháng.

Theo tính toán, nếu tiêu thụ được một nửa số phân đạm đang tồn kho trong tháng 5 thì Nhà máy mới có thể sản xuất trở lại.

Đâu là lối thoát?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia ngành hóa chất am hiểu câu chuyện Đạm Ninh Bình cho hay, với khoản lãi vốn vay 800 tỷ đồng và khấu hao cỡ 680 tỷ đồng mỗi năm, nếu có giải pháp thực tế sẽ giúp doanh nghiệp thoát cảnh khó khăn trước mắt, tạo cơ hội đứng vững lâu dài.

“Nếu được hoãn trả lãi vay ngân hàng hay cho phép không trích khấu hao trong 1 năm, doanh nghiệp sẽ thay đổi tình trạng ngay lập tức”, vị này nói, nhưng cũng thừa nhận, đây chỉ là giải pháp khẩn cấp và nếu có áp dụng thì cũng chỉ làm trong 1 - 2 năm. Khi doanh nghiệp đã tự đứng vững thì sẽ có các nhà đầu tư quan tâm và nên tiến hành cổ phần hóa.

Về lâu dài, chuyên gia này cho rằng, Đạm Ninh Bình muốn hoạt động hiệu quả, thoát lỗ phải chờ vào giá phân đạm thế giới tăng trở lại.

Với thực tế urea ngoài được sản xuất từ khí hóa than, còn được sản xuất từ khí tự nhiên, nên chịu tác động của giá dầu mỏ thế giới xuống thấp thời gian qua, khiến giá phân đạm giảm theo.

Số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Công thương) cho hay, giá phân đạm thế giới quý I/2016 ở mức 194 - 255 USD/tấn, giảm 69 USD/tấn so với quý I/2015. Do giá đạm thế giới thấp, nên lượng phân đạm nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh. Tính từ đầu năm 2016 đến ngày 15/5/2016, đã có 165.875 tấn urea được nhập khẩu, trong khi cùng kỳ năm 2015 chỉ có 59.845 tấn urea được nhập khẩu.

Đáng nói là, lượng phân đạm sản xuất trong nước hiện đã vượt so với nhu cầu hiện có. Năng lực sản lượng phân đạm của các nhà máy Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc hiện là 2,66 triệu tấn, cao hơn nhiều so với nhu cầu 2,2 - 2,3 triệu tấn urea tiêu thụ hàng năm. Đó là chưa kể, năm nay, do hạn mặn và khô hạn, diện tích nông nghiệp giảm, dẫn tới nhu cầu phân đạm cũng bị ảnh hưởng giảm theo.

Giá urea thế giới tháng 4/2016 bình quân là 235 USD/tấn, nhưng sang tháng 5/2016 đã nhích lên mức 246 USD/tấn. “Nếu giá đạm thế giới tăng lên trên 300 USD/tấn, thì sản xuất của Đạm Ninh Bình sẽ có lãi và thậm chí có thể nhanh chóng xóa khoản lỗ lũy kế”, vị chuyên gia trên nhận xét.

Đạm Ninh Bình lỗ cả ngàn tỷ đồng sau 3 năm
Chi phí sản xuất cao, dây chuyền ở mức trung bình và phụ thuộc vào đối tác Trung Quốc khiến Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình dự tính lỗ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư