Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Đăng cai ASIAD 18: Tính kỹ bài toán hiệu quả đầu tư
Bá Thư - 08/04/2014 21:51
 
Câu chuyện nên hay không nên đăng cai Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 18,  diễn ra năm 2019 vốn đã nóng, lại càng nóng hơn sau cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và họp báo Chính phủ cách đây ít ngày.
TIN LIÊN QUAN

Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 3/2014, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, đến thời điểm này, Chính phủ chưa quyết đăng cai hay không đăng cai ASIAD 18. Thủ tướng Chính phủ sẽ nghe kỹ báo cáo từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan, các địa phương và đơn vị thẩm định trước khi kết luận.

  Tổ chức ASIAD 18: Tính kỹ bài toán hiệu quả đầu tư  
  Giành quyền đăng cai ASIAD 18 là việc đáng tự hào, song những lo ngại, băn khoăn về việc này cũng không tránh khỏi  

Nhưng không phải đến bây giờ, mà ngay sau khi Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18, đã có những ý kiến khác nhau về việc Việt Nam nên hay không nên tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất châu Á và chỉ đứng thứ hai thế giới, sau Thế vận hội Olympic này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư sau khi giành quyền đăng cai ASIAD 18, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam chia sẻ, giành quyền đăng cai ASIAD 18 là việc đáng tự hào, song những lo ngại, băn khoăn của dư luận về việc này cũng không tránh khỏi.

Một trong những băn khoăn lớn nhất liên quan đến đăng cai ASIAD 18 là việc, mức đầu tư cho sự kiện lên đến 150 triệu USD (kết quả thẩm định ước tính năm 2010). Với tình hình kinh tế những năm qua, nhiều người lo ngại, mức đầu tư cho ASIAD 18 vào năm 2019 sẽ không dừng lại ở con số này, mà lớn hơn rất nhiều, thậm chí là gấp đôi.

Thêm vào đó, trong bối cảnh đất nước đang tính toán từng đồng cho các công trình hạ tầng quan trọng, cũng như đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, thì việc bỏ ra khoản kinh phí lớn như vậy có thể là gánh nặng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi trả lời Báo Tuổi trẻ cũng cho hay, theo tính toán của Bộ thì 150 triệu USD là không đủ để tổ chức ASIAD. “Nói chung là Bộ Kế hoạch và Đầu tư không ủng hộ làm việc này”, Báo Tuổi trẻ dẫn lời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

Những băn khoăn đó không phải không chính đáng, bởi ASIAD 18 là sự kiện thể thao lớn, dự kiến có sự tham gia của khoảng 12.000 vận động viên, cán bộ đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng đại biểu dự kiến 2.000 người và số lượng phóng viên truyền thông 5.000 người.

Và bởi, để tổ chức thành công ASIAD, Việt Nam cần đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, từ cơ sở hạ tầng thi đấu, nhân lực phục vụ Đại hội và nhất là tâm thế của một quốc gia đang hội nhập mạnh mẽ, một quốc gia không chỉ chăm lo cho dân mình, mà còn có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế như Việt Nam đã từng thể hiện.

Về công tác chuẩn bị cho ASIAD, cũng có những đánh giá khác. Ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng, theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và theo Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua tháng 11/2012, Hà Nội sẽ có những cơ chế ưu đãi về ngân sách đầu tư để trở thành Thủ đô của một nước công nghiệp hoá - hiện đại hoá vào năm 2020. Đề án đăng cai ASIAD sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ quy hoạch và hướng đầu tư này, bao gồm cả về hạ tầng và kinh tế - xã hội, cũng như sự phát triển của các tỉnh phụ cận trong các năm tới.

“Tôi cho rằng, với hạ tầng từ SEA Games 22 và quy hoạch Thủ đô nói trên, Việt Nam hiện đã có 80 - 85 % cơ sở vật chất phục vụ cho ASIAD. Các cơ sở này, giả dụ nếu không có sự kiện đăng cai ASIAD thì cũng vẫn cần đầu tư nâng cấp hoặc duy tu bảo dưỡng theo tiêu chuẩn của thời kỳ 4 - 5 năm sau”, ông Giang nói.

Rõ ràng, ASIAD là sự kiện tầm cỡ, có những tác động lớn không chỉ riêng trong lĩnh vực thể thao, nên sự cân nhắc từ nhiều phía, trên cơ sở đánh giá, tính toán cụ thể là vô cùng cần thiết, mà chính sự chuẩn bị của Việt Nam từ năm 2010 cho sự kiện này đã khẳng định điều đó.

Hơn nữa, thực tế tổ chức ASIAD ở các quốc gia cho thấy, để làm tốt sự kiện tầm châu lục này, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện, với những đề án chi tiết về chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả quảng bá đất nước… Với điều kiện cụ thể của Việt Nam, hạ tầng nói chung còn hạn chế, hạ tầng du lịch còn nghèo nàn,  thì những yếu tố nói trên càng phải được xem xét thấu đáo từ nhiều góc độ, từ các bộ, ngành, từ các chuyên gia liên quan.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư