Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020)
Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc
TS Nhị Lê - 03/02/2020 07:28
 
Trong 90 năm qua, chưa bao giờ như bây giờ, đạo lý phải được nêu cao và cổ vũ, pháp lý phải được toàn dụng và phát triển, lòng dân phải được nâng niu, chăm bẵm và tôn vinh vô bờ thì mới có thể nói về việc tiếp tục xây dựng Đảng ta đạo đức, văn minh, Nhà nước ta vững mạnh và liêm chính, Đất nước Việt Nam độc lập và hùng cường. Nói một cách khái quát, Đảng phải tự mình không ngừng trở thành dân tộc. Đó chính là khát vọng của dân tộc ta ngay từ 90 năm trước, khi Đảng ra đời, cũng như hiện nay trong tầm nhìn phát triển đất nước tới năm 2030 và 2045, dưới ngọn cờ của Đảng.
Nhân dân tưng bừng chào mừng Ngày thành lập Đảng.
Đại hội XII của Đảng ra một quyết sách rất căn bản và to lớn. Đó là xây dựng Đảng về mặt đạo đức cùng với xây dựng Đảng về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Giữ đạo đức của một đảng cách mạng, dẫn dắt dân tộc

Tròn 90 năm qua, kể từ khi ra đời, Đảng ta rất coi trọng vấn đề xây dựng đạo đức của Đảng. Bởi đó là hạt nhân, là nền móng, là một trong những giềng mối căn bản để xây dựng đạo đức xã hội, bản lĩnh, khí phách và sức mạnh văn hóa Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng. Ngược lại, không có đạo đức thì không thành người được. Không có đạo đức thì không thể trở thành một đảng cách mạng, chân chính và hành động dẫn dắt, hy sinh vì dân tộc được!

Ngày 5/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, “là đứa con nòi của giai cấp lao động”. Đảng ta với tư cách người lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc thì trước hết phải là người lãnh đạo thật sự có đạo đức. Đó là cái gốc để làm người lãnh đạo, cái gốc để làm công việc lãnh đạo, cái gốc của “đứa con nòi” và cũng là cái gốc để làm người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chính trị lúc này là đạo đức. Đạo đức chính là đòi hỏi và cũng là nền tảng để Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc Việt Nam.

Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếp: Đảng ta là “đạo đức”, rồi mới nói đến “văn minh”. Nói như vậy để thấy ý nghĩa nền tảng và tầm vóc quan trọng của đạo đức và vấn đề xây dựng, phát triển đạo đức đối với Đảng ta và trực tiếp đối với mỗi đảng viên.

Từ mấy nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ XI, XII, Đảng ta dành nhiều tâm sức, hành động để chỉnh đốn, làm trong sạch đạo đức và đời sống đạo đức trong Đảng. Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng ra một quyết sách rất căn bản và to lớn. Đó là xây dựng Đảng về mặt đạo đức cùng với xây dựng Đảng về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Bởi lẽ, chưa bao giờ như bây giờ, sau 33 năm đổi mới, đạo đức đang nổi lên như một vấn đề quan thiết nhất trong toàn bộ công việc cầm quyền, để Đảng giữ vai trò là người cầm quyền, giữ vị thế là người lãnh đạo, giữ trọng trách là người dẫn dắt dân tộc, giữ đạo lý là đứa con nòi của dân tộc, phát triển cùng thế giới.

Kinh nghiệm và thực tiễn nóng bỏng cho thấy, mọi sự tha hóa, thoái hóa về quyền lực thường được bắt đầu từ sự xuống cấp, băng hoại đạo đức. Ngược lại, mọi sự tha hóa, suy thoái về đạo đức nhất định dẫn tới sự thoái hóa, băng hoại về quyền lực chính trị.

Nhìn lại, có thể nói, tình trạng xuống cấp về đạo đức, thậm chí là sự thoái hóa, băng hoại về đạo đức ở một bộ phận đảng viên giữ trọng trách các cấp trong Đảng, trong bộ máy nhà nước… đã đến mức báo động, không thể xem thường.

Chính vì không giữ được lòng mình có đạo đức, nên không ít cán bộ, đảng viên hành động và sống xa rời đạo đức, thậm chí trái đạo đức và vô đạo đức. Liêm sỉ bị coi nhẹ, thậm chí không có liêm sỉ ở một bộ phận giữ trọng trách. Mà không có liêm sỉ thì không thể thành người được - nói như cổ nhân. Phẩm hạnh bị lãng quên, đạo lý bị xâm hại… Thế là nạn tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm hình thành, cùng tệ chạy chức, chạy quyền nảy nòi và phát tác, thậm chí không ít người thờ ơ, ngoảnh mặt trước nỗi đau của nhân dân.

Cần nhấn mạnh rằng, tham nhũng hay nói cách khác là nạn ăn cắp, chính là sự phi đạo đức khủng khiếp và tệ hại. Bé thì ăn cắp vặt, to thì đục khoét quốc khố cả ngàn tỷ đồng; táng tận lương tâm thì “đạo danh”, “đạo vị”, tức ăn cắp chức vụ, ăn cắp “ghế ngồi”, danh vị; và nguy hiểm nhất là “đạo tâm” - ăn cắp lòng tin. Kinh nghiệm lịch sử đang chứng thực, giao quyền hành cho những người đạo đức kém, hoặc không có đạo đức thì không khác gì thả thú dữ vào xã hội, với hậu họa khôn lường.

Một số đảng viên sống và hành động không có đạo đức thì sớm muộn sẽ không có chỗ đứng trong Đảng, trong nhân dân. Mấy năm nay, chúng ta tiếp tục nghiêm khắc xử lý và trừng phạt những người tha hóa về đạo đức, những người phi đạo đức đó - tha hóa về chính trị, thoái hóa về chính trị - một cách kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ, với phương châm không vùng cấm, không ngoại lệ.

Một tổ chức Đảng bị chi phối bởi những người không có đạo đức hoặc đạo đức kém, thì không thể nói tổ chức Đảng đó vững mạnh được, nếu không muốn nói là nguy cơ hủ bại, tiềm ẩn sự tan vỡ của tổ chức. Không ít tổ chức Đảng và người đứng đầu các tổ chức đó bị kỷ luật một cách nghiêm minh và thích đáng.

Cần nhấn mạnh, Đảng ta đang tiếp tục làm một cách kiên định, kiên quyết, kiên trì và không khoan nhượng.

Nói như vậy để thấy được sự cấp bách của việc gìn giữ và phát triển đạo đức trước hết từ trong Đảng và rộng ra trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nói như vậy để thấy được rằng, không sửa và xây đạo đức một cách căn cơ, đồng bộ, kiên trì và kiên quyết, thì nguy cơ Đảng của chúng ta khó có thể cầm quyền một cách đúng đắn, mạnh mẽ và cách mạng, nhưng quan trọng và đáng sợ nhất là Đảng sẽ không xứng đáng là “đứa con nòi” của nhân dân được nữa. Điều đó không còn là một cảnh báo, mà đòi hỏi phải quyết liệt hành động, để khắc chế, dẹp bỏ những hủ bại về đạo đức đó.

Nắm chắc Đảng cương, tuân thủ quốc pháp, phát triển dân quyền

Kinh nghiệm thực tiễn đã chứng tỏ rằng, sẽ không thể sửa chữa được những lỗi lầm cũ của chúng ta, nếu chỉ bằng những tư duy đã đẻ ra những thứ bệnh hoạn đạo đức ấy. Có rất nhiều việc lớn phải làm một cách chiến lược, đồng bộ và kiên quyết, nhưng ở đây, cấp bách phải bắt đầu từ thể chế và bằng thể chế.

Thể chế ở đây có 3 vấn đề quan trọng, có tính giềng mối và chỉnh thể: Đảng cương, quốc pháp và dân quyền.

Thứ nhất, về Đảng cương, tức là giềng mối thể chế trong Đảng, bảo đảm cho Đảng hoạt động thống nhất, chặt chẽ.

Từ cương lĩnh, điều lệ cho đến các quyết sách chính trị khác của Đảng như các nghị quyết, các quy định trong Đảng phải được sửa đổi, chỉnh đốn một cách khoa học, dân chủ và thực thi một cách nghiêm khắc, với kỷ luật công bằng và nghiêm minh. Mức độ và hiệu quả thực thi Đảng cương là thước đo đạo đức hành động của đảng viên. Tức là, không thể nói hay giáo dưỡng đạo lý chung chung, không thể hô hào chay và càng không thể cổ động suông.

Thực tiễn cho thấy, đạo đức trên nhiều phương diện do việc thực thi kỷ luật tạo ra. Cho nên, muốn xây dựng, chỉnh đốn về đạo đức, không thể không chỉnh đốn các thể chế trong Đảng, tức là kỷ luật Đảng một cách đồng bộ và nghiêm cách. Bất kỳ biểu hiện nào xa rời đạo đức, phi đạo đức đều phải bị xử lý. Dối trá, không trung thực, không trong sáng, đi ngược lại các quyết định của Đảng đều phải bị trừng trị nghiêm khắc, dù đó là ai. Chưa kể tới tham nhũng, mà nói đúng ra là tệ ăn cắp một cách ô nhục, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, “còn nguy hiểm hơn cả Việt gian, mật thám”, phải bị trừng phạt đích đáng. Do đó, kiện toàn thể chế ở đây là thể chế kiểm soát và kỷ luật. Nói gọn là kỷ cương của Đảng.

Để làm tốt điều đó, Đảng tiếp tục làm rất nhiều việc, nhưng ở đây, nói gọn về phương thức cầm quyền, thì đạo đức phải là hành động và kiểm soát chặt chẽ trên 5 phương diện, dù là cá nhân hay tổ chức đảng. Tôi gọi là 5 cầm.

Một là cầm thời, nhìn thời thế để ra quyết sách đúng.

Hai là cầm đạo, giữ lấy con đường, con đường được lựa chọn, rõ ràng, minh bạch, phù hợp với điều kiện quốc tế, phù hợp với sự phát triển của dân tộc.

Ba là cầm cương, phải đảm bảo toàn bộ thể chế trong Đảng để bảo đảm tổ chức và vận hành xứng đáng là một tổ chức chính trị, dẫn dắt xã hội, kỷ cương trong Đảng phải được bảo vệ vô điều kiện.

Bốn là cầm tướng, là nắm lấy đội ngũ cốt cán trong Đảng - những người phải thực sự là tiêu biểu, toàn diện để thực hiện việc cầm đạo. Đội ngũ cán bộ chiến lược phải thật sự xứng đáng là đội ngũ tinh hoa.

Năm là cầm tâm, Đảng phải giữ được lòng tin, sự ủng hộ của nhân dân.

Việc xây dựng và kiện toàn thể chế, nói rộng ra là Đảng cương xoay quanh trọng sự đó.

Thứ hai, nói về quốc pháp.

Đảng cương chính là linh hồn của quốc pháp. Nói cách khác, hệ thống pháp luật của Nhà nước chính là sự khế ước hóa đường lối chính trị của Đảng, nói rộng ra là Đảng cương. Truyền thống xã hội, văn hóa làm nên đạo đức, nhưng nhà nước pháp quyền của ta trực tiếp góp phần tạo nên đạo đức và làm phong phú đạo đức. Pháp luật kiến tạo đạo đức và bảo vệ đạo đức, một cách tự nhiên là pháp luật nhân văn, thấm đẫm đạo đức. Do đó, thượng tôn pháp luật là nền tảng, động lực, khuôn khổ để xây dựng và phát triển đạo đức; và đến lượt đạo đức, nó lại là linh hồn, là mục tiêu, là động lực để xây dựng pháp luật và thượng tôn pháp luật. Không gì đạo đức hơn là tuân thủ pháp luật. Không có sự vận hành của pháp luật, với vị thế thượng tôn, thì không thể nâng niu, phát triển ngay những giá trị đạo đức truyền thống, chứ chưa nói tới xây dựng và hành xử đạo đức mới. Do đó, gắn chặt Đảng cương với quốc pháp trong một thể thống nhất, càng tự nhiên và trở nên cấp bách, trong công cuộc cầm quyền của Đảng.

Đảng viên vừa là đảng viên của Đảng, đồng thời là công dân thì chấp hành vô điều kiện pháp luật với vị thế thượng tôn của Nhà nước. Đó là đạo lý và chính là pháp lý. Đảng là tổ chức chính trị, phải lấy pháp luật là thượng tôn trong toàn bộ hoạt động của mình, dù ở bất cứ cấp nào. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thực sự phải là một tấm gương thực thi và tuân thủ vô điều kiện pháp luật. Đó chính là nguồn gốc, là nhân tố quyết định sức sống của Đảng cương.

Nhiều năm nay, với một loạt quyết sách, Đảng ta xác quyết rất rõ ràng, minh bạch về thực thi Đảng cương cũng đồng thời chính là chấp hành quốc pháp. Pháp luật không có vùng cấm với bất kỳ cấp nào của Đảng, không ngoại lệ với bất kỳ đảng viên nào. Cũng như kỷ luật của Đảng không có vùng cấm với bất kỳ đảng viên nào, không có ngoại lệ với bất cứ ai. Đối với cả hai, bình đẳng là tiêu chí trước hết và tiêu chí cuối cùng của Đảng cương và quốc pháp. Không có sự bình đẳng thì không thể bảo đảm thực thi bất kỳ điều gì về dân chủ hay văn minh, càng không thể nói tới phát triển văn hóa chính trị rộng hơn là vấn đề phát triển đạo đức trong Đảng - rường cột làm giàu và phát triển đạo đức xã hội, trực tiếp là quốc pháp và Đảng cương. Nói một cách hình ảnh, nếu các cán bộ, đảng viên không chịu tự điều chỉnh và thay đổi, thì quốc pháp và Đảng cương sẽ kiểm soát, nhất định phải điều chỉnh, thậm chí thay đổi họ.

Nói gọn lại, ở đây, cần làm tốt 3 điều: đề cao đạo đức; nắm chắc Đảng cương; kiên thủ và thượng tôn Quốc pháp trong toàn bộ công việc lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Thứ ba, về dân quyền.

 Đảng với tư cách là đứa con nòi của nhân dân, nên quyền của nhân dân đối với Đảng, được hiến định, nên Đảng cương phải thể hiện và thực thi nghiêm cách trong Đảng, không ngoại lệ. Nhân dân có quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, trực tiếp giám sát, cảnh giới cán bộ, đảng viên của Đảng về đạo đức. Đó không chỉ là vấn đề pháp lý, mà sâu hơn về văn hóa là đạo lý của Đảng và Nhà nước ta đối với nhân dân.

Vẫn còn không ít chuyện rất phiền lòng, buồn lòng trên phương diện này. Tiếng nói của nhân dân có được cán bộ, đảng viên, các tổ chức của Đảng lắng nghe không, nghiêm túc tiếp thu không, trả lời và nghiêm chính thực hiện theo ý nguyện chính đáng và đúng pháp luật không? Và khi tiếp thu, thì liệu có lắng nghe, chân thành hay thờ ơ, làm cho phải phép? Không gì tệ hại hơn những kẻ giả điếc vì cá nhân, vì gian dối không muốn nghe!

Cho nên, dân quyền là một trong những điểm căn bản và là trọng sự của Đảng cương và quốc pháp. Không được lòng dân thì không có gì cả. Cổ nhân cũng đã nói nhiều lần: dân là dân nước, nước là nước dân, phúc chu thủy tín dân do thủy (Làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước), “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”... Lòng dân tin tưởng và cố kết tạo nên vận nước xán lạn và mạnh mẽ!

Cho nên, quyền của nhân dân tiếp tục được hiến định toàn vẹn, phải được Đảng và Nhà nước bảo vệ vô điều kiện. Đó là thước đo tự do của nhân dân trong quốc gia Việt Nam độc lập! Khi dân quyền được tôn vinh thì lòng dân đoàn kết, theo đó, dân chủ không ngừng tỏa sáng.

Nền móng dân quyền đó có được củng cố, có được bảo vệ, thì quốc pháp mới vững, Đảng cương mới bền, đạo đức trong Đảng nói riêng, trong xã hội nói chung, mới được giữ vững và được phát triển, Đảng ta ngày càng xứng đáng là “đứa con nòi” của nhân dân, Nhà nước ta mới thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Lòng dân tạo nên vận nước, làm nên vận Đảng.

*

* *

Hiện nay, hơn hết bao giờ, đạo lý phải được nêu cao, đạo đức phải được cổ vũ; pháp lý phải được toàn dụng và phát triển vô điều kiện, phù hợp với pháp lý quốc tế; lòng dân phải được nâng niu và chăm bẵm, vun đắp vô bờ một cách thành tâm và có ý nghĩa sinh tử.

Đó chính là không ngừng xây dựng Đảng ta ngày càng xứng đáng thực sự là một đảng đạo đức, văn minh, trí tuệ, danh dự, thật sự là “đứa con nòi” của dân tộc và không ngừng trở thành dân tộc; Nhà nước ta ngày càng vững mạnh, dân chủ, liêm chính thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; không ngừng xây dựng một xã hội Việt Nam văn hóa và tiến bộ.

Chính toàn bộ điều đó sẽ làm nên thế nước, làm nên vận Đảng; bảo đảm sự trường tồn của dân tộc; cổ vũ lòng dân, tạo nên vận nước và xây dựng nước Việt Nam độc lập và hùng cường trên con đường xã hội chủ nghĩa, mà chúng ta kiên định suốt 90 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng ta, không gì có thể ngăn cản được, không thế lực nào có thể phá vỡ và thay đổi được.

Đảng cương - quốc pháp và sự tín nhiệm của nhân dân là cương lĩnh sống và hành động, đồng thời là công cụ kiểm soát và điều chỉnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với mọi cán bộ, đảng viên một cách bình đẳng, minh bạch và công bằng!

Đó là con đường Đảng tự mình xứng đáng trở thành dân tộc, xứng đáng là “đứa con nòi của giai cấp lao động”, người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân!

Đó cũng chính là con đường phát triển của dân tộc; là danh dự, là trí tuệ và là sức mạnh làm nên quốc gia Việt Nam xã hội chủ nghĩa, độc lập và hùng cường.

[Longform] Chăm lo thế nước, vun đắp lòng dân, xây dựng Đảng xứng đáng là "đứa con nòi" của dân tộc
Mùa Xuân Canh Tý 2020 là tròn 90 Xuân, kể từ ngày 3/2 Mùa Xuân Canh Ngọ 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam - “Đứa con nòi” của Nhân dân lao động Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư