Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng của người làm báo
Mạnh Bôn - 21/06/2016 08:38
 
Làm bất cứ công việc gì cũng phải có đạo đức, riêng đối với báo chí - hoạt động đặc biệt có tính đặc thù rất cao, theo Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi, đạo đức nghề nghiệp là vấn đề sống còn, là nền tảng của người làm báo.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, rất ít ngành nghề quy định đạo đức nghề nghiệp cho dù làm việc gì cũng phải có đạo đức. Vậy có nhất thiết phải quy định đạo đức nghề nghiệp với người làm báo không?

Báo chí có nhiệm vụ thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước, của Nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc... Báo chí còn có nhiệm vụ phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

.
.

Như vậy có thể thấy, báo chí là hoạt động rất đặc thù, có ảnh hưởng rất lớn tới xã hội, định hướng dư luận xã hội nên người làm báo, ngoài đạo đức của một cá nhân sống trong xã hội, còn phải có đạo đức nghề nghiệp đặc thù riêng, nên nhất thiết phải có quy định cụ thể về đạo đức nghề nghiệp. Bất cứ ai vi phạm đạo đức nghề nghiệp đều bị loại ra khỏi cộng đồng báo chí, thậm chí bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng.

Chính vì vậy, Luật Báo chí năm 2016 đã luật hóa đạo đức nghề nghiệp của người làm báo?

Khác với hầu hết các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác, Hội Nhà báo Việt Nam đã được luật hóa trong Luật Báo chí năm 2016. Đây là bước tiến mới, rất quan trọng nhằm nâng tầm vai trò, vị trí của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước.

Luật Báo chí năm 2016 giao nhiệm vụ cụ thể cho Hội Nhà báo Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; tham gia ý kiến xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển báo chí, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí… Hội Nhà báo Việt Nam còn có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên.

Nhưng Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có quy định về đạo đức nghề nghiệp rồi, thưa ông?

Mặc dù đạo đức nghề nghiệp không được quy định trong Luật Báo chí hiện hành, nhưng như tôi nói, do là nghề nghiệp đặc thù, có ảnh hưởng, tác động rất lớn tới xã hội, nên Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam với 9 điều.

Tuy nhiên, trước sự phát triển rất mạnh mẽ của báo chí, đặc biệt là Luật Báo chí năm 2016 có rất nhiều quy định cụ thể hóa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, nên nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Hiện tại, chúng tôi đã đề nghị tất cả các chi hội nhà báo, liên chi hội nhà báo trên cả nước tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng Quy định về đạo đức nghề nghiệp mới phù hợp với Luật Báo chí, thể hiện được đầy đủ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin của nhà báo cũng như công dân.

Tôi muốn nói thêm rằng, quy định này rất quan trọng, liên quan mật thiết, trực tiếp tới các nhà báo nên tôi đề nghị các đồng nghiệp trên cả nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến để chúng ta có một bản Quy định về đạo đức nghề nghiệp phù hợp với thực tế.

Như ông thấy, rất nhiều cơ quan báo chí chạy theo xu hướng đưa thông tin tiêu cực, trái chiều, giật gân câu khách… Điều này có vi phạm đạo đức nghề nghiệp không?

Đúng là có tình trạng nhiều cơ quan báo chí đăng quá nhiều thông tin tiêu cực, giật gân câu khách, thậm chí có cả thông tin bịa đặt, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm tổ chức, cá nhân… Hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mà còn vi phạm Hiến pháp và Luật Báo chí năm 2016.

Cụ thể, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Thể chế hóa quy định này, Luật Báo chí năm 2016 nghiêm cấm đăng, phát thông tin liên quan đến bí mật đời tư của cá nhân; cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam...

Luật cũng cấm báo chí đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.

Người nào vi phạm đạo đức nghề nghiệp, về hoạt động nghiệp vụ báo chí, thông tin trên báo chí sẽ không được cấp thẻ nhà báo hoặc được cấp rồi sẽ bị thu hồi và khai trừ ra khỏi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, tức là không được hành nghề báo chí nữa.

Thế còn cơ quan báo chí vi phạm thì sao?

Muốn hoạt động phải có giấy phép. Một trong những điều kiện để được cấp giấy phép là phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; đối tượng phục vụ. Trong quá trình hoạt động, cơ quan chủ quản có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động và chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí.

Người đứng đầu cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và các quy định ghi trong giấy phép.

Tất cả những quy định trên đã được luật hóa nên kể từ 1/1/2017 khi Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực, cơ quan báo chí nào vi phạm đều bị xử lý. Quy định này để tránh tình trạng nhiều cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, sa đà vào việc đưa thông tin tiêu cực, giật gân, câu khách, phản ánh mặt trái của xã hội… nhằm tăng lượng độc giả, lôi kéo quảng cáo.

Nhiều nhà báo viết báo một đằng, viết trên blog, mạng xã hội lại khác. Ông bình luận gì về những đồng nghiệp này?

Không chỉ nhà báo, mà bất cứ ai cũng phải yêu ghét, khen chê rõ ràng, thể hiện đúng quan điểm, thái độ, lập trường, không được sống hai mặt. Khi viết báo để đăng bài, anh viết thế này, còn khi viết blog, mạng xã hội, anh lại viết thế khác, bẻ cong ngòi bút, thậm chí “thêm mắm, thêm muối” cho ly kỳ, hấp dẫn, đưa thông tin hoàn toàn trái ngược với thông tin trên báo do chính anh viết để câu view, comment là nhà báo “lá mặt lá trái”. Những nhà báo này đang xúc phạm chính bản thân họ thì xã hội cũng khó có thể tôn trọng họ.

Hiện tại, một số cơ quan báo chí quy định cụ thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên tham gia vào mạng xã hội, viết blog không được vi phạm những nội dung gì. Quy định này không vi phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân, vì đây là thỏa ước lao động giữa cơ quan báo chí với người lao động.

Anh làm việc thì phải chấp hành quy định của tổ chức, nếu không chấp nhận thì anh không làm việc nữa. Tôi cho rằng, cơ quan báo chí nào đưa ra quy định như trên là nhằm bảo vệ uy tín của mình, vì dù nhà báo viết trên blog, mạng xã hội với bất cứ nick name gì thì vẫn là người của cơ quan báo chí.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư