Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đào tạo nhân lực “hot” trong thời đại công nghệ số
Mộc An - 07/01/2024 07:46
 
Công nghiệp bán dẫn là nền tảng của việc sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và thiết bị di động - những sản phẩm thiết yếu trong thời đại công nghệ số. Nắm bắt xu hướng này, các trường đại học đang xây dựng chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh, đặc biệt là lĩnh vực điện tử - bán dẫn - vi mạch, các tập đoàn công nghệ thế giới đang tìm những địa điểm phù hợp để đặt cơ sở sản xuất, nghiên cứu, trong đó có Việt Nam. Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden, dự kiến có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu là lĩnh vực thiết kế vi mạch.

Về thực trạng và định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này khoảng 20.000 người, 10 năm tới khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên. Nhưng hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch chỉ khoảng 5.000 người đến từ các trường đại học kỹ thuật.

Nhiều trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu Việt Nam đã chuẩn bị chuyên ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch gồm nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn (các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu…); nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch (các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử - viễn thông); các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…

Việc đào tạo có thể tuyển mới từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối. Kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần cũng có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.

Tuy nhiên, do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn - vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ. Điều này rất cần chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.

Theo đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ sở có khoảng 20 ngành đào tạo có liên quan đến bán dẫn và vi mạch, với khoảng 1.500 sinh viên/năm. Nhà trường đã phát triển các nhóm nghiên cứu bán dẫn và vi mạch gồm thiết kế, chế tạo chip, phát triển sản phẩm ứng dụng, đồng thời đầu tư các trang thiết bị, phòng thí nghiệm như thiết kế vi mạch SISlab (hơn 40 tỷ đồng từ năm 2006); Phòng sạch, vi chế tạo, vật liệu (hơn 100 tỷ đồng), trong đó có Trung tâm Nano và năng lượng (từ năm 2011) và Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ micro và nano (năm 2016).

Với thế mạnh đào tạo các lĩnh vực khoa học kỹ thuật - công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 7 ngành đào tạo gần và 2 chuyên ngành đào tạo đúng về vi mạch, với hơn 3.000 chỉ tiêu mỗi năm. Trường triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các khâu thiết kế, sản xuất và phát triển ứng dụng. Phòng thí nghiệm đã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị phục vụ sản xuất và kiểm chuẩn linh kiện bán dẫn.

Nắm bắt nhu cầu nhân lực của ngành bán dẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Kế hoạch hành động toàn ngành thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch. Bên cạnh đó, Bộ cũng liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn.

Năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đề ra.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề xuất giải pháp chuyển sinh viên các ngành học gần như điện tử, kỹ thuật điện, tự động hóa, cơ điện tử sang đào tạo ngành bán dẫn để tăng tỷ lệ tốt nghiệp mỗi năm lên 3.000 - 4.000 người.

Cơ hội phát triển công nghiệp bán dẫn
Cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang rộng mở với Việt Nam sau chuyển động gần đây của dòng vốn đầu tư nước ngoài, cùng những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư