Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cơ hội phát triển công nghiệp bán dẫn
Mai Hương - 16/12/2023 09:13
 
Cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang rộng mở với Việt Nam sau chuyển động gần đây của dòng vốn đầu tư nước ngoài, cùng những cam kết trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (Hoa Kỳ), ông Jensen Huang.

Trên thực tế, tiềm năng thị trường bán dẫn cũng như ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu là rất lớn.

Số liệu thống kê công bố tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE 2023) diễn ra vào đầu tuần này cho thấy, trong năm 2022, doanh số toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn đạt gần 600 tỷ USD. Dự báo, doanh số của riêng sản phẩm vi mạch bán dẫn toàn cầu có thể tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Trong khi đó, theo dự đoán của Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin Gartner (Mỹ), doanh thu bán dẫn toàn cầu trong 2 năm (2024-2025) sẽ tăng bình quân trên 15%/năm; quy mô thị trường công nghiệp điện tử toàn cầu tăng từ 3.454 tỷ USD (năm 2022), lên hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030. Đây là thuận lợi rất lớn về mặt thị trường đối với các quốc gia có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có Việt Nam. 

Bối cảnh hiện tại còn có nhiều điểm thuận lợi, cả về khách quan và chủ quan với một quốc gia như Việt Nam trong nỗ lực hình thành và phát triển ngành công nghiệp này.

Tại cuộc tiếp Chủ tịch Tập đoàn Nvidia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất đưa khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột mới quan trọng trong quan hệ hai nước. Do đó, cần tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã có văn bản hợp tác. Đây là điều kiện cực kỳ thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện tại, Việt Nam còn có thuận lợi về nguồn tài nguyên nhân lực, vật lực trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Riêng về nhân lực, Việt Nam có khoảng 6.000 kỹ sư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đang làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó là chưa kể một lượng lớn nhân lực đang được đào tạo về chuyên ngành này ở cả trong nước và nước ngoài. Nhiệm vụ đã được cụ thể hóa khi Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược phát triển ngành này ở Việt Nam, trong đó có việc xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn đến năm 2030.

Chính Chủ tịch Tập đoàn Nvidea cũng cho rằng, tiềm năng, cơ hội và chiến lược, tầm nhìn, cách tiếp cận của Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là rất rõ ràng, đặc biệt là Việt Nam có nguồn tài nguyên lớn về nhân lực, có năng lực phần mềm tốt, có vị trí thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này cũng như trí tuệ nhân tạo. Từ lợi thế về nhân lực - là lợi thế quan trọng nhất, căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip - Việt Nam có thể hình thành thêm lợi thế khác trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp điện tử, nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị Intenet vạn vật (IoT). Yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn càng quan trọng khi Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, bởi quá trình chuyển đổi số song hành với phát triển phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi, trong đó có chip bán dẫn.

Năm 2024 sẽ là năm đầu tiên, Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Đây là ngành công nghiệp nền tảng và là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới. Với tiềm năng, lợi thế, chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, cùng hạ tầng cơ sở gồm Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hà Nội, TP. Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư, kỳ vọng, Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội, cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư tạo nên kỳ tích mới để phát triển nhanh hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như tăng tốc chuyển đổi số nền kinh tế.

Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng, Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư