Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai trầy trật thoát lỗ
Thế Hoàng - 05/09/2017 09:08
 
Nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng) và DAP Lào Cai là 2 trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương, dù đang được tái cơ cấu để giảm bớt lỗ, tránh lâm vào cảnh đóng cửa, nhưng tương lai còn mờ mịt.
DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai vẫn đang thua lỗ nặng. Trong ảnh: Nhà máy DAP Đình Vũ
DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai vẫn đang thua lỗ nặng. Trong ảnh: Nhà máy DAP Đình Vũ

Tiếp tục báo lỗ

Trong khi các doanh nghiệp trong ngành phân bón đều hồ hởi báo lãi đậm, thì Công ty cổ phần DAP - Vinachem (Mã CK: DDV) tiếp tục kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm 2017.

Theo đó, trong nửa đầu năm, tình hình kinh doanh của DDV dù có tín hiệu cải thiện với doanh thu tăng 14,5%, đạt 920 tỷ đồng, nhưng vẫn lỗ 55 tỷ đồng.

Theo Ban lãnh đạo DDV, dù giảm bớt lỗ so với cùng kỳ, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh trong kỳ của Công ty vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giá bán chưa có chiều hướng tăng, lãi suất vay vốn lưu động tại ngân hàng tăng do không còn chính sách hỗ trợ…

Trước đó, dự báo về kinh doanh năm 2017, ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng giám đốc Công ty cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào tăng gần 30% so với cuối năm 2016. DDV đặt mục tiêu doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng cho cả năm 2017 và cắt lỗ, dự kiến lợi nhuận 1,2 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2017, DDV đang có khoản lỗ lũy kế gần 521 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 944,6 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ ở mức hơn 1.461 tỷ đồng.

Tổng tài sản của DDV ở mức 2.073 tỷ đồng, giảm 6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn hơn 503 tỷ đồng (chiếm 24% cơ cấu tài sản); tài sản dài hạn 1.534 tỷ đồng, chiếm 76%.

Năm 2016, DDV ghi nhận mức lỗ đậm nhất, khi chỉ đạt sản lượng tiêu thụ 168.000 tấn so với kế hoạch. Doanh thu giảm mạnh so với năm 2015, chỉ đạt 1.319 tỷ đồng, dẫn đến mức lỗ 470 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo DAP Đình Vũ cho rằng, nguyên nhân lỗ lớn là do thị trường phân bón mất giá nhanh, phân bón xuống thấp, trong khi chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Cộng với hạn chế về quản trị chi phí sản xuất, kế hoạch thị trường yếu kém.

Trong khi đó, “người anh em” cùng mẹ Tập đoàn Vinachem là DAP số 2 - Vinachem với Nhà máy DAP Lào Cai còn tệ hại hơn. Không chỉ gặp khó từ nguyên nhân khách quan là thị trường phân bón dư cung, cạnh tranh với hàng nhập khẩu, mà suất đầu tư cao, sản phẩm hạn chế về chất lượng… nên càng sản xuất, hiệu quả kinh doanh càng kém.

Thanh tra Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước liên tiếp chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng của Công ty cổ phần DAP số 2 và Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất phân bón cao cấp DAP Lào Cai.

Tổng mức đầu tư Dự án DAP Lào Cai lên tới gần 5.200 tỷ đồng, tăng khá lớn so với mức phê duyệt ban đầu (hơn 4.400 tỷ đồng).

Đáng chú ý, từ tháng 7/2015, khi Nhà máy đi vào sản xuất thương mại đến thời điểm 30/6/2016, sản lượng sản xuất không đạt mục tiêu của Dự án. Cụ thể, từ 1/7/2015 - 31/12/2015, công suất trung bình chạy máy chỉ đạt 65,2%, sản lượng 107.571 tấn DAP; từ 1/1/2016 - 30/6/2016, công suất trung bình chạy máy giảm xuống còn 43,5%, sản lượng 71.758 tấn DAP. Năm 2015, Công ty lỗ hơn 100 tỷ đồng, năm 2016 là trên 800 tỷ đồng.

Mong manh khả năng “hồi sinh”

Vinachem từng kiến nghị Chính phủ xem xét đề nghị các ngân hàng cho giãn nợ, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay vốn lưu động, áp thuế phòng vệ đối với sản phẩm nhập khẩu... để tạo điều kiện "cứu" 4 dự án thua lỗ, trong đó có 2 dự án DAP kể trên.

Từ ngày 19/8/2017, thuế tự vệ tạm thời với phân bón DAP nhập khẩu đã được Bộ Công thương áp tới 1,85 triệu đồng/tấn. Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết, quyết định áp thuế tự vệ với phân bón vào thời điểm này rất kịp thời và có lợi cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội tăng tiêu thụ sản phẩm.

Cũng theo ông Thanh, việc áp thuế sẽ phần nào vực dậy các doanh nghiệp sản xuất DAP đang thua lỗ như DAP Đình Vũ (Hải Phòng), DAP 2 (Lào Cai). Đơn cử, DAP Đình Vũ thời gian tới sẽ tập trung cắt lỗ, nếu sản xuất và tiêu thụ hết 268.000 tấn phân bón DAP.

Lãnh đạo một doanh nghiệp phân bón tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, “phao cứu sinh” là thuế tự vệ chỉ là một trong rất nhiều giải pháp cho những đơn vị sản xuất đang lỗ nặng và cũng khó giúp hoạt động của hai nhà máy DAP Vinachem trở nên hiệu quả. Bởi bản chất khó khăn của các nhà máy DAP là suất đầu tư lớn, đầu tư không hợp lý, từ lựa chọn địa điểm đến công nghệ... dẫn đến giá thành cao mà chất lượng không như kỳ vọng.

Bản thân lãnh đạo DDV cũng thừa nhận, chất lượng DAP chưa được cải thiện về độ tan, hàm lượng dinh dưỡng, trong khi Công ty chỉ có duy nhất sản phẩm DAP 61, nên khi sản phẩm này bất lợi thì không có sản phẩm khác hỗ trợ”. Chưa hết, một số thiết bị quan trọng trong nhà máy dù được tập trung sửa chữa, nhưng hiệu suất làm việc vẫn thấp, hay phát sinh sự cố.

Bộ Công thương cho biết, tổng số lỗ của 2 doanh nghiệp phân bón là Công ty cổ phần DAP - Vinachem và Công ty CP DAP số 2 - Vinachem hiện đã gần bằng tổng vốn chủ sở hữu và khả năng còn có thể âm vốn chủ sở hữu trong năm 2017. Nguy cơ 2 doanh nghiệp này phải đóng cửa là rất cao nếu tình trạng thua lỗ vẫn tiếp diễn.

Thêm một yếu tố nữa được Hiệp hội Phân bón Việt Nam chỉ ra là, tác động kéo dài của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế (Luật 71/2014/QH13) quy định các mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thay vì mức 5% như trong năm 2014, đã khiến các doanh nghiệp phân bón không còn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Điều này dẫn tới chi phí sản xuất tăng hàng trăm tỷ đồng.

“Nếu muốn giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp phân bón lúc này, có lẽ việc cần làm và trong khả năng là sửa đổi Luật Thuế GTGT, trong đó đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức 0%, nhằm được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Làm như vậy sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp”, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam nêu quan điểm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Có hướng đi cho 12 dự án thua lỗ
Chiều ngày 5/7, Phiên họp triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về 12 dự án thua lỗ ngành công thương vừa kết thúc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư