Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đặt mục tiêu “mềm” để linh hoạt khi điều hành
Mạnh Bôn - 25/10/2017 08:46
 
Thay vì ấn định một con số cố định, năm 2018, Chính phủ trình Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 6,7%. Theo ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế “mềm” để linh hoạt hơn trong điều hành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế các năm trước đều ấn định một con số, nhưng năm 2018 đặt ra mục tiêu khá mềm là 6,5% - 6,7%. Vì sao vậy, thưa ông?

Thực ra thì mấy năm gần đây cũng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP mềm. Cụ thể, năm 2015 đặt mục tiêu khoảng 6,2%; năm 2016 và năm 2017 đặt mục tiêu khoảng 6,7%.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều mặc định đây là mục tiêu tăng trưởng cứng. Vì vậy, tất cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác lấy GDP làm gốc như bội chi, nợ công, nợ chính phủ, thu ngân sách nhà nước, thu ngân sách từ thuế, phí, lệ phí đều căn cứ vào mục tiêu được mặc định là cứng này để đánh giá là đạt hay không đạt, khiến Chính phủ rất khó điều hành.

.
 Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết, thị trường và việc điều chỉnh chính sách của thị trường xuất - nhập khẩu. Vì vậy, tôi cho rằng, khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 và các năm sau này nên đưa ra nhiều mức khác nhau, hay nói cách khác là nhiều kịch bản khác nhau.

Căn cứ vào các kịch bản này, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô lấy GDP làm gốc cũng có các kịch bản tương ứng. Nếu được Quốc hội thông qua thì năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần đạt khoảng 6,5% - 6,7%. Đặt ra mục tiêu mềm giúp Chính phủ điều hành linh hoạt hơn.

Như vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP từ 6,5% - 6,7% thì phải có kịch bản tăng trưởng ở các khu vực khác nhau?

Muốn đạt được tốc độ tăng trưởng GDP như trên trong năm 2018 thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 3,07 - 3,19%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7,17 - 7,59%, trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm khoảng 9 - 9,25% và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 12,15 - 12,7%. Khu vực dịch vụ tăng khoảng   7,3 - 7,39%.

Tăng trưởng bằng cách nào khi 3 trụ cột của nền kinh tế là vốn đầu tư, lao động và khai khoáng không còn nhiều dư địa?

Trước hết phải khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đã và đang giảm dần phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là than đá và dầu mỏ.

Minh chứng rõ nét nhất là trong 9 tháng đầu năm 2016, công nghiệp khai khoáng giảm 2,53%; năm 2017 giảm 8,08%, nhưng kinh tế 9 tháng vẫn tăng trưởng tương ứng 5,99% và 6,41%. Còn năm 2018, mục tiêu đặt ra là công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm 9% - 9,25%, nhưng GDP vẫn tăng 6,5% - 6,7%. Như vậy, nền kinh tế chỉ còn phụ thuộc vào 2 trụ cột là vốn và nguồn nhân lực.

Đối với vốn, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 ước tính bằng 33,42% GDP, cao hơn so với kế hoạch đề ra (31,5%) và tăng 12,6% so với năm 2016. Năm 2018 và các năm tiếp theo, dù có cố gắng thì tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cũng chỉ đạt tối đa bằng 33 - 34% GDP nên nhiều người cho rằng, trông chờ vào vốn để tăng trưởng kinh tế không còn nhiều dư địa.

Còn nguồn nhân lực, nước ta bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Cụ thể, tốc độ tăng lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có xu hướng giảm mạnh. Nếu như thập niên trước, tốc độ tăng lực lượng lao động bình quân trên 2%/năm thì năm 2014 chỉ còn 0,94% và hiện tại chỉ còn khoảng 0,44%, nên cũng có ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực không còn là chỗ dựa để kinh tế tăng trưởng cao như những năm trước đây.

Ông có đồng ý với quan điểm trên?

Về mặt lý thuyết thì quan điểm trên không sai, nhưng trên thực tế lại không đúng như vậy. Về vốn, quy mô nền kinh tế tăng lên hàng năm nhờ tăng trưởng GDP nên về số tuyệt đối, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn tăng.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gồm vốn khu vực nhà nước, khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài. Triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết 35/NQ-CP (ngày 16/5/2016) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với nhiệm vụ trọng tâm là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, loại bỏ chi phí phi chính thức, giảm thiểu chi phí chính thức, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thì nguồn vốn khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khu vực tư nhân, chắc chắn sẽ tăng rất mạnh.

Cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nếu số doanh nghiệp tăng gấp đôi vào năm 2020 như mục tiêu Chính phủ đặt ra thì vốn đầu tư không thiếu. Nguồn vốn trong dân còn rất lớn, minh chứng là vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2017, thị trường chứng khoán, bất động sản hồi phục, người dân đã và đang bỏ số tiền khổng lồ vào 2 thị trường này.

Còn đối với nguồn nhân lực, hiện cả nước có khoảng 54 triệu lao động, nhưng tỷ lệ lao động làm việc hiệu quả chưa cao, năng suất lao động còn thấp, nhất là lao động trong khu vực phi chính thức và nông nghiệp. Nếu chuyển dần lao động khu vực nông nghiệp và phi chính thức sang khu vực chính thức, đi đôi với tăng cường đào tạo thì nguồn nhân lực hàng năm bổ sung vào lực lượng lao động tuy không lớn như trước đây, nhưng chất lượng cao hơn, năng suất cao hơn thì nguồn nhân lực sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc để kinh tế tăng trưởng ổn định.

Tiến gần mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%
Tốc độ tăng trưởng GDP quý III tiếp tục đà bứt phá của quý II. Theo ông Dương Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư