Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
“Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 5: Những lời “thú tội” gây sốc
 
Chủ các mỏ đất tại Quảng Ngãi đưa ra những lời “thú tội” khiến chúng tôi choáng váng.
Nhiều chiêu bài, thủ đoạn tinh vi, hòng trốn thuế tài nguyên của doanh nghiệp khai thác khoáng sản (đất, cát, đá) ở một số tỉnh miền Trung đã được nhận diện. Hành vi này, ngoài mối lợi lớn, có nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, để doanh nghiệp mặc sức tung hoành.

Bài 5: Những lời “thú tội” gây sốc

Họ khai thác đất dưới “lá bài” Giấy phép khai thác khoáng sản mà không cần lắp đặt trạm cân, camera theo luật định, thậm chí được cấp phép mỏ đất, mà đá nhiều hơn… đất.

“Mỏ đất nào không sai, tôi đưa đầu cho… chặt”

Hơn 10h 30’ ngày 9/6/2023, tại mỏ đất Hố Hóc Ngày (thôn An Chỉ Tây, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), một đoàn xe tải chở đất “trộn” đá nối đuôi nhau từ núi Định Cương chạy ầm ầm về một khu tái định cư gần đó. Thấy phóng viên bịt miệng trước cảnh “mịt mù khói tỏa” ngay lúc đoàn xe tải lao qua, một người dân ở gần đó than: “Bụi quá, chịu không nổi. Họ có tưới nước, nhưng không ăn thua”.

Điều kỳ lạ, dù là mỏ đất, nhưng bên trong lại xuất hiện nhiều điểm khai thác đá chẻ. Một khối lượng lớn đá chẻ vuông vức đã được “rả” ra từ những tảng đá lớn.

Dù được cấp phép khai thác đất, nhưng bên trong mỏ đất Hố Hóc Ngày lại xuất hiện nhiều điểm chẻ đá
Dù được cấp phép khai thác đất, nhưng bên trong mỏ đất Hố Hóc Ngày lại xuất hiện nhiều điểm chẻ đá.

Hơn 12h trưa 9/6, nhóm phóng viên “lót dạ” bằng mì tôm tại một quán tạp hóa ven đường, thì phát hiện một đối tượng “chim mồi” đang “quần thảo” bên ngoài. Lúc này, một người đàn ông tiến thẳng đến dò hỏi “thân phận”. “Anh là ai?”, phóng viên hỏi ngược. “Anh làm trên mỏ”. “Có vấn đề gì không?”. “Anh em hiểu nhau hết mà. Ngồi nói chuyện chút”. Thấy người này không nói “danh tính” nên phóng viên lên xe, rời đi. Bất ngờ, một nhóm người “lạ” xuất hiện và dùng xe máy bám đuổi. Nhận thấy bất thường, nhóm phóng viên di chuyển đến UBND xã Hành Phước. Lúc này, nhóm người kia vẫn “canh me” ở đầu đường dẫn vào UBND xã Hành Phước.

Hơn 2h chiều 9/6, nhóm phóng viên Báo Đầu tư làm việc với ông Cao Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Hành Phước về hoạt động của mỏ đất Hố Hóc Ngày, đồng thời cung cấp thông tin về việc bị một nhóm người theo dõi. Ông Đạt khẳng định: “Thấy các anh vào tụi nó đi theo thôi, chứ dám làm gì. Nó làm gì các anh, tôi chịu trách nhiệm”. Điều bất ngờ là, lúc này, người đàn ông tên D. (xưng là chủ mỏ đất Hố Hóc Ngày) đã bám theo nhóm phóng viên đến tận phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã Hành Phước.

Vẻ như, ông D. khá “thông thuộc” phòng ốc bên trong trụ sở UBND xã này và chuyện vào ra phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã không có gì xa lạ. Tại đây, ông D. phân trần: “Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Thiên Lộc Phát là thằng cháu tôi. Mỏ tôi bị kiểm tra liên tục. Tôi ngán ngẩm, nhức đầu lắm. Tôi nói thật là không mỏ đất nào không sai. Mỏ nào cũng có vi phạm, ít với nhiều thôi. Các em tìm được mỏ đất nào không sai, tôi đưa đầu cho… chặt! Chúng tôi có sai nên vừa rồi mới bị xử phạt”. Theo ông Đạt, mỏ đất Hố Hóc Ngày vừa bị xử phạt với số tiền lớn, trong đó có việc khai thác ngoài phạm vi cấp phép.

“Có mặt ông (ý nói ông D. - PV) đây, tôi nói luôn. Tưới nước đường sá hay không, nói cho nhanh. Dân họ chặn xe lại là có lý của họ. Tôi không có thẩm quyền xử phạt trong mỏ, nhưng phát hiện điều gì bất cập là tôi đề xuất cấp trên xử lý. Mấy ông có làm gì thì làm, nhưng trước mắt phải tôn trọng dân”, ông Đạt nói với vẻ rất nghiêm trọng.

Việc lắp camera thực tiễn rất khó. Quy định là có, nhưng thời điểm này, theo tôi, là chưa phù hợp, chưa cần thiết. Trước mắt, chúng tôi phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản doanh nghiệp bán ra ngoài (mà không phải cung cấp cho các khu dân cư, khu tái định phục vụ cao tốc), chứ không thể để họ tự tung, tự tác được.

- Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi 

Nghe vậy, ông D. “phản biện” là “có tưới nước chớ”. Rồi ông D. thừa nhận, mỏ đất Hố Hóc Ngày không lắp đặt trạm cân, camera (theo quy định tại Điều 55, Luật Khoáng sản năm 2010 và Điều 42, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ - PV). “Như thế, các anh tính khối lượng đất chở ra khỏi mỏ thế nào?”. “Chúng tôi dựa vào… đăng kiểm. Chúng tôi chỉ chở vừa bằng thùng xe thôi”, ông D. đáp. Khi phóng viên “đối chất”: “Các anh chở vừa đủ thùng xe hay cơi nới thêm thì chỉ có các anh là người biết?”. “Đăng kiểm vẫn biết mà (!)”, câu trả lời của ông D. khiến chúng tôi choáng váng. Một ngày bao nhiêu chuyến xe chở đất ra khỏi mỏ? “Cái này tôi không biết. Anh em trên đó họ làm”, ông D. nói.

Chủ tịch UBND xã Hành Phước tỏ ra khó hiểu trước thực tế “mỏ đất gì mà đá nhiều hơn đất”. “Tôi không hiểu lúc thăm dò thế nào mà như thế. Nhìn cái mỏ thấy bắt mệt, thấy đá không, chẳng theo một trật tự nào hết”, ông Đạt lắc đầu rồi đặt câu hỏi vì sao cấp phép mỏ đất, mà vật liệu đưa ra khỏi mỏ lại có cả đá?

“Anh trả lời sao về việc này?”, chúng tôi quay sang ông D. “Bọn tôi thuê tư vấn họ thăm dò và trả tiền cho họ rồi, nhưng không hiểu sao đá nhiều vậy. Sắp tới, tôi xin phép để khai thác cả đá, chứ mỏ đất thì không thể khai thác đá”. “Anh nói gì về việc các xe tải rời mỏ chở đất ‘trộn’ cả đá?”. “Có đá vẫn được phép mà, miễn sao đừng chỉ chở đá mà không có đất”, ông D. đáp.

Kết thúc buổi làm việc với Chủ tịch UBND xã Hành Phước, ông D. xin gặp riêng phóng viên ở một quán nước. Tại quán nước này, ông D. tiếp tục phân trần: “Không chỉ cung cấp đất cho khu tái định cư, cứ còn hóa đơn, thì chúng tôi còn bán ra ngoài”.

Theo ông D., trong quá trình vận chuyển đất, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Thiên Lộc Phát có tưới nước đường sá, nhưng xe tưới nước mới bị bắt vì… hết hạn đăng kiểm.

“Năm ngoái, đất đưa ra khỏi mỏ Hố Hóc Ngày muốn bán giá nào thì bán. Còn năm nay mới bán theo giá cơ quan chức năng thẩm định”, ông D. nói.

Cuối cùng, ông “chốt lại” rằng, “chỗ anh em hết chứ không ai vô”, rồi ngỏ ý “gửi tiền nước” cho phóng viên, mong được thông cảm, bỏ qua.

Tuy nhiên, sau khi chủ động thanh toán tiền nước uống, chúng tôi đã nhanh chóng rời đi sau cái “xua tay”!

Ông D., xưng là chủ mỏ đất Hố Hóc Ngày, bám theo phóng viên đến tận phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã Hành Phước
Ông D., xưng là chủ mỏ đất Hố Hóc Ngày, bám theo phóng viên đến tận phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã Hành Phước.

Lắp đặt camera là… chưa cần thiết

Được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp từ tháng 7/2021 (trữ lượng hơn 180.000 m3, thời gian khai thác 4 năm), nhưng từ đó đến thời điểm phóng viên Báo Đầu tư tiếp cận hiện trường (ngày 9/6/2023), “ông chủ” mỏ đất thôn Phú Lâm Tây, (xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành) là Công ty TNHH MTV Vận tải Phúc Bảo An, cũng ung dung hoạt động không có trạm cân. Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến cả một ngọn đồi bị xới tung để lấy đất. Điều này cho thấy, một lượng lớn đất san lấp đã được cung ứng ra ngoài. Kề mỏ đất này, một doanh nghiệp khác cũng đang dọn dẹp mặt bằng để khai thác đất phục vụ dự án cao tốc.

Theo một nhân viên làm việc tại đây, chúng tôi tiếp cận ông V. (người được cho là chuyên bán đất san lấp tại mỏ đất thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện). Chúng tôi hỏi ông V., nay bán đất san lấp có hóa đơn không, thì ông này đáp: “Hóa đơn đã xuất hết rồi, không còn đâu mà xuất. Nếu các anh mua thì có khối có tiền”. Rồi ông V. “vẽ” cho chúng tôi làm việc cụ thể với “ông chủ” là ông Nguyễn Ngọc Ánh (người đại diện pháp luật của Công ty TMHH MTV Vận tải Phúc Bảo An).

Trong vai người có nhu cầu mua đất san lấp, chúng tôi đã “nối máy” với ông Ánh. “Tôi có bán đất san lấp, mà nay cũng còn ít lắm”. Điều này cho thấy, ông Ánh vẫn có “ý định” bán đất san lấp ra ngoài, dù mỏ đất này được UBND tỉnh Quảng Ngãi chọn để phục vụ nhu cầu của dự án cao tốc (khu tái định cư). Khi chúng tôi hỏi giá cả, thì ông này e dè, không tiết lộ (!).

Bà Phạm Thị Bích Hoa, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện xác nhận, mỏ đất của Công ty TNHH MTV Vận tải Phúc Bảo An lâu nay hoạt động có camera, nhưng lại… không có trạm cân. Nhưng camera lắp đặt ở đâu, thì phóng viên tìm “đỏ mắt” vẫn… không thấy.

“Qua thực tế kiểm tra cùng với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường…, chúng tôi chỉ đôn đốc, nhắc nhở, chứ không lập biên bản. Chúng tôi cũng chưa thấy doanh nghiệp khai thác đất có vi phạm gì (!)”, bà Hoa nói.

Các mỏ khoáng sản không lắp đặt trạm cân, camera, thì thu thuế bằng cách nào? Với câu hỏi này, ông Bùi Khánh Toàn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi nói: “Chúng tôi để cho doanh nghiệp tự khai, tự nộp”. Nếu doanh nghiệp khai gian dối, thì quản lý thế nào? “Cái này anh hỏi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, chứ chúng tôi không quản lý về tài nguyên khoáng sản”, ông Toàn nói.

Phản ánh các mỏ khoáng sản (trong đó có mỏ đất) trên địa bàn tỉnh sau nhiều năm hoạt động vẫn không lắp đặt camera, trạm cân đến ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, phóng viên Báo Đầu tư ngạc nhiên khi nghe ông nói: “Việc lắp camera thực tiễn rất khó. Quy định là có, nhưng thời điểm này, theo tôi, là chưa phù hợp, chưa cần thiết. Trước mắt, chúng tôi phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản doanh nghiệp bán ra ngoài (mà không phải cung cấp cho các khu dân cư, khu tái định cư phục vụ cao tốc), chứ không thể để họ tự tung, tự tác được”.

Nếu không lắp camera, sợ không kiểm soát được trữ lượng bán ra chứ gì? Ông Minh tự hỏi rồi trả lời: “Cái đó doanh nghiệp tự lắp. Vấn đề là tỉnh kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản doanh nghiệp bán ra ngoài. Việc họ bán ra ngoài mới vi phạm, còn các dự án phục vụ cao tốc khi doanh nghiệp cung cấp đất san lấp đều có trong hồ sơ thiết kế”.

“Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 2: Biến trạm cân, camera thành vật trang trí
Một khối lượng cát khổng lồ được vận chuyển chui ra ngoài trong tình cảnh vắng bóng lực lượng chức năng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư