Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
“Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 3: “Bóc mẽ” những bí ẩn ở hồ chứa nước Lộc Đại
 
Dự án Đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Lộc Đại đã và đang bị "băm nát" để khai thác gần hết khoáng sản đá thạch anh tảng lăn, đất san lấp…
Nhiều chiêu bài, thủ đoạn tinh vi, hòng trốn thuế tài nguyên của doanh nghiệp khai thác khoáng sản (đất, cát, đá) ở một số tỉnh miền Trung đã được nhận diện. Hành vi này, ngoài mối lợi lớn, có nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, để doanh nghiệp mặc sức tung hoành.

Bài 3: “Bóc mẽ” những bí ẩn ở hồ chứa nước Lộc Đại

Đất san lấp trong phạm vi Dự án Đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Lộc Đại (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) muốn mua bao nhiêu cũng có, nhưng hóa đơn bán hàng rất hiếm!. “Nếu bán hàng mà không xuất hóa đơn thì là hành vi trốn thuế”, ông Thái Đình Quý, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Quế Sơn - Nông Sơn - Hiệp Đức khẳng định.

Đất san lấp mua bao nhiêu cũng có, nhưng “hiếm” hóa đơn

Dự án Đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Lộc Đại - như một miếng bánh, đã và đang bị Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông lâm Quảng Nam (Công ty Nông lâm Quảng Nam) khai thác gần hết khoáng sản đá thạch anh tảng lăn, đất san lấp…

Liên tục trong những năm qua, Công ty Nông lâm Quảng Nam được hưởng “cơn mưa giấy phép” khai thác khoáng sản đá thạch anh tảng lăn; đất sét và đất san lấp trong phạm vi Dự án Đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Lộc Đại từ UBND tỉnh Quảng Nam.

Diện tích khai thác, trữ lượng khai thác, công suất khai thác từ giấy phép đến gia hạn đều là những con số khủng. Và cứ hết hạn, thì UBND tỉnh Quảng Nam lại tiếp tục gia hạn. Tới nay, Công ty Nông lâm Quảng Nam lại xin gian hạn thời gian khai thác đá thạch anh tảng lăn, dù trước đó, giấy phép khai thác khoáng sản này đã được… gia hạn với tổng diện tích 3 khu vực khai thác lên đến 48,74 ha, trữ lượng khai thác còn lại 1.950.148,17 tấn, công suất khai thác 1.337.100 tấn/năm, thời gian tiếp tục khai thác đến tháng 12/2022.

Quang cảnh mỏ đá của Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông lâm Quảng Nam
Quang cảnh mỏ đá của Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông lâm Quảng Nam.

Theo lời ông Lê Văn Cư, Giám đốc Công ty Nông lâm Quảng Nam (chủ đầu tư), thủ tục xin gia hạn đã hoàn tất, các sở, ngành đã về kiểm tra và chỉ còn chờ “chữ ký” cuối cùng của cấp tỉnh nữa là xong. 

Đến tháng 12/2022, thời gian khai thác đá thạch anh tảng lăn đã hết (theo Quyết định số 98/QĐ-STNMT do ông Trần Thanh Hà, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam ký vào ngày 3/3/2021), nhưng ngày 10/6/2023, khi phóng viên Báo Đầu tư có mặt tại đây, thật bất ngờ, xe chở những tảng đá lớn vẫn lũ lượt ra ngoài.

Giải thích về hoạt động này, ông Cư phân trần: “Đá này trước đây khai thác trong thời hạn giấy phép và đã nộp thuế cho Nhà nước khoản đó rồi, nên tôi đưa vào hàng tồn kho. Tôi có làm báo cáo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và Cục Thuế tỉnh Quảng Nam. Họ xác nhận hàng tồn kho, thì bây giờ, tôi vẫn bán bình thường. Tôi chỉ dừng khai thác đá thôi, chứ vẫn bán đá”.

“Bình luận” về thông tin “Giấy phép khai thác đá thạch anh tảng lăn đã hết hạn, nhưng vẫn còn hàng tồn kho” tại buổi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư vào ngày 14/6/2023, ông Thái Đình Quý, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Quế Sơn - Nông Sơn - Hiệp Đức khẳng định, doanh nghiệp phải kê khai thuế tài nguyên khi khai thác. Việc khai thuế tài nguyên này do doanh nghiệp tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm với số liệu đó.

Liên tục trong những năm qua, Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông lâm Quảng Nam được hưởng “cơn mưa giấy phép” khai thác khoáng sản đá thạch anh tảng lăn; đất sét và đất san lấp trong phạm vi Dự án Đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Lộc Đại từ UBND tỉnh Quảng Nam.

Phóng viên hỏi, việc doanh nghiệp khai như thế, nhưng khi họ bán ra ngoài mà không xuất hóa đơn thì làm sao biết được trữ lượng? “Cái này chịu thôi. Họ không khai thì biết sao được. Họ cố tình trốn thuế mà. Nếu trốn thuế mà bị phát hiện ra thì sẽ truy thu và xử phạt, còn vi phạm mức độ lớn thì có thể xử lý hình sự. Việc giám định hành vi trốn thuế hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, ông Quý nói.

Theo ông Quý, khi giấy phép khai thác khoảng sản hết hạn, thì không thể khai thuế được, vì không còn hoạt động khai thác nữa.

Trong vai người có nhu cầu mua đất san lấp với khối lượng lớn, chúng tôi gặp thanh niên tên H. (đang “cai quản” ở nhà điều hành tại khu vực mỏ). Nghe chúng tôi đặt vấn đề mua 3.000 - 4.000 m3 đất san lấp để đổ một số khu đô thị ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thì H. “khoe”, đất san lấp ở đây muốn mua bao nhiêu cũng có, đâu cũng  chở đến, miễn là tiền bạc nhanh chóng.

“Giá cả thì cũng tùy. Đổ quanh đây, như khu vực thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn) thì 60.000 - 65.000 đồng/m3. Còn đổ xa, cước vận chuyển nhiều, bọn tôi cho ‘nhẹ’ giá xuống xí”, H. nói, rồi hỏi dò “tiền bạc có trả nhanh không”?

Khi biết tiền bạc không thành vấn đề, thì người này bảo: “Tiền chuyển trước rồi mới chở, chứ không để nợ. Mua 10.000 m3 mà chưa có tiền thì chuyển trước 5.000 m3. Cứ chở gần hết, bọn anh báo. Các ông muốn chở tiếp thì tiếp tục chuyển tiền”.

Khi chúng tôi hỏi bán đất san lấp có xuất hóa đơn cho người mua không, H. nói: “Có hóa đơn, nhưng hiếm lắm. Giờ tính xe, khi múc lên xe đo thùng, có khối có tiền”.

Về việc này, ông Quý khẳng định: “Nguyên tắc bán hàng cho người mua phải xuất hóa đơn. Hóa đơn không có chuyện hiếm được. Nếu họ không xuất hóa đơn thì họ sai. Bán hàng phải xuất hóa đơn hết, nếu không, là trốn thuế”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định, hiện nay, doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy, nên không có chuyện hết hóa đơn.

Thanh niên tên H. - người đang “cai quản” ở nhà điều hành tại khu vực mỏ
Thanh niên tên H. - người đang “cai quản” ở nhà điều hành tại khu vực mỏ.

Ai thu mua đá thạch anh dưới “lá bùa” cải tạo đất?

Từ khi Công ty Nông lâm Quảng Nam xuất hiện tại hồ chứa nước Lộc Đại để khai thác đá thạch anh tảng lăn; đất sét và đất san lấp, thì xuất hiện một người tên H. (người này thường xuyên xuất hiện tại nhà điều hành mỏ khoáng sản của Công ty Nông lâm Quảng Nam) hỏi người dân thôn Lộc Thượng, xã Quế Hiệp mua đá, theo hình thức “cải tạo đất”. Những khu vực được hỏi mua đá không nằm trong diện tích được cấp phép khai thác và người dân đang sử dụng để trồng keo. Ông N.M.Đ (thôn Lộc Thượng, xã Quế Hiệp) cho biết: “Gia đình tôi để họ cải tạo đất, sau đó họ tận thu đá và họ đưa cho vài chục triệu đồng”.

Điều này dấy lên câu hỏi, liệu có việc Công ty Nông lâm Quảng Nam thu mua đá ngoài phạm vi cấp phép để khai thác?

Ông Trần Anh Toàn, Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp khẳng định, có một hộ dân xin cải tạo đất để khai thác đá. “Tôi nắm thông tin có gia đình ông M.L có đất liền khu vực Công ty Nông lâm Quảng Nam từng khai thác đá và xin xới đất (như phản ánh của phóng viên), nhưng diện tích không nhiều. Xới đất có ít đá nên tận thu”.

Giải thích về vấn đề này, ông Cư phân bua: “Trước đây, dân muốn mình phối hợp cải tạo đất để dọn dẹp cây tạp, trồng cây lại cho dễ. Cái này không phải bên Công ty tôi, mấy đứa bên đơn vị xe cơ giới làm, nhưng tôi không cho. Họ có báo cáo tôi, nhưng cái này không được, có giấy tờ đàng hoàng mới làm, chứ ngoài giấy phép làm mất công, mà không được bao nhiêu hết. Trong giấy phép tôi làm còn không hết, vậy làm bên ngoài làm gì?”.

Theo ông Cư, người dân muốn làm thì cũng bán đá cho bên ông, nhưng ông không mua hàng trôi nổi. “Khi tôi nghe phản ánh về tình trạng này, tôi đã cho người rào hết, không cho người dân vào khu vực của tôi nữa. Họ ưng làm, đi đâu đó thì đi, bán ra ngoài đâu thì kệ, tôi không liên quan. Tôi không tiếp tay cho các trường hợp này, có chuyện gì xảy ra đánh đổi cả công trình của tôi sao được”, ông Cư nói.

Ông Hoàng Kim Hải, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quế Sơn khẳng định, từ trước đến nay, không phát hiện vi phạm gì về hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Nông lâm Quảng Nam.

Trả lời câu hỏi, vì sao công ty này vẫn chở đá ra ngoài, dù giấy phép khai thác đá thạch anh tảng lăn đã hết hạn từ cuối năm 2022, ông Hải cho biết: “Họ đang xin gia hạn giấy phép. Khi được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ gia hạn, thì họ tiếp tục được khai thác cho đến khi Giấy phép có hiệu lực trở lại, hoặc cơ quan có thẩm quyền có văn bản không cho phép gia hạn. Luật Khoáng sản quy định như thế”. Khi bị truy về điều, khoản nào của Luật Khoáng sản quy định, ông Hải nói: “Hỏi thế làm sao nhớ”.

Chúng tôi mang câu trả lời của ông Hải tham vấn Luật sư Nguyễn Sương (Công ty Luật FDVN, thuộc Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng). Luật sư Nguyễn Sương cho biết: “Khoản 3, Điều 39, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định, trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đã hết hạn, nhưng hồ sơ đề nghị gia hạn đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải tạm dừng khai thác và có trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài sản, công trình khai thác, công trình an toàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho đến khi được gia hạn hoặc có văn bản trả lời không được gia hạn”.

Văn bản pháp luật rõ ràng như vậy, nên trước câu trả lời của ông Hải, chúng tôi xin không bình luận thêm về năng lực chuyên môn của ông Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quế Sơn. Ông này còn “tự tin” khẳng định, nếu doanh nghiệp khai thác khoáng sản “chui” thì vẫn phát hiện được. Cách phát hiện là nhờ vào lực lượng chức năng tại địa phương, công an… Thế nhưng, trong suốt nhiều giờ có mặt tại mỏ khoáng sản của Công ty Nông lâm Quảng Nam vào ngày 10/6/2023, chúng tôi không thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào trong tình cảnh xe chở đất, đá liên tục vào ra.

(Còn tiếp)

“Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 2: Biến trạm cân, camera thành vật trang trí
Một khối lượng cát khổng lồ được vận chuyển chui ra ngoài trong tình cảnh vắng bóng lực lượng chức năng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư