Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dấu ấn hạ tầng Đà Nẵng
Anh Trung - 31/07/2016 07:33
 
20 năm tái lập tỉnh, Đà Nẵng kiên định chọn hướng đi cho mình bằng việc ưu tiên đột phá lĩnh vực hạ tầng. Cũng ngần ấy thời gian, Đà Nẵng đã chứng minh cho cả nước thấy rằng, hạ tầng chính là niềm tự hào của thành phố cuối sông đầu biển này. Niềm tự hào đó đang tiếp tục được nhen lên trong những tầm nhìn, tư duy lãnh đạo nhiệm kỳ mới của Đà Nẵng.

Phát huy vai trò động lực

Đà Nẵng có vị trí chiến lược là thành phố động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, cửa ngõ phía Đông của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, cửa vào của các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới ở miền Trung... Từ lợi thế đó, Đà Nẵng có điều kiện để mở rộng giao thương, giao lưu kinh tế, văn hóa, thể thao và là điểm du lịch hấp dẫn với cả hai miền Bắc và Nam, với các nước trong khu vực và thế giới.

Cụ thể, Đà Nẵng có hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại, đồng bộ, có đủ 4 loại đường giao thông thông dụng là đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật, các công trình được quan tâm, đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, bước đầu đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao và du lịch...

Ngay từ ban đầu, Đà Nẵng đã chuẩn bị cho mình hành trang hạ tầng hoàn thiện để xây dựng nên thương hiệu như hôm nay. Ảnh: Hà Minh
Ngay từ ban đầu, Đà Nẵng đã chuẩn bị cho mình hành trang hạ tầng hoàn thiện để xây dựng nên thương hiệu như hôm nay. Ảnh: Hà Minh

Với hơn 20 km bờ biển bằng phẳng, cát trắng, nước biển trong xanh, Đà Nẵng có ưu thế cho việc phát triển du lịch, bất động sản. Với lợi thế đó, trong quy hoạch bất động sản du lịch, Đà Nẵng ưu tiên những dự án phát triển theo hướng đầu tư, xây dựng khu phức hợp, biệt thự, khu nghỉ dưỡng ven biển. Các dự án du lịch đang được tích cực triển khai xây dựng.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã tăng cường đầu tư, xây dựng Khu du lịch Bà Nà và vùng phụ cận trở thành một khu nghỉ dưỡng núi đặc trưng riêng của Thành phố. Ngoài ra, địa phương này còn đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái vùng Sơn Trà, Hải Vân, Đồng Nghệ - Phước Nhơn kết hợp với vùng Bạch Mã, Cù lao Chàm, tạo thành liên vùng du lịch sinh thái đa dạng và đặc sắc...

Có thể thấy được hiệu quả rõ rệt trong định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng của Đà Nẵng bằng những dự án bất động sản du lịch đẳng cấp đã được đưa vào hoạt động thời gian qua tại dọc tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc (cũ), nay là đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa.

Giai đoạn 2006 - 2016, theo tính toán sơ bộ, có gần 23 dự án của các thương hiệu quốc tế đã “dừng chân” tại Đà Nẵng. Con số này đang tiếp tục gia tăng khi phân khúc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng vẫn đang nóng lên từng ngày, các nhà đầu tư tầm cỡ, giàu có từ khắp các châu lục trên thế giới đến tìm hiểu cơ hội làm ăn.

Tiếp tục đột phá

Quyết tâm đột phá trong đầu tư hạ tầng có trọng điểm tiếp tục được lãnh đạo TP. Đà Nẵng thể hiện bằng những việc làm cụ thể qua những chủ trương vận động đầu tư để khai thác tiềm năng sẵn có này. Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến Đà Nẵng, thực hiện quy hoạch bài bản, đồng bộ kiến trúc, cảnh quan không gian, đồng thời mở rộng tầm phủ sóng, tận dụng tối đa những tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, nhất là tài nguyên biển, Đà Nẵng đang dồn lực triển khai các dự án cầu, hầm nối 2 bờ sông Hàn, mở rộng, nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng…

Trước mắt, Dự án mở rộng, nâng cấp Sân bay Đà Nẵng được đầu tư để phục vụ APEC 2017, nhưng trong tương lai, khi công suất được nâng lên, sẽ thu hút nhiều hãng hàng không mở các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, cũng như tăng cường thêm các loại máy bay cỡ lớn…, giúp du lịch Đà Nẵng phát triển và là cơ hội cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đang tích cực làm việc với các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện việc di dời ga đường sắt ra khỏi nội đô tái phát triển đô thị với tham vọng xây dựng Đà Nẵng thành thành phố thông minh.

Muốn đi nhanh thì có thể đi một mình, nhưng muốn đi xa thì sẽ phải đi cùng nhau. Vì vậy, Đà Nẵng một mặt tập trung xây dựng thương hiệu vững chắc, mặt khác đang khẩn trương hợp tác với các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung xây dựng hạ tầng giao thông thực hiện liên kết vùng, đưa khu vực Duyên hải miền Trung phát triển nhanh hơn, vững và mạnh hơn.

“Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung phải có hệ thống giao thông kết nối toàn vùng để tạo ra những điều kiện phát triển thuận lợi nhất trên toàn vùng và mở rộng liên kết với các vùng khác. Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có thể kéo dài từ Huế tới Khánh Hòa, chứ không nhất thiết đến Bình Định, kể cả hệ thống đường sắt, đường bộ, đường ven biển để tạo ra động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển”, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhìn nhận.

Có thể nói, những đột phá về đầu tư hạ tầng đã mở rộng Đà Nẵng ra thế giới với sự lớn mạnh và phồn vinh. Quy hoạch đã đem lại bộ mặt hạ tầng đô thị mới, cuộc sống mới cư dân đô thị, hàng chục vạn hộ dân tái định cư trong trật tự và có kiểm soát là nhờ quy hoạch tổng thể mà Chính phủ đã phê duyệt từ năm 1993.

Để Đà Nẵng tiếp tục phát huy sáng tạo, thành quả đã đạt được, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, ngoài tính chất là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao, đầu mối giao thông và có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, Đà Nẵng còn được xác định là đô thị du lịch. Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại; là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Trung - Tây Nguyên; tầm nhìn đến năm 2050 trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.

Ý kiến - Nhận định

Huy động nguồn lực cho cả vùng

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng

Một mình Đà Nẵng làm hạ tầng tốt cũng không đủ sức lan tỏa cho cả vùng. Sắp tới, bàn tới vấn đề kết cấu hạ tầng giao thông, phải nghĩ ra cách thức nào đó để huy động nguồn lực cho cả Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Có thể 7-8 tỉnh cùng nhau xin một nguồn ODA cho toàn vùng, sau đó các tỉnh tham gia đóng góp thêm. Địa phương nào có đường đi qua thì giải phóng mặt bằng, đóng góp quỹ đất, anh khá hỗ trợ cho anh nghèo.

Bây giờ mà làm từng khúc một sẽ không phát huy hiệu quả. Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Dung Quất thì chỉ có Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi thuận lợi phát triển, nhưng nếu chúng ta ráng một chút nữa kéo ra Thừa Thiên Huế, vào đến Khánh Hòa thì hiệu quả sẽ lan tỏa hơn. Thông thương với nhau sẽ nâng giá trị của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung tăng lên gấp 2-3 lần.

Hạ tầng du lịch luôn được chú trọng

Ông Trần Ngọc Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh miền Trung

Hạ tầng Đà Nẵng có những lợi thế đặc biệt để thu hút và xúc tiến đầu tư, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, mà không một thành phố nào thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên có được. Đặc biệt, hạ tầng du lịch luôn được chú trọng, tập trung đầu tư tại các khu vực có tiềm năng và lợi thế lớn; hạ tầng thương mại đã được đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa, đang từng bước đồng bộ, hiện đại, hình thành nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn lớn; hạ tầng cảng biển đã được đầu tư hình thành cảng container có quy mô lớn, hiện đại của khu vực miền Trung.

Việc phát triển hạ tầng giao thông đã tạo cho Đà Nẵng khai thác được một lượng lớn quỹ đất và nâng cao được giá trị của những mảnh đất tại các khu vực này. Tại Đất Xanh Miền Trung, hàng loạt dự án được triển khai như: Nam Trân Central Park, Aurora Danang City, Khu phố thương mại cao cấp Ngo Quyen Shopping Street, Khu phức hợp bất động sản và bến du thuyền Marina Complex… Tất cả các dự án khi được triển khai luôn đi cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầy đủ các tiện ích nội, ngoại khu và kết nối những tuyến đường trọng điểm nằm trong quy hoạch của Thành phố.

Cửa ngõ tới các di sản miền Trung

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Đà Nẵng

10 năm trước, Đà Nẵng vẫn còn lúng túng xác định mình nên làm gì, làm thế nào để có thể có vị thế so với Quảng Nam và Huế. Đối với du lịch còn lúng túng hơn nữa khi chỉ có một tuyến đường đi ngang qua kinh thành Huế và phố cổ Hội An. 10 năm sau, một thành phố có quy hoạch rõ ràng đã ra đời, khi quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn được quy hoạch lại, phát triển bài bản, giao thông thuận lợi khi những cây cầu được xây dựng nối với các quận trung tâm.

Tuyến dọc biển Võ Nguyên Giáp - Trường Sa - Hoàng Sa 5 sao với các khu nghỉ mát biển nổi tiếng, nối liền Huế và Hội An, biến Đà Nẵng thành cửa ngõ tới các di sản miền Trung, biến các tỉnh, thành phố khác thành vệ tinh của Đà Nẵng. Về lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, chắc chắn giá trị bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng sẽ có sự tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam, do các lý do nêu trên, đảm bảo cho nhà đầu tư thứ cấp có nguồn lợi nhuận ổn định khi tham gia chương trình cho thuê.
Miền Trung - Tây Nguyên: Tìm vốn mở rộng cửa bầu trời
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông miền Trung - Tây Nguyên đã phát triển vượt bậc, trong đó có đóng góp không nhỏ của các sân bay. Tuy nhiên,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư