Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đau đầu chọn kênh bán hàng thời 4.0
Nhã Nam - 03/11/2018 08:41
 
Sự bùng nổ của thương mại điện tử khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải đưa ra lựa chọn là sẽ bán hàng trực tiếp hay bán hàng trực tuyến.
TIN LIÊN QUAN

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh (Bảo Minh) vừa chính thức công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018. Theo đó, Bảo Minh đạt tổng doanh thu 3.058 tỷ đồng, tăng gần 4,37% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm đạt 2.909 tỷ đồng, tăng gần 8,8% so cùng kỳ năm trước. 

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề doanh nghiệp 4.0 - Trực tiếp hay online
Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề Doanh nghiệp 4.0 - Trực tiếp hay online

Lý giải về mức doanh thu khả quan này, lãnh đạo của Bảo Minh cho biết, một phần là nhờ thời gian qua, Bảo Minh đã triển khai thành công kênh bán hàng trực tuyến trên trang web https://tructuyen.baominh.vn.

Bảo Minh trên thực tế đã bắt đầu triển khai kênh bán hàng trực tuyến từ năm 2016 để giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn. Không chỉ Bảo Minh hưởng lợi, mà với tỷ lệ chiết khấu cao, khách hàng cũng sẽ có lợi lớn khi mua bảo hiểm trực tuyến của Bảo Minh.

Không chỉ Bảo Minh, mà nhiều công ty bảo hiểm khác cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung thời gian gần đây rất tích cực trong triển khai kênh bán hàng trực tuyến (online), bên cạnh việc vẫn tiếp tục phát triển bán hàng qua kênh đại lý truyền thống. Cách bán hàng đa kênh như vậy được coi là tối ưu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, khi mà kinh tế số đã “len lỏi” ngày càng sâu vào nền kinh tế, khi mà thói quen và hành vi mua hàng của người tiêu dùng đã khác xưa rất nhiều.

Nếu như trước kia, người tiêu dùng chỉ tìm đến một kênh bán hàng duy nhất là các cửa hàng bán lẻ, thì nay, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, họ bắt đầu sử dụng nhiều kênh hơn để mua hàng, từ website, Facebook cho đến các sàn thương mại điện tử...

Và đây chính là lý do mà các chuyên gia đã đưa ra dự báo rằng, thương mại điện tử Việt Nam sẽ phát triển 30-50% mỗi năm. Thậm chí, dù dự báo này có diễn ra hay không, thì sự yêu thích mua sắm trực tuyến đang gia tăng, nhất là với các sản phẩm điện tử, thời trang…

Năm 2017, Việt Nam có 53,86 triệu người sử dụng Internet. Con số này đạt đến gần 60 triệu trong vòng 4 năm tới. Đây chính là “công cụ” quan trọng thúc đẩy mua sắm online ở Việt Nam bùng nổ. Không nhanh chân chạy theo xu hướng này, doanh nghiệp có thể bị phát triển chậm lại.

Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp băn khoăn trong lựa chọn hướng đi của mình, giống như một doanh nghiệp chuyên sản xuất - kinh doanh ngành hàng thời trang, đã có 13 năm thành công trên thị trường. Từ khi hoạt động đến nay, doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm của mình thông qua chuỗi cửa hàng và nhiều đại lý lớn trên toàn quốc. Hoạt động kinh doanh và doanh thu của doanh nghiệp phát triển khá ổn định. Tuy nhiên thời gian gần đây, do sức cạnh tranh của thị trường, chi phí phân phối tăng, khiến các đại lý tạo sức ép với doanh nghiệp về việc đòi hỏi tăng chiết khấu, giảm giá thành. 

Trước thực tế này, CEO của doanh nghiệp - người đã có thời gian đi học và tu nghiệp ở nước ngoài mới về tiếp quản công việc - đã nhìn ra được những bất cập của việc duy trì kênh bán hàng qua đại lý và những sức ép mà đại lý sẽ còn gây ra cho doanh nghiệp về sau. Sau khi nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng, CEO đã đề xuất với HĐQT kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp sang bán hàng online, bắt đầu tham gia thương mại điện tử - nhảy vào cuộc chơi “kinh tế số”. 

CEO cho rằng, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn về thương mại điện tử, doanh nghiệp muốn bứt phá thì nên sớm chuyển đổi sang hình thức kinh doanh online. Xây dựng được kênh bán hàng trực tuyến cũng là lựa chọn để doanh nghiệp đổi mới và phát triển phù hợp với thời đại. 

Tuy nhiên, các cổ đông phản đối và muốn giữ nguyên hình thức kinh doanh hiện tại, vì cho rằng, hiện nay, bán hàng qua đại lý vẫn cho doanh thu ổn định. Chuyển sang bán hàng online chắc chắn sẽ làm doanh thu giảm đi. Các cổ đông thậm chí cho rằng, bán hàng online, nếu hệ thống bị quá tải, gặp sự cố hay chỉ có trục trặc nhỏ thì hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, hiệu quả chưa thấy đâu mà rủi ro thì thường trực. 

Quả là tiến thoái lưỡng nan. Chọn hướng đi nào quả thực không phải là đơn giản cho doanh nghiệp. Bán qua đại lý thì an toàn. Nhưng, thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, không kịp thời chuyển đổi thì dễ bị tụt lại phía sau. 

Vậy đâu là lời giải đúng? Các doanh nghiệp có thể tìm thấy câu trả lời cho doanh nghiệp mình khi theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề Doanh nghiệp 4.0 - Trực tiếp hay online. Tình huống mà Chương trình đặt ra chính là câu chuyện của doanh nghiệp thời trang nói trên. Và người tham gia giải bài toán này chính là ông Phạm Hải Âu, Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn Phú Quý, người cũng sẽ xuất hiện trên chuyên mục Chân dung doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (4/11) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai 5/11) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEO - CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG của Youtube.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Thời trang OWEN, PwC Việt Nam, Trung ương Hội các hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư