Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Dấu hỏi về tương lai liên minh OPEC
Lê Quân - 06/07/2021 17:34
 
Vết rạn nứt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khiến người ta đặt câu hỏi rằng tương lai của liên minh năng lượng này sẽ ra sao khi sự đoàn kết nội bộ không còn.
Nhà máy lọc dầu Abqaiq của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco (Saudi Arabia). Ảnh: AFP
Nhà máy lọc dầu Abqaiq của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco (Saudi Arabia). Ảnh: AFP

UAE muốn thoát bóng của Saudi Arabia

OPEC rơi vào khủng khoảng sau cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia) và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về đề xuất nới lỏng sản lượng.

Sau khi ra về tay không ở cuộc họp cuối tuần trước, OPEC và các đối tác ngoài OPEC (gọi tắt là OPEC+) đã đột ngột từ bỏ kế hoạch triệu tập lại cuộc họp vào ngày 5/7. Liên mình này cũng không ấn định lịch trình cho cuộc họp tiếp theo.

Điều này đồng nghĩa không có thỏa thuận nào đạt được về việc tăng sản lượng dầu thô trong giai đoạn sau cuối tháng 7. Động thái này của OPEC+ khiến thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng trì trệ dù nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã phần nào phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Bà Helima Croft, Trưởng bộ phận phân tích chiến lược hàng hóa toàn cầu tại Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets cho rằng: "OPEC+ đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc chiến giá dầu tồi tệ giữa Saudi Arabia và Nga vào năm ngoái".

"Các cuộc đàm phán không chính thức được cho là đang tiếp tục, nhưng câu hỏi đặt ra là cam kết của UAE trong việc tiếp tục ở lại OPEC có thể sẽ tăng lên trong những ngày tới không", bà Helima Croft nêu.

Nữ chuyên gia này đánh giá, tranh chấp giữa UAE và Saudi Arabia không đơn thuần về đến chính sách dầu mỏ, vì Abu Dhabi "dường như có ý định thoát khỏi cái bóng của Saudi Arabia và vạch ra hướng đi của riêng mình trong các vấn đề toàn cầu".

Vốn do các nước sản xuất dầu thô Trung Đông thống trị, OPEC+ trước đó đồng ý cắt giảm lượng lớn dầu thô vào năm 2020 trong nỗ lực cứu giá dầu lao đáy do nhu cầu dầu mỏ rơi tự do vì đại dịch Covid-19. Kể từ khi đại dịch xảy ra, OPEC+ đã quyết định nhóm họp hàng tháng để ra quyết định về chính sách sản lượng.

Sự đoàn kết đã "tan biến"

Bất ổn xảy ra sau khi OPEC+ hôm 2/7 bỏ phiếu đối với đề xuất tăng sản lượng dầu khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến cuối năm. Liên minh này cũng đề xuất kéo dài việc cắt giảm sản lượng còn lại đến cuối năm 2022.

Tuy nhiên, các kế hoạch này đã bị UAE từ chối, họ muốn có mức cơ sở sản lượng cao hơn để kích thích sản xuất dầu mỏ trong nước nhiều hơn.

Ông Tamas Varga, nhà phân tích dầu mỏ tại Công ty môi giới dầu mỏ PVM Oil Associates bình luận: "Kết quả [ra về tay không] của cuộc họp tái hiện lại bối cảnh cung cầu dầu mỏ trong tương lai gần và thậm chí là tương lai xa".

Cuộc đối đầu công khai hiếm hoi giữa UAE và Saudi Arabia ghi nhận Bộ trưởng năng lượng của cả hai nước cùng tham gia vào một cuộc tranh luận ngay trên truyền thông vào cuối tuần qua, đã cho thấy quan điểm của họ.

"Đối với chúng tôi, đó không phải là một thỏa thuận tốt", Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE Suhail Al Mazrouei nói với đài CNBC. Ông nhấn mạnh rằng UAE sẵn sàng ủng hộ việc tăng cung dầu trong ngắn hạn, nhưng họ muốn có các điều khoản tốt hơn kéo dài cho đến năm 2022.

Phát biểu trên kênh truyền hình nước nhà Al Arabiya hôm 4/7, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz bin Salman đã kêu gọi "sự thỏa hiệp và hợp lý" để đạt được một thỏa thuận vào ngày 5/7.

Trong khi đó, một phát ngôn viên Nhà Trắng hôm 5/7 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy một "giải pháp thỏa hiệp". Mỹ không phải là thành viên của OPEC, nhưng đã theo dõi chặt chẽ vòng đàm phán gần đây bởi liên minh này có tác động lớn đến thị trường dầu thô trong năm tới.

Bình luận về việc cuộc họp OPEC+ bị trì hoãn mà không đạt được thỏa thuận vào ngày 5/7, ông John Kilduff, đối tác sáng lập Công ty tư vấn đầu tư Again Capital cho rằng: "Sự đoàn kết của OPEC hôm nay đã tan biến".

"Đại dịch đã kéo họ lại với nhau và giờ đây hậu đại dịch đang chia cắt họ. UAE từ chối nới lỏng sản lượng và họ muốn đường cơ sở sản lượng của họ được nâng lên. Họ muốn có thể sản xuất nhiều hơn nữa", ông John Kilduff nói.

Đúng như dự báo, giá dầu thế giới tăng sốc khi OPEC+ không đạt được thỏa thuận nới lỏng sản lượng. Giá dầu đã leo lên mức cao nhất trong 3 năm qua với giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 0,6% vào sáng 6/7 và giao dịch ở mức 77,65 USD/thùng, còn giá dầu Brent giao sau của Mỹ tăng vọt 2% và đạt mức 76,62 USD/thùng.

Giá dầu đã tăng dựng đứng hơn 45% trong nửa đầu năm nay nhờ 3 yếu tố, bao gồm nỗ lực triển khai chương trình tiêm phòng vaccine Covid-19 của các nước, động thái dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, và việc cắt giảm một lượng lớn sản lượng lớn dầu thô của OPEC+.

Samuel Burman, chuyên gia kinh tế hàng hóa tại Capital Economics nhận định OPEC có khả năng sẽ tăng sản lượng dầu mỏ vượt hạn ngạch vào tháng tới khi các quốc gia thành viên "tìm cách tận dụng" lợi ích từ giá dầu tăng cao.

Ngoài rạn nứt giữa UAE và Saudi Arabia, ông Samuel Burman cho rằng Abu Dhabi có lẽ "hơi bực bội" khi cho rằng Nga đã không tuân thủ hạn ngạch sản xuất của OPEC. Chuyên gia này cho biết, Nga - quốc gia dẫn dắt nhóm các đối tác bên ngoài OPEC - đã không đưa ra bất kỳ khoản cắt giảm bù đắp nào và hiện đang sản xuất quá mức khoảng 100.000 thùng dầu mỗi ngày.

“Chúng tôi cho rằng cuộc tranh cãi này liên quan đến UAE làm tăng khả năng khiến toàn bộ thỏa thuận tan vỡ, điều này rõ ràng sẽ gây ra rủi ro tiêu cực đến dự báo giá dầu trong ngắn hạn của chúng tôi", chuyên gia của Capital Economics đánh giá.

Giá dầu có thể tăng sốc nếu OPEC+ không tăng sản lượng
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có cuộc họp với đại diện từ Nga và các đồng minh khác trong ngày 1/7 để thảo luận các phương án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư