Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cuộc họp OPEC+ kết thúc không có thỏa thuận
Lê Quân - 03/07/2021 15:46
 
Cuộc họp hôm 2/7 giữa bộ trưởng của Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào về sản lượng.
 OPEC+ dự kiến sẽ tiếp tục họp bàn chính sách sản lượng dầu mỏ vào ngày 5/7 tới.
OPEC+ dự kiến sẽ tiếp tục họp bàn chính sách sản lượng dầu mỏ vào ngày 5/7 tới.

Tạm ra về tay không

Theo đài CNBC, OPEC và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) đã không đạt được thỏa thuận nào tại hội nghị trực tuyến diễn ra hôm 2/7 để bàn thảo phương án nên giữ nguyên chính sách sản lượng hay nới lỏng thêm nguồn cung. Do vậy, OPEC+ dự kiến sẽ tiếp tục họp bàn chính sách sản lượng vào ngày 5/7 tới.

Trước đó, Reuters dẫn nguồn tin từ OPEC+ cho biết, các thành viên OPEC+, ngoại trừ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã chấp thuận nới lỏng việc cắt giảm sản lượng và duy trì tình trạng này đến cuối năm sau. Tuy nhiên, UAE cho rằng việc gia hạn nới lỏng sản lượng còn tùy thuộc vào việc điều chỉnh sản lượng cơ bản.

Sau thông tin trên, giá dầu tăng lên trước khi mất đà trong phiên giao dịch 2/7 khi các nhà giao dịch nắm được động thái của OPEC+. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn hôm 2/7 nhích nhẹ 0,2% lên mức 76,03 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao sau của Mỹ rớt 7 cent xuống 75,16 USD/thùng.

Theo nguồn tin giấu tên từ OPEC+ của Reuters, OPEC đã chấp thuận tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12/2021 để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ gia tăng.

Saudi Arabia (quốc gia dẫn dắt OPEC) và Nga (quốc gia dẫn dắt các đồng minh không phải thành viên OPEC) cùng đề xuất kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022. Thế nhưng, UAE phản đối các kế hoạch này với lý do OPEC+ nên thay đổi đường cơ sở (baseline) để tính toán cắt giảm sản lượng, nâng hạn ngạch sản xuất một cách hiệu quả.

Căng thẳng gia tăng

Chuyên gia phân tích dầu mỏ độc lập, ông Neil Atkinson cho rằng căng thẳng giữa UAE và các thành viên OPEC+ khác đã "sôi sục khá lâu". "Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi đã và đang đầu tư nâng công suất; công ty này đang đóng một vai trò tích cực hơn trong giao dịch dầu mỏ", ông Neil Atkinson nói thêm.

Chuyên gia Neil Atkinson cho biết, không giống như các công ty dầu mỏ quốc tế, các quyết định của công ty dầu khí quốc gia có xu hướng chịu ảnh hưởng của nhà nước. Nhìn vào Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi, công ty có lẽ đã bắt đầu hoạt động giống như một công ty dầu quốc tế hơn là một công ty dầu quốc gia. 

"Họ nhìn về tương lai, họ nhận thấy nhu cầu dầu mỏ tiếp tục tăng trong trung hạn, họ đã lắp đặt thêm công suất và họ muốn có thị phần lớn hơn khi chúng ta bước qua những năm 2020", ông Neil Atkinson nói về Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group cho rằng liên minh OPEC vẫn có khả năng đạt được thỏa thuận.

"UAE có thể đang đàm phán nhưng có thể không tập trung can đảm đương đầu với các rủi ro cho đến phút chót. Quốc gia này muốn tránh phá hoại thỏa thuận OPEC+ và rất có khả năng bị đổ lỗi cho việc dầu mỏ tăng giá khiến lạm phát toàn cầu gia tăng", các nhà phân tích Eurasia Group bình luận. Hơn nữa, mối quan hệ riêng của UAE với các khách hàng năng lượng ở châu Á có thể bị ảnh hưởng nếu giá dầu tiếp tục tăng.

"Mặc dù việc UAE rút khỏi thỏa thuận OPEC+ chắc chắn sẽ không được nêu ra qua loa, nhưng một quyết định như vậy sẽ gây ngạc nhiên. Một động thái như vậy sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ của Abu Dhabi với Riyadh, vị thế lớn của Abu Dhabi tại khu vực và khả năng xây dựng liên minh về lâu dài. Do đó, thỏa hiệp dường như là kết quả dễ xảy ra nhất".

OPEC+ vốn là tổ chức được dẫn dắt bởi các nhà sản xuất dầu thô Trung Đông. Năm 2020, OPEC+ chấp thuận cắt giảm lượng lớn dầu thô nhằm cứu vớt giá dầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu khiến cả nhu cầu và giá dầu mỏ đều rớt đáy lịch sử.

Được dẫn dắt bởi Saudi Arbia - một đồng minh thân cận của UAE, OPEC+ đã điều chỉnh thực hiện các cuộc họp hàng tháng để đưa ra định hướng chính sách sản lượng thời dịch Covid-19. Cũng từ những cuộc họp này, OPEC+ đã công bố kế hoạch tăng nguồn cung thêm 2,1 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 5 đến tháng 7.

Các nhà phân tích dự báo liên minh năng lượng OPEC+ sẽ tăng nguồn cung thêm khoảng 500.000 thùng/ngày từ tháng tới, cao hơn một chút so với đề xuất tăng 400.000 thùng đã được thông tin trước đó.

Giá dầu đến nay đã tăng hơn 45% so với thời điểm đầu năm, nhờ lực hỗ trợ từ chương trình tiêm phòng vaccine Covid-19 của các nước, động thái dần nới lỏng phong tỏa và giãn cách, và việc OPEC+ cắt giảm lượng lớn sản lượng.

Triển vọng giá dầu vẫn khả quan khi cả 3 cơ quan dự báo thị trường dầu mỏ chính của thế giới, gồm: OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều nhận định nhu cầu dầu mỏ phục sẽ hồi nhanh trong nửa cuối năm 2021.

Tuy nhiên, tốc độ lây lan nhanh của biến thể Delta trên toàn cầu đang dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ bị kéo lùi khi dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Dẫn chứng rõ nét là các biện pháp phong tỏa mới đây và chi phí sản xuất gia tăng đã khiến tốc độ tăng trưởng sản xuất trong các nhà máy ở Trung Quốc chậm lại.

OPEC+ phê chuẩn kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu mỏ
Tại cuộc họp ngày 1/6, nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư