Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Đầu tư 1.258 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 2; Gần 424 triệu USD đầu tư ra nước ngoài
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 29/10/2023 08:34
 
Đầu tư 1.258 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì; Gần 424 triệu USD đầu tư ra nước ngoài… Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 vẫn chờ PPA

Ngày 12/10 và 16/10, chủ đầu tư và Liên danh tổng thầu Samsung C&T - Lilama đã tiến hành đưa máy phát điện và turbine khí Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào bệ móng.

Các thiết bị đã được nhập về để lắp đặt Nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3
Các thiết bị đã được nhập về để lắp đặt Nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3

Đây được xem là cột mốc quan trọng trong quá trình triển khai của 2 nhà máy điện khí LNG nhằm đảm bảo tiến độ phát điện thương mại (COD) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào quý IV/2024 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 vào quý II/2025.

Máy phát điện Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 do OEM GE cung cấp, có xuất xứ từ Ba Lan, công suất 892 MVA, trọng lượng 453,6 tấn, được sản xuất chế tạo trong 15 tháng (từ tháng 3/2022 đến tháng 6/2023).

Turbine khí do OEM GE cung cấp, có xuất xứ từ Pháp với trọng lượng 431,1 tấn, cũng được chế tạo trong thời gian tương tự như máy phát điện.

Nguồn tin từ Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) cũng cho biết, tiến độ thi công trên công trường Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 rất khẩn trương, hiện đạt 60% công việc.

Vào cuối năm nay, máy phát và tuabine của Nhà máy Nhơn Trạch 4 cũng sẽ có mặt tại công trình để tiến hành lắp máy.

Hai nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4 sẽ sử dụng nguồn nhiên liệu khí LNG được vận chuyển thông qua đường ống sẵn có đang cấp khí cho hai nhà máy Nhơn Trạch 1 và 2 nhằm tối ưu hóa chi phí.

Về phía nguồn nhiên liệu, hiện kho cảng LNG Thị Vải đã nhận chuyến hàng LNG nhập khẩu đầu tiên thuạn lợi.

Như vậy, các công việc để có thêm nguồn điện lớn với công suất lên tới 1.500 MW và hoạt động ổn định tại khu vực miền Nam đang rất nhịp nhàng.

Khi đi vào vận hành, hai nhà máy này sẽ góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại COP26; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.

Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 cũng là những dự án điện đầu tiên được triển khai sau khi Thông tư số 02/2023/TT-BCT của Bộ Công thương ban hành.

Điểm thay đổi lớn nhất của Thông tư 02/2023/TT-BCT chính là việc cho phép khởi công nhà máy dù chưa ký Hợp đồng mua bán điện (PPA) với đơn vị chịu trách nhiệm mua điện hiện nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tuy nhiên, cũng chỉ duy nhất Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 “dám” triển khai công trình khi chưa có PPA.

Như Báo Đầu tư đã nhiều lần thông tin, khó khăn lớn nhất trong triển khai dự án LNG Nhơn Trạch 3&4 là việc đàm phán PPA dù đã đi qua 2 năm nhưng hiện giờ vẫn chưa hoàn thiện để ký kết.

Vướng mắc chính có thể kể tới là việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc), chưa có khung giá mua đối với các dự án điện khí LNG.

Trả lời câu hỏi “bao giờ có khung giá mua điện khí LNG” của Báo Đầu tư, đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho hay, Bộ Công thương/ Cục Điều tiết điện lực đang chờ tờ trình của EVN về xây dựng khung giá này trình lên để thẩm định và xem xét ban hành.

Dẫu vậy, ở đây cũng có mâu thuẫn không nhỏ khi EVN là người mua điện trả tiền nhìn thấy trước khung giá mà mình xây dựng và trình Bộ xem xét, dù theo các công thức tính toán và biến động theo giá LNG thế giới, nhưng sẽ ngay lập tức “làm khó” cho chính mình.

Nguyên do, với những biến động thời gian qua và hiện nay tại một số khu vực trên thế giới, giá khí LNG vẫn ở mức cao và có xu hướng biến động tăng lên. Như vậy, giá mua điện khí LNG chắc chắn cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà EVN đang bán ra theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Nghĩa là tiếp tục làm trầm trọng thêm khoản thua lỗ trong kinh doanh điện mà EVN đang è lưng ra gánh từ năm 2022 trở lại đây.

Cũng theo PV Power, trong các quy định vận hành thị trường điện hiện nay, các dự án điện LNG chưa có cơ chế cụ thể để khuyến khích đầu tư phục vụ việc vận hành ổn định lưới điện. Sản lượng điện mua hàng năm Qc cho nhà máy điện khí LNG chưa có quy định, nên không thống nhất được với bên mua điện EVN.

Trong khi đó, tại Báo cáo khả thi (FS), nhà đầu tư căn cứ quy định tạm xác định số giờ vận hành phát điện là 6.000 giờ/năm và số năm vận hành là 25 năm để tính toán hiệu quả dự án. Do vậy, kết quả vận hành sau này có thể không đạt được như dự kiến trong FS

Hiện chỉ có quy định chung sản lượng điện hợp đồng năm - Qc (hoặc từng năm trong chu kỳ nhiều năm) không cao hơn 100% và không thấp hơn 60% sản lượng điện bình quân nhiều năm của dự án, không có riêng cho nhà máy điện khí LNG.

PV Power cũng đã đề nghị Qc hàng năm của Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 là 80-90% và thời gian áp dụng là 15 năm kể từ khi đi vào vận hành thương mại. Việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hàng năm cũng được cho là rất quan trọng, bởi là cơ sở để các ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua dài hạn để giá điện rẻ hơn.

Tuy nhiên, yêu cầu này chắc chắn khiến EVN ngại ngần, bởi rất có thể phải đối mặt với thực tế nhu cầu phụ tải thấp mà vẫn phải mua điện giá cao do đã cam kết theo PPA.

Vì vậy, các vấn đề giá điện và hợp đồng mua bán điện này rất cần sự vào cuộc rõ ràng của Cục Điều tiết Điện lực và Bộ Công thương, bởi nếu để cho doanh nghiệp thì sẽ khó có kết quả vì lợi ích có sự mâu thuẫn đối kháng.

Đầu tư 1.258 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định phê duyệt đầu tư Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, Dự án có điểm đầu khoảng Km38+600 (nút giao Hợp Thịnh) huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; điểm cuối kết nối với đường đầu cầu Việt Trì mới (khoảng Km49+768,27), huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

Một đoạn Quốc lộ 2 qua địa phận huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Một đoạn Quốc lộ 2 qua địa phận huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ điểm đầu khoảng Km38+600 (nút giao Hợp Thịnh), tuyến đi bám theo đường hiện hữu qua các huyện Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường đến khoảng Km47+00 tuyến rẽ phải đi theo hướng tuyến mới đến khoảng Km48+200 tuyến rẽ trái và đi song song với đường sắt Hà Nội - Lào Cai (đi bên trái đường sắt), kết nối với đường đầu cầu Việt Trì mới (cầu Hạc Trì) khoảng Km49+768,27. Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án là khoảng 11,06 km.

Dự án sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo 11,06 km Quốc lộ 2 để đạt quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật: đường cấp III đồng bằng, 4 - 6 làn xe theo tiêu chuẩn TCVN 4054:2005, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Trong đó, đoạn Km38+600 - Km39+600 có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 18 m, đoạn qua khu vực dân cư xây dựng hệ thống thoát nước dọc; đoạn Km39+600 - Km49+768,27 có quy mô 6 làn xe, nền đường rộng từ 25 m – 26 m, đoạn qua khu vực dân cư xây dựng hệ thống thoát nước dọc.

Dự án xây dựng 3 cầu, trong đó làm mới 1 cầu (cầu Bãi Loan); sử dụng lại cầu cũ, sửa chữa, mở rộng 2 cầu (cầu Kiệu và cầu Thượng Lạp) đảm bảo bề rộng phù hợp với bề rộng nền đường.

Tổng mức đầu tư Dự án là 1.258,179 tỷ đồng, trong đó 2 khoản chi phí lớn nhất là bồi thường hỗ trợ và tái định cư 556,346 tỷ đồng; (đã bao gồm chi phí dự phòng) và chi phí xây dựng 575,721 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện Dự án là hoàn thành năm 2025.

Dự án được đầu tư từ ngân sách Nhà nước (nguồn vốn ngân sách trung ương và nguồn vốn ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc) gồm ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 của Bộ GTVT, mức vốn khoảng 799,74 tỷ đồng (đầu tư theo quy mô quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050); ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, mức vốn khoảng 458,44 tỷ đồng (đầu tư mở rộng theo quy hoạch của địa phương).

Dự kiến kế hoạch vốn bố trí theo tiến độ thực hiện Dự án, trong đó năm 2023 dự kiến bố trí khoảng 13,0 tỷ đồng, năm 2024 dự kiến khoảng 650 tỷ đồng, năm 2025 dự kiến khoảng 595,18 tỷ đồng.

Bộ GTVT giao Ban quản lý các dự án đường thuỷ thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án tuân thủ quy định; thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Ban quản lý các dự án đường thuỷ có trách nhiệm lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án tuân thủ quy định, phù hợp với kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền chấp thuận; quản lý chặt chẽ chi phí, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư được duyệt.

Đơn vị này cũng phải phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, đảm bảo khối lượng giải phóng mặt bằng phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, quản lý chi phí giải phóng mặt bằng của dự án đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, tuân thủ quy định.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2; từng bước hoàn thiện Quốc lộ 2 theo quy hoạch; tăng cường kết nối các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc với các tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực.

Dự án điện chờ kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII

Mới đây, Bộ Công thương có Tờ trình lần thứ 3 gửi Chính phủ đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).

Tại tờ trình này, Bộ Công thương cho biết đã nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII sau khi có sự đóng góp của 47/63 địa phương có phản hồi.

Quy hoạch đề ra mục tiêu 6.000 MW điện gió cho giai đoạn tới 2030. Trong ảnh: Dự án Điện gió Nhơn Hội 1. Ảnh: Đức Thanh

Trong Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cho một số bộ, ngành xây dựng các chính sách liên quan nhằm thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

Cụ thể, đề nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án điện; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, vốn ODA và vốn tư nhân cho phát triển ngành điện đồng bộ, cân đối và bền vững.

Bộ tài chính được đề nghị giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng cơ chế tài chính và cơ chế huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện. Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách về giá điện theo cơ chế thị trường, rà soát các quy định pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, nhằm hỗ trợ thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng, tiết kiệm điện có hiệu quả.

ngân hàng Nhà nước được đề nghị chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng, doanh nghiệp đầu tư các dự án điện thuộc Quy hoạch Điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng một cách thuận lợi theo quy định pháp luật.

Quy hoạch Điện VIII và Dự thảo Kế hoạch thực hiện đã đưa ra quy mô vốn đầu tư giai đoạn 2021-2023 là 57,1 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 48,1 tỷ USD và truyền tải là 9 tỷ USD. Còn giai đoạn 2026-2030 là 77,6 tỷ USD, trong đó, nguồn điện là 71,6 tỷ USD và truyền tải là 5,9 tỷ USD.

Nhìn nhận vấn đề này, các chuyên gia năng lượng cho hay, nếu không có các chính sách rõ ràng và cụ thể, thì việc thu hút vốn đầu tư vào ngành điện sẽ không dễ.

Trong Báo cáo Rà soát quy định pháp luật liên quan tới việc xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII vừa hoàn tất, Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II cũng đã có những nhận xét chi tiết về một số cơ sở pháp lý và khoảng trống chính sách cần xem xét bổ sung.

Đơn cử, Bộ Công thương cần sớm nghiên cứu, trình Chính phủ phê duyệt và ban hành các quy định liên quan tới phương pháp, trình tự lập và thẩm định khung giá phát điện của các loại hình nguồn điện mới: thủy điện tích năng, pin tích năng, nguồn nhiệt điện linh hoạt, điện gió ngoài khơi. Đồng thời, nghiên cứu về xây dựng lộ trình, cơ chế để các nhà máy điện năng lượng mới, năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện.

Báo cáo cũng đề xuất, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để khuyến khích đơn vị tư nhân tham gia đầu tư, xây dựng lưới điện truyền tải, đặc biệt là lưới điện đấu nối nguồn điện vào hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, điều chỉnh bổ sung phương pháp tính giá truyền tải tại Thông tư 02/2017/TT-BCT và Thông tư 14/2022/TT-BCT sao cho phản ánh đúng chi phí truyền tải giữa nguồn phát gần phụ tải và nguồn phát xa phụ tải, có xét tới yếu tố nghẽn mạch hệ thống, đồng thời khuyến khích thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia đầu tư xây dựng lưới truyền tải…

Trong Tờ trình lần 3 về ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công thương cũng nhắc tới việc xác định cụ thể dự án và doanh nghiệp trong nước triển khai thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi đang gặp khó khăn.

Thực tế, hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng do chưa phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển. Bên cạnh đó, pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi.

Báo cáo Rà soát quy định pháp luật liên quan tới việc xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII cũng cho hay, dù Quy hoạch có nêu mục tiêu đạt 6.000 MW điện gió cho giai đoạn tới 2030, nhưng việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu hành lang pháp lý.

Cụ thể, chưa ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia, nên theo Luật Quy hoạch, chưa có căn cứ để xây dựng bản đồ quy hoạch cho điện gió ngoài khơi.

Trong khi đó, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã đề xuất xin phép được đầu tư dự án điện gió ngoài khơi trên khắp các vùng biển Việt Nam, với tổng quy mô công suất lên đến hơn 160.000 MW, dẫn tới nguy cơ xung đột về pháp lý trong quá trình triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

Đồng thời, việc cấp phép cho nghiên cứu khảo sát khu vực biển chưa thực hiện được do phải chờ phê duyệt sửa đổi Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.

Các dự án điện LNG đang triển khai thì gặp khó trong đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn bởi một số cơ chế chính sách liên quan vẫn chưa có.

Bảng 1, Phụ lục II của Quyết định 500/QĐ-TTg năm 2023 có ghi chú: “Trong quá trình triển khai Quy hoạch Điện VIII, nếu các dự án trong danh mục này gặp khó khăn, vướng mắc, không triển khai được, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đẩy sớm tiến độ các dự án quy hoạch giai đoạn sau lên và/hoặc lựa chọn các dự án khác thay thế tại các vị trí tiềm năng để đảm bảo an ninh cung cấp điện”.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ dẫn này cần được làm rõ các điều kiện liên quan “khó khăn, vướng mắc, không triển khai được”, để đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 53, Luật Quy hoạch về căn cứ điều chỉnh quy hoạch.

Đầu tư khu công nghiệp kém hiệu quả, Kon Tum yêu cầu xử lý trách nhiệm

UBND tỉnh Kon Tum vừa yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu giải pháp khắc phục tình trạng tỷ lệ đưa đất vào sử dụng tại các khu công nghiệp đạt thấp; hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuê đất tại các khu công nghiệp kém hiệu quả; rà soát, xử lý đối với các Dự án không hoạt động, ngừng hoạt động theo đúng quy trình, quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy vào ngày 19/10/2023.

Những công việc trên hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/10/2023 để xem xét, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy theo quy định. Chỉ đạo xử lý này nhằm khắc phục các tồn tại đã chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 3324/KLTTr-UBND ngày 5/10/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai của các tổ chức được thuê đất tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan tiến hành tổ chức kiểm điểm lại và xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm đơn giá cho thuê đất tại Khu công nghiệp Hòa Bình chưa đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nghiêm túc, tương xứng với mức độ vi phạm.

Kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 25/10/2023. Sở Nội vụ chủ trì rà soát, tham mưu UBND tỉnh trong ngày 25/10/2023 để xem xét, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy theo quy định.

Theo Kết luận thanh tra số 3324/KLTTr-UBND ngày 5/10/2022 của UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý các KCN: KCN Hòa Bình; KCN Sao Mai và KCN tại khu II, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.

Kết quả thanh tra tại các tổ chức và 32 doanh nghiệp, trong đó 29 doanh nghiệp thuê lại đất của Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế tỉnh và 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất cho thấy, một số một số thuê đất tại khu công nghiệp không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất sai mục đích.

Đến thời điểm thanh tra, diện tích đất cho các doanh nghiệp thuê tại 3 KCN mới được 59,118 ha/132,70 ha (chiếm tỷ lệ 44,55%); diện tích thương mại, dịch vụ, kho chứa hàng thương mại, văn phòng làm việc 0,832 ha (chiếm tỷ lệ 0,55%); diện tích đất còn lại chưa cho thuê 72,78 ha (chiếm tỷ lệ 54,90%).

“Trách nhiệm để xảy ra tồn tại, hạn chế này thuộc về Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh”, kết luận nêu.

Đáng chú ý, hiện có 8 doanh nghiệp sử dụng đất tại KCN Hòa Bình chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Trong số 8 doanh nghiệp này có một số doanh nghiệp thuê đất sau thời điểm Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ có hiệu lực thi hành gồm: Công ty cổ phần Khí hóa lỏng Kon Tum, Công ty cổ phần Thương mại Nông nghiệp và Dược liệu Đồng Xanh Kon Tum, Công ty TNHH Gỗ Phúc Nhân Kon Tum và Công ty TNHH An Phước. Công ty TNHH Công nghệ hữu cơ sinh học An Thái (sử dụng đất thuê tại KCN Hòa Bình) đã xây dựng hàng rào, trồng cây lâu năm và cổng bảo vệ công ty nằm ngoài ranh giới đất được thuê.

Công ty TNHH Thiện Chí Kon Tum xây dựng công trình cổng tường rào trên diện tích đất là đường giao thông nằm giữa hai lô đất được thuê.

Tại KCN Sao Mai, có 2 tổ chức thuê đất được Ban Quản lý KKT tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án trên diện tích đất thuê (Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai và Công ty TNHH MTV Phương Phong Linh).

Các doanh nghiệp này chỉ làm nhà xưởng trên diện tích đất được thuê, khung thép mái tôn (không có tường bao công trình xung quanh và vách ngăn trong nhà xưởng) và công trình điện năng lượng mặt trời áp mái, có dấu hiệu sử dụng đất không đúng mục đích.

Tại thời điểm thanh tra, có 6 doanh nghiệp tại Khu II, KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (gồm Công ty TNHH MTV Thiện Chí Kon Tum; Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Minh Trung; Công ty TNHH Minh Ngọc Bờ Y; Doanh nghiệp Tư nhân TM Gia Bảo; Công ty TNHH MTV Tuấn Sỹ; Công ty TNHH MTV Tiến Anh Đạt) gần như không có công nhân, không hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng cửa.

Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Tuấn Sỹ và Công ty TNHH MTV Tiến Anh, tại thời điểm thanh tra không sử dụng đất, không tổ chức sản xuất kinh doanh trên phần diện tích đất được thuê, cần phải xem xét thu hồi đất theo quy định tại điểm I Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuê đất hoạt động kém hiệu quả. Trong tổng số 32 dự án (28 doanh nghiệp) tại 3 KCN, đến thời điểm thanh tra có tới 20 dự án (20 doanh nghiệp) không hoạt động, ngừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 62,50% (KCN Hòa Bình 7 dự án/7 doanh nghiệp; KCN Sao Mai có 2 dự án/2 doanh nghiệp; khu II KKT Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y có 6 dự án/6 doanh nghiệp).

Đối với đơn giá cho thuê đất tại KCN Hòa Bình qua thanh tra cho thấy, Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng KCN (nay là Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KKT) cho các doanh nghiệp thuê đất gắn với hạ tầng trong KCN Hòa Bình theo đơn giá từ 3.520 USD/ha/năm đến 3.770 USD/ha/năm và ổn định đơn giá thuê đất nêu trên cho toàn bộ thời gian thuê đất của dự án để sản xuất kinh doanh là chưa đúng quy định pháp luật.

Việc cho Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KKT thuê đất để cho doanh nghiệp thuê lại đất tại KCN Hòa Bình hiện nay không còn phù hợp với các quy định hiện hành, hướng dẫn Luật Đất đai và Luật Đầu tư.

Với những tồn tại, vi phạm được chỉ ra trong kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo chấm dứt việc cho Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KKT thuê đất đã được Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng để cho doanh nghiệp thuê lại đất tại KCN Hòa Bình.

Đối với các doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất kinh doanh bình thường tại KCN và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì lập hồ sơ để tiếp tục được thuê đất theo thời hạn dự án đầu tư theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng thì xem xét chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đề xuất lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái

UBND tỉnh Quảng Nình vừa có công văn gửi Bộ GTVT về việc lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam lập Quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái hoặc bổ sung đoạn Hạ Long - Mong Cái vào Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do Cục Đường sắt Việt Nam đang triển khai làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến đầu tư cũng như để quản lý quỹ đát theo quy hoạch tuyến được phê duyệt.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Được biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch 3 tuyến đường sắt.

Tuyến thứ nhất là Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có chiều dài 129 km, khổ đường 1.000 mm và 1.435 mm, lộ trình đầu tư đến năm 2030.

Tuyến thứ hai là Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài dự kiến là 101 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.

Tuyến thứ hai là Hạ Long - Móng Cái có chiều dài dự kiến là 150 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.

Triển khai Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (điểm cuối tại TP. Hạ Long).

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, phía Trung Quốc đang triển khai đầu tư tuyến đường sắt từ TP. Phòng Thành đến TP. Đông Hưng thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt cảng Phòng Thành đến TP. Đông Hưng sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc.

“Do vậy, việc sớm triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hoá và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN”, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá.

TP.HCM ấn định thời gian khởi công cải tạo rạch Xuyên Tâm sau hơn 20 năm ì ạch

Ngày 24/10, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM thông tin về tiến độ triển khai dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm.

Một đoạn rạch Xuyên Tâm thuộc địa bàn quận Bình Thạnh bị ô nhiễm nặng - Ảnh: Lê Toàn

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, từ năm 2002, TP.HCM đã khởi động cải tạo dự án rạch Xuyên Tâm nhưng vì nhiều lý do khách quan nên công trình chưa thực hiện được.

Ngày 6/10/2023, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4584/QĐ-UBND phê duyệt dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm. Sau khi dự án được phê duyệt Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM đang triển khai các bước tiếp theo để sớm khởi công dự án.

Về kế hoạch khởi công dự án, ông Dũng cho biết dự kiến, trong tháng 8/2024 sẽ khởi công gói thầu xây lắp trên địa bàn quận Gò Vấp và hoàn thành công tác xây lắp gói thầu này vào tháng 4/2025. Riêng gói thầu trên địa bàn quận Bình Thạnh, dự kiến khởi công vào tháng 4/2025, hoàn thành tháng 4/2028.

Để cải tạo rạch Xuyên Tâm, TP.HCM phải thu hồi 159.000 m2 đất, với 1.880 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 1.107 hộ dân phải giải tỏa toàn phần.

"Hiện nay, Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM đã ký hợp đồng tạm ứng kinh phí và bàn giao ranh dự án cho quận Gò Vấp và Bình Thạnh để 2 địa phương tiến hành khảo sát, chuẩn bị phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Quan điểm của thành phố khi giải phóng mặt bằng là người dân có nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", ông Dũng thông tin.

Ông Dũng cho biết thêm, để đảm bảo tiến độ dự án, chủ đầu tư sẽ kiến nghị UBND TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù như dự án đường Vành đai 3 trong giải phóng mặt bằng, trong đó sẽ thực hiện phương án bố trí kinh phí tạm cư cho người dân trong thời gian chờ bố trí nền đất hoặc nhà tái định cư để bàn giao mặt cho dự án.

Đưa Quảng Ngãi trở thành lựa chọn ưu tiên của các đối tác quốc tế

"Mời Ngài tới Quảng Ngãi và tôi sẽ cử các cơ quan chức năng làm việc cụ thể với Ngài về nội dung này”, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói một cách chân thành, khi trả lời câu hỏi của đại diện một doanh nghiệp Australia đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Hội nghị Giới thiệu Quảng Ngãi diễn ra sáng nay, 25/10.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi và ông Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chứng kiến Lễ ký kết các bản ghi nhớ tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Việt)

“Chúng tôi đang tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Quảng Ngãi dành quỹ đất tương đối lớn để phát triển nông nghiệp, trong điều kiện trên 43% người dân Quảng Ngãi vẫn làm nông nghiệp. Một trong những ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi là phát triển nông nghiệp, phát triển hài hòa, bền vững, cân bằng giữa người dân nông thôn và thành thị”, ông Minh chia sẻ.

Ông cũng khẳng định tỉnh Quảng Ngãi đang áp dụng các chính sách ưu đãi nhất để khuyến khích đầu tư, sẵn sàng cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa phương. “Chúng tôi sẽ giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, không để doanh nghiệp phải phàn nàn. Với trách nhiệm đứng đầu chính quyền, tôi cam kết với các bạn Quảng Ngãi làm được điều đó”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói.

Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ Việt Nam, nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi sẽ được hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường, cung cấp thông tin… tùy vào từng địa bàn và ngành nghề đầu tư. Riêng đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, nhà đầu tư được áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất hiện nay của Việt Nam.

Tỉnh dành nhiều ưu đãi cho các Dự án công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ; sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó là các dự án sản xuất điện tử, cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô; đóng tàu; sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; các sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số.

Khái quát về các yếu tố thuận lợi của tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh cho biết, tỉnh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cơ sở hạ tầng phát triển với hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và hệ thống 7 cảng biển; nền kinh tế phát triển năng động; nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư với hệ thống trường đại học, trường cao đẳng, trường dạy nghề hàng đầu cả nước; tiềm năng du lịch phong phú và đội ngũ lãnh đạo có trình độ cao, nhiệt tình, tâm huyết với sự phát triển của tỉnh.

Quảng Ngãi đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, trong định hướng phát triển của Trung ương đối với khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định hai trọng tâm phát triển "Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất và "Trung tâm du lịch biển - đảo tại Lý Sơn" sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh Quảng Ngãi và nhà đầu tư trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bày tỏ tin tưởng rằng, với dư địa phát triển dồi dào và định hướng đúng đắn của lãnh đạo tỉnh, Quảng Ngãi - mảnh đất của cơ hội, nơi hội tụ đủ ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” - sẽ giành được nhiều sự quan tâm, trở thành lựa chọn ưu tiên của các đối tác quốc tế trong thời gian tới, từ đó sớm trở thành trung tâm phát triển không chỉ của khu vực miền Trung mà còn của cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết thời gian tới, Bộ Ngoại giao đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các địa phương, trong đó có Quảng Ngãi triển khai công tác ngoại giao kinh tế nhằm đẩy mạnh kết nối đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu; thu hút các nguồn lực FDI, ODA phục vụ các động lực phát triển của tỉnh như: du lịch, kinh tế biển, logistics, thương mại, công nghiệp (hóa dầu, hóa chất, sản xuất kim loại...).

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi với Hiệp hội doanh nghiệp Hong Kong tại Việt Nam (HKBAV); Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh với Trung tâm Thông tin và Tư vấn đầu tư (INVEST GLOBAL) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE).

Kết nối cao tốc mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội

Không phải ngẫu nhiên, Bộ Giao thông - Vận tải lại rất coi trọng sự kiện khánh thành 2 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, được tổ chức vào giữa tháng 10/2023.

Ngoài việc giữ đúng cam kết với Quốc hội về tiến độ, qua đó đóng góp đáng kể vào mục tiêu giải ngân hơn 95.000 tỷ đồng vốn đầu tư công mà Bộ Giao thông - Vận tải đặt ra trong năm 2023, việc đưa vào khai thác chính thức 2 Dự án thành phần nói trên đã nâng tổng chiều dài đường cao tốc trục Bắc - Nam lên khoảng 1.050 km; góp phần nối thông tuyến đường bộ cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An dài 251 km, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về Nghệ An còn khoảng 3,5 giờ so với 5 giờ như trước đây.

Nếu tính cả phân đoạn cao tốc đã được hoàn thành trong giai đoạn trước là Chi Lăng (Lạng Sơn) - Bắc Giang - Hà Nội dài 112 km, thì tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được nối thông suốt từ Lạng Sơn tới Nghệ An có tổng chiều dài 363 km. Đây cũng là mạch cao tốc dài nhất, đi qua nhiều địa phương, kết nối nhiều khu vực kinh tế nhất Việt Nam hiện nay.

Như vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ sau 3 năm, cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác 649 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên toàn quốc đến thời điểm hiện nay là 1.822 km.

Có hai nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu liên quan đến việc phát triển mạng đường cao tốc quốc gia đặt ra cho Bộ Giao thông - Vận tải trong 3 năm tới.

Một là, phải khẩn trương hoàn thành 3 dự án thành phần còn lại thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 nhằm nối thông toàn bộ trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Hai là, phải khẩn trương phối hợp với các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua để ưu tiên bố trí vốn và chủ động huy động nguồn lực đầu tư các tuyến đường của địa phương kết nối với tuyến đường cao tốc nhằm tạo ra không gian phát triển mới của địa phương, nhất là các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ.

Thực tiễn chứng minh, đường bộ cao tốc được hình thành đã và đang tạo động lực quan trọng giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội trên địa bàn; giúp hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và là một trong những sản phẩm thu hút đầu tư hấp dẫn. Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại như việc kết nối giữa tuyến đường bộ cao tốc và hệ thống đường bộ trên địa bàn các địa phương còn hạn chế, chưa gắn kết giữa đường bộ cao tốc và các quy hoạch, chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, các không gian phát triển mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, gây lãng phí lớn về nguồn lực phát triển…

Chính vì vậy, với các địa phương, yêu cầu đặt ra là phải chủ động nghiên cứu, cập nhật, hoàn thiện quy hoạch tỉnh; bổ sung kế hoạch sử dụng đất; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị,  bảo đảm sự gắn kết, liên thông, đồng bộ giữa tuyến đường bộ cao tốc và các tuyến đường của địa phương để tận dụng tối đa lợi thế do các tuyến đường bộ cao tốc mang lại. Đặc biệt, phải quan tâm quản lý chặt chẽ, bài bản, hiệu quả trong việc sử dụng, khai thác quỹ đất tại khu vực các nút giao và không gian phát triển mới gắn với các tuyến cao tốc. Trong đó, tập trung ưu tiên các dự án đường địa phương phục vụ sản xuất kinh doanh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, các dự án động lực, có tính lan tỏa cao, tạo nguồn thu lâu dài cho địa phương, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân địa phương.

Ngoài ra, cần hạn chế tối đa việc giao các vị trí thuận lợi để phát triển bất động sản nhà ở; khắc phục triệt để tình trạng phát triển manh mún, không đồng bộ; không để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai theo đúng chỉ đạo tại Công điện số 769/CĐ-TTg, ngày 26/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Làm tốt những nội dung nói trên không những góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, mà còn hình thành điểm tựa hạ tầng quan trọng, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, gia tăng sức cạnh tranh. Đây cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu mà Quốc hội kỳ vọng khi bấm nút thông qua chủ trương đầu tư các đại dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Đà Nẵng lý giải lý do chậm triển khai đầu tư 3 khu công nghiệp mới

Chiều 25/10, trong buổi họp báo quý III/2023, ông Lê Minh Tường, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng thừa nhận việc triển khai đầu tư 3 khu công nghiệp mới là KCN Hoà Cầm - giai đoạn 2, KCN Hoà Ninh và KCN Hoà Nhơn chậm so với mục tiêu đề ra.

Các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gần như đã lấp đầy, nhưng 3 khu công nghiệp mới lại chậm triển khai đầu tư.

Về KCN Hoà Cầm - giai đoạn 2, Đà Nẵng đã thống nhất về quy trình lựa chọn nhà đầu tư với hình thức đấu thầu rộng rãi và giao Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp chủ trì tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Hiên Ban quản lý đang thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu để hỗ trợ thực hiện các bước lựa chọn nhà đầu tư.

Theo cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng, Dự án này có quy mô lớn, tính chất đặc thù, phức tạp, tổng vốn đầu tư hơn 2.246 tỷ đồng.

Việc lựa chọn nhà đầu tư phức tạp, các bộ, ngành không có quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà đầu tư đối với loại hình dự án này, nên việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở thành phố tự xây dựng quy trình và vận dụng các quy định của pháp luật về đấu thầu để thực hiện. Đây là dự án đầu tư tiên của cả nước được triển khai lựa chọn nhà đầu tư theo phương án này.

Trong thời gian vừa qua, khi thực hiện các thủ tục mời, đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án, xây dựng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, các đơn vị liên quan liên tục gặp nhiều vướng mắc và phải mất nhiều thời gian để tham vấn ý kiến của các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện; mất thời gian để giải quyết triệt để những bất cập về cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo dự án được triển khai theo đúng quy định.

Về tình hình đầu tư KCN Hòa Nhơn, hiện dự án này bị điều chỉnh giảm từ 360 ha xuống còn 237 ha, do chia tách để hình thành Cụm công nghiệp Hòa Nhơn.

Ngoài ra, địa điểm thực hiện dự án, có 2 đồ án bị trùng lắp về mặt khối lượng, đó là Đồ án quy hoạch phân khu Trung tâm lõi xanh và Đồ án quy hoạch phân khu KCN Hoà Nhơn.

Sau khi có quy hoạch điều chỉnh được duyệt, TP. Đà Nẵng sẽ giao Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tìm hiểu kêu gọi nhà đầu tư tiềm năng để hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đồng thời chấp thuận nhà đầu tư…

Đối với KCN Hoà Ninh, năm 2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 470/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành.

Trong đó, giao TP. Đà Nẵng “chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện trình tự, thủ tục và trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định hướng dẫn có liên quan, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện Hồ sơ và dự thảo Quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Ninh, TP. Đà Nẵng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Đến ngày 23/6/2023, Ban Quản lý đã có Công văn số 1370/BQL-QL, XT&HTĐT liên quan chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Ninh. Trong đó, đề nghị UBND thành phố có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ rút Tờ trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chức triển khai lựa chọn Nhà đầu tư dự án theo Luật Đầu tư 2020.

Ngoài ra, Ban Quản lý cũng đề nghị thẩm định hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng Dự án KCN Hòa Ninh gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở này cũng đã báo cáo Thành phố liên quan chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Dự án KCN Hoà Ninh, theo đó Dự án có 43,88 ha diện tích rừng trồng được quy hoạch là rừng sản xuất.

Bổ sung nút giao Thuận Nam vào cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1335/QĐ - BGTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Thi công hầm đường bộ Núi Vung thuộc Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Thi công hầm đường bộ Núi Vung thuộc Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Theo đó, có một số nội dung quan trọng liên quan đến việc điều chỉnh Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo tại Quyết định số 1335.

Đầu tiên là việc Bộ GTVT quyết định bổ sung hạng mục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Thuận Nam (Km113+000) kết nối với ĐT.709, dạng nút giao khác mức liên thông tách nhập đơn giản, gồm 4 nhánh kết nối, cao tốc đi dưới; bổ sung hệ thống thoát nước; hệ thống an toàn giao thông; điện chiếu sáng và các công trình phục vụ vận hành, khai thác (trạm thu phí không dừng, hệ thống ITS) trong phạm vi nút giao.

Tổng chi phí hạng mục bổ sung nút giao Thuận Nam (Km113+00) kết nối với ĐT.709 là khoảng 125,81 tỷ đồng (đã bao gồm chi phí GPMP).

Do xuất hiện hạng mục bổ sung, nên tổng mức đầu tư dự án giai đoạn phân kỳ sau điều chỉnh là 8.925,48 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 496,11 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 7.394,44 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 374,60 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng 246,65 tỷ đồng; chi phí dự phòng 413,68 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện Dự án sau điều chỉnh là 5.139,28 tỷ đồng (bao gồm vốn hạng mục bổ sung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Thuận Nam kết nối với ĐT.709); nguồn vốn nhà đầu tư: 3.786,20 tỷ đồng (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác để thực hiện dự án) theo Hợp đồng dự án số 316/HĐ.BOT-BGTVT ngày 30/7/2021.

Tại Quyết định số 1335, Bộ GTVT đã điều chỉnh thời gian xây dựng Dự án. Theo đó, Dự án được khởi công năm 2021, hoàn thành các hạng mục đường và cầu của Dự án đảm bảo thông xe trước ngày 30/12/2023, hoàn thiện toàn bộ các khối lượng phụ trợ và đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30/3/2024; hạng mục hầm Núi Vung hoàn thành trong thời gian 30 tháng.

Thời gian xây dựng hoàn thành hạng mục bổ sung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Thuận Nam (Km113+000) kết nối với ĐT.709 là 4 tháng.

Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 85 Ban Quản lý dự án 85 kiểm tra, rà soát nguồn vốn thực hiện dự án, xây dựng kế hoạch vốn, kịp thời báo Bộ GTVT phân bổ nguồn vốn thanh toán cho dự án, bảo đảm đầy đủ, kịp thời theo quy định; thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư xây dựng; quản lý hợp đồng, sử dụng vốn và nghiệm thu, thanh toán, đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư dự án theo quy định.

Đơn vị này còn được giao chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát phân khai khối lượng, khớp nối phạm vi hạng mục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Thuận Nam kết nối với ĐT.709, thoả thuận thống nhất với Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tránh trùng lặp.

“Xây dựng phương án tổ chức thực hiện hạng mục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Thuận Nam kết nối với ĐT.709, cập nhật lưu lượng, dự báo giao thông, xác định phương án tài chính, thời gian hoàn vốn, đánh giá đầy đủ tác động để hoàn thiện các thủ tục liên quan, bảo đảm tuân thủ theo quy định hợp đồng và quy định của pháp luật”, Quyết định số 1335 nêu rõ.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức PPP. Dự án có chiều dài 78,5 km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (gần 12 km), do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả-Công ty 194 làm nhà đầu tư.

Lực kéo nào giúp tăng dòng vốn FDI vào Đà Nẵng?

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.

Nếu tính theo vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, thì tỉnh Nghệ An đứng đầu, thu hút 720,94 triệu USD vốn FDI. Kế đến là các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế…

Như vậy, TP. Đà Nẵng, vốn sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi, từng nhiều năm dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút vốn FDI, lại đang tụt hạng.

Trong 9 tháng năm 2023, số dự án FDI cấp mới trên địa bàn TP. Đà Nẵng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, số dự án tăng, nhưng vốn đầu tư lại giảm.

Tính đến ngày 15/9/2023, TP. Đà Nẵng đã cấp mới 82 dự án vốn FDI, với vốn đăng ký cấp mới là 11,888 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 chỉ có 36 dự án cấp mới, nhưng vốn đăng ký cấp mới là 68,477 triệu USD. Ngoài ra, TP. Đà Nẵng điều chỉnh tăng vốn cho 29 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm 20,183 triệu USD và 23 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng giá trị 3,093 triệu USD.

Vì vậy, hoạt động đầu tư của dòng vốn FDI trên địa bàn TP. Đà Nẵng chỉ đạt hơn 2.600 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 1.015 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD; chưa có dự án vốn FDI “tỷ đô” nào được triển khai đầu tư tại thành phố này.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, bà Trần Thị Thanh Tâm, có nhiều nguyên nhân khiến việc thu hút vốn FDI đạt thấp, cũng như chưa thu hút được các tập đoàn lớn. Đó là, quỹ đất kêu gọi đầu tư của Đà Nẵng khá hạn chế. Thành phố chủ yếu kêu gọi đầu tư vào các KCN, khu công nghệ cao; trong khi quỹ đất ngoài KCN hầu hết có quy mô nhỏ, không đủ sức thu hút dự án lớn…

Theo ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Long Hậu, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi nổi trội về điều kiện tự nhiên, hạ tầng và giao thông thuận lợi; chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư tốt, doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến địa phương này. Cái thiếu của Đà Nẵng là những “sếu đầu đàn”.

“Quan sát sẽ thấy, dòng vốn FDI chủ yếu tập trung ở hai đầu đất nước, bởi các tập đoàn lớn trên thế giới đã triển khai đầu tư dự án ở đây, kéo theo nhiều nhà đầu tư khác. Đà Nẵng cần thu hút những tập đoàn lớn như thế để tạo động lực cho dòng vốn vốn FDI”, ông Hiếu nhận định.

Cũng theo ông Hiếu, TP. Đà Nẵng đang thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đây là bước đi tiềm năng, bởi Việt Nam và Hoa Kỳ đã quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố đang tập trung thu hút các dự án về công nghệ vi mạch bán dẫn vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ cùng ký kết hợp tác để đẩy mạnh về khoa học công nghệ, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

“Đây là mục tiêu cụ thể, sự đón đầu rất phù hợp của Đà Nẵng. Kỳ vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án lớn đầu tư vào Thành phố”, bà Phương thông tin.

Trên lĩnh vực này, Đà Nẵng có lợi thế lớn. Đà Nẵng hiện có một khu công nghệ cao, 6 khu công nghiệp và chế xuất và 3 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm đang hoạt động. Bên cạnh đó, địa phương này cũng đã triển khai đầu tư xây dựng Công viên phần mềm số 2, đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác. Đồng thời, tiếp tục mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng giai đoạn II; thu hút đầu tư Không gian sáng tạo Hòa Xuân…

Song song với đó, TP. Đà Nẵng đang triển khai thủ tục đầu tư 3 khu công nghiệp (KCN) mới là KCN Hòa Cầm giai đoạn II, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh và bổ sung vào quy hoạch một KCN mới. Tổng diện tích 4 KCN mới này dự kiến khoảng 1.213 ha.

Đà Nẵng cũng đang thúc đẩy hoàn thành các thủ tục để thực hiện đấu giá dự án thương mại Khu thể thao, giải trí và thương mại Hòa Xuân, khu đất thương mại dịch vụ phía Đông Nam ký túc xá sinh viên… Nếu thành công, sẽ thu được trên 200 triệu USD…

TP. Đà Nẵng đang nỗ lực để tìm lại vị trí của mình về thu hút dòng vốn FDI. Tuy nhiên, nếu muốn “sếu đầu đàn” tìm đến, thì Thành phố cần chuẩn bị sẵn chiếc tổ thật tốt!

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng tốc, đạt 25,76 tỷ USD

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến 20/10/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so vồi cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, cao hơn 7 điểm phần trăm so với mức tăng của 9 tháng.

Quảng Ninh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong 10 tháng năm 2023

Trong đó, có 2.608 Dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,29 tỷ USD, tăng 66,1% về số dự án và tăng 54% về số vốn so với cùng kỳ; và có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 5,33 tỷ USD, tăng 19,4% về số lượt nhưng giảm 39% về số vốn so với cùng kỳ.

Ngoài ra, còn có 2.836 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tuy giảm 5,4% so với cùng kỳ về số lượt, nhưng lại tăng 35,4% về số vốn, đạt hơn 5,13 tỷ USD.

Như vậy, cùng với việc vốn đăng ký đạt mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, thì vốn điều chỉnh tuy vẫn giảm, song số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng vẫn duy trì mức tăng so với cùng kỳ. Điều này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Số liệu thống kê cho thấy, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương…

Trong số này, Hải Phòng là một trong những địa phương nổi bật. Hải Phòng đã thu hút được hơn 2,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng qua, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư của Hải Phòng tăng mạnh trong 10 tháng qua là do có Dự án LG Innotek Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD; Dự án Nhà máy Sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance, vốn đầu tư 500 triệu USD.

Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn chỉ đứng vị trí thứ hai trong số các địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng qua. Đứng đầu chính là Quảng Ninh.

Tháng 10 năm 2023, Quảng Ninh cấp 2 dự án đầu tư mới có vốn đầu tư lớn, là Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko solar Hải Hà Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và Dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD.

Nhờ hai dự án này, Quảng Ninh vượt lên dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,09 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù vậy, nếu xét về số dự án, TP.HCM là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38%), số lượt dự án điều chỉnh (25,3%) và góp vốn, mua cổ phần (66,6%).

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống, như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 81,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước trong 10 tháng.

Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,65 tỷ USD, chiếm hơn 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 13% so với cùng kỳ 2022; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 3,93 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư, tăng 0,5% so với cùng kỳ.

Hồng Kông đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,54 tỷ USD, chiếm hơn 13,7% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,6 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 21,7%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,7%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 28,2%).

Không chỉ vốn đăng ký tích cực mà vốn giải ngân cũng vậy. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 10 tháng, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.

Như vậy, tính lũy kế đến ngày 20/10/2023, cả nước có 38.622 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 460,07 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 292 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Kon Tum tăng cường xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum vừa làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan về tình hình quy hoạch, đầu tư phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn TP. Kon Tum.

Trên địa bàn TP. Kon Tum có 2 KCN (KCN Hòa Bình, KCN Sao Mai) và 4 CCN - TTCN (CCN - TTCN làng nghề H’Nor, CCN - TTCN Thanh Trung, CCN - TTCN xã Hòa Bình và CCN - TTCN phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm).

KCN Hòa Bình có diện tích 130 ha, được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 60 ha; giai đoạn 2: 70 ha). Trong 60ha triển khai giai đoạn 1, có 50,51ha đất công nghiệp, đã cho thuê 48,37 ha; tỷ lệ lấp đầy đạt 95,76%.

Đến nay, KCN Hòa Bình đã thu hút được 34 nhà đầu tư với 39 Dự án (29 doanh nghiệp/32 dự án đang hoạt động) với tổng vốn thực hiện 541,873 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.546 lao động và 5 doanh nghiệp/7 dự án đang triển khai.

KCN Sao Mai quy mô 150ha. Năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu đô thị - dịch vụ Sao Mai (60 ha) gắn với KCN Sao Mai. Hiện có 3 dự án đăng ký đầu tư với vốn đăng ký khoảng 615 tỷ đồng, trên diện tích 40,21 ha.

CCN-TTCN làng nghề H’Nor (phường Lê Lợi) có diện tích 70.103m2. Nơi này hiện có 236/243 cơ sở hoạt động; tỷ lệ lấp đầy khoảng 93,74%. CCN - TTCN Thanh Trung, phường Ngô Mây có diện tích 45,8ha; tỷ lệ lấp đầy khoảng 35%. CCN - TTCN xã Hòa Bình có diện tích 47,21ha; tỷ lệ lấp đầy khoảng 40,35%. CCN-TTCN phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm chưa đi vào hoạt động.

Nhìn chung, các CCN cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đất sản xuất để di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm trong khu dân cư tại các phường nội thành vào hoạt động sản xuất ổn định tại các CCN, tạo vẻ đẹp mỹ quan đô thị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Tại buổi làm việc, các đơn vị, địa phương đã trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như khó khăn trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng; cơ sở hạ tầng tại các CCN chưa được đầu tư và đầu tư chưa đồng bộ, tỷ lệ đầu tư hạ tầng còn thấp so với quy hoạch được phê duyệt do ngân sách trung ương và địa phương đầu tư thấp và không thường xuyên ảnh hưởng đến việc hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và thu hút đầu tư vào các KCN, CCN…

Kết luận buổi làm việc, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy vai trò làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp khắc phục các tồn tại, khó khăn trong phát triển các KCN trên địa bàn, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh.

Trước mắt, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị sớm đưa KCN Sao Mai đi vào hoạt động hiệu quả như hoặc hơn KCN Hòa Bình; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Đô thị - Dịch vụ Sao Mai để nhanh chóng hoàn chỉnh hạ tầng, đấu giá sớm nhất để có nguồn vốn cho đầu tư tiếp theo; tăng cường xúc tiến đầu tư vào các KCN, CCN, nhất là tạo điều kiện về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, sau khi có Quyết định phê duyệt quy hoạch Khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung (tại huyện Đăk Tô) của Chính phủ, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện…

Đề xuất gỡ “chướng ngại vật” về đầu tư xây dựng cho Khu kinh tế Nhơn Hội

UBND tỉnh Bình Định vừa báo cáo Văn phòng Chính phủ về một số khó khăn, vướng mắc khi đầu tư, xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội.

Theo đó, UBND tỉnh này cho biết, theo quy định về trách nhiệm lập, phê duyệt hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị thì Hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị Khu kinh tế Nhơn Hội sẽ được Bộ Xây dựng thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy vậy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội cũng như thuận lợi trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư, phát triển các Dự án đô thị, bất động sản, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp về cho địa phương được phê duyệt Hồ sơ đề xuất các khu vực phát triển đô thị phù hợp với Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Qua rà soát của địa phương này, đa số các dự án du lịch trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội có tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng trở lên, thuộc dự án nhóm A theo quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ.

Theo đó, các thủ tục chuẩn bị đầu tư như thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy… đối với các dự án này đều do cơ quan chuyên môn ở Trung ương thẩm định.

UBND tỉnh cho rằng, việc triển khai các thủ tục thẩm định theo quy định hiện tại dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện và tốn kém rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đối với các công trình sử dụng vốn khác, cơ quan quản lý nhà nước nên thực hiện quản lý theo cấp công trình như các quy định trước đây (đối với Trung ương là cấp đặc biệt, cấp I; địa phương là cấp II trở xuống).

“Các quy định về phòng cháy chữa cháy hiện hành rất khắt khe, nhiều quy định, tần xuất kiểm tra của cơ quan chức năng rất dày dẫn đến doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian và chi phí tuân thủ, đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, UBND tỉnh Bình Định nêu khó khăn.

Do vậy, để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng quan tâm xem xét nội dung: “Phân cấp, ủy quyền, giao cho địa phương tổ chức thẩm định đối với các dự án sử dụng vốn khác có quy mô từ cấp I trở xuống, không phân biệt tổng mức đầu tư”; đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng sớm điều chỉnh các quy định về phòng cháy, chữa cháy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đồng thời giảm tần suất kiểm tra hoặc công tác kiểm tra cần quy định tần suất phù hợp theo mức độ nguy cơ cháy theo từng ngành nghề.

Gần 424 triệu USD đầu tư ra nước ngoài

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 424,34 triệu USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, có 95 Dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 251,15 triệu USD, giảm 35,6% và có 19 lượt dự án điều chỉnh, với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 173,19 triệu USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ.

Tập đoàn TH vừa khánh thành giai đoạn I - Trang trại quy mô 6.000 con bò sữa tại Volokolamsk, tỉnh Moscow

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, kể từ đầu năm tới nay, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. Trong đó, bán buôn, bán lẻ dẫn đầu với 32 dự án đầu tư mới và 6 lượt điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 151,63 triệu USD, chiếm 35,7% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Ngành thông tin - truyền thông đứng thứ hai, với hơn 119,37 triệu USD, chiếm 28,1%. Tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo…

Số liệu thống kê cho thấy, có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 10 tháng năm 2023. Dẫn đầu là Canada với 1 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 150,2 triệu USD, chiếm 35,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Singapore, Lào, Cuba…

Như vậy, lũy kế đến ngày 20/10/2023, Việt Nam đã có 1.675 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,1 tỷ USD. Trong đó, có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỷ USD, chiếm 52,8% tổng vốn đầu tư cả nước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,5%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,5%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,7%); Campuchia (13,3%); Venezuela (8,3%)…

Trong một báo cáo được Chính phủ trình ra Quốc hội mới đây, năm 2022, số vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước là 61,5 triệu USD, lũy kế đến 31/12/2022 là 6,6 tỷ USD. Lớn nhất trong số này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 60,8% số vốn, Viettel chiếm 22,22%, Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) chiếm 11,6%.

Năm 2022, số tiền thu hồi từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài là 427,4 triệu USD, trong đó lợi nhuận chuyển về nước là 235,7 triệu USD. Số lợi nhuận này được chuyển về chủ yếu là từ các dự án của PVN, Viettel, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, VRG, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Như vậy lũy kế đến ngày 31/12/2022, có 72 dự án đầu tư ra nước ngoài của 16 doanh nghiệp nhà nước đã phát sinh các khoản thu hồi, với tổng số tiền lũy kế là hơn 4 tỷ USD, bao gồm 1,9 tỷ USD lợi nhuận chuyển về nước.

Chính phủ đánh giá, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp vốn nhà nước có sự chuyển biến tích cực về doanh thu, song lợi nhuận vẫn giảm do chưa sử dụng chi phí hiệu quả dẫn đến số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam giảm so với năm 2021 (giảm 10,56%).

Điện Biên cần 326.000 tỷ đồng thời kỳ 2021 - 2030 để trở thành tỉnh phát triển khá

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều 27/10, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua bản Quy hoạch với điều kiện có bổ sung, chỉnh sửa.

Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.

Tầm nhìn đến năm 2050, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường; là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái quốc gia, có đẳng cấp quốc tế; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống tốt, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc dân tộc. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới và khối đại đoàn kết các dân tộc.

Quy hoạch tỉnh cũng lựa chọn kịch bản tăng trưởng khả thi với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng trung bình nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 6,54%/năm; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đạt 18,64%/năm, trong đó công nghiệp là 17,30%/năm và nhóm ngành dịch vụ tăng 7,15%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030, nhóm ngành Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 12,7%; Công nghiệp - Xây dựng chiếm 42,4% (trong đó Công nghiệp chiếm 12,1% tổng GRDP) và Dịch vụ chiếm 41,2% trong GRDP. Tổng vốn đầu tư theo giá hiện hành cần có để đạt được mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 326.000 tỷ đồng theo giá hiện hành.

Về không gian phát triển của Điện Biên thời gian tới, Dự thảo Quy hoạch tổ chức không gian với 3 vùng kinh tế; 4 trục phát triển kinh tế; 4 cực tăng trưởng chính.

Cụ thể, 3 vùng kinh tế gồm: Vùng kinh tế I (vùng kinh tế động lực) bao gồm TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Đây là vùng động lực phát triển đa dạng các lĩnh vực: nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ…

Vùng kinh tế II bao gồm huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng, là vùng tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, du lịch.

Vùng kinh tế III bao gồm huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, huyện Mường Chà, và thị xã Mường Lay, là vùng tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thuỷ sản, du lịch thương mại dịch vụ.

Quy hoạch Tỉnh đưa ra 4 trục kinh tế động lực gồm trục theo QL279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hà Nội, gắn với cảng hàng không Điện Biên Phủ là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng, trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp chế biến. Tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thị trấn Tuần Giáo, Mường Ảng, thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

Trục phát triển kinh tế dọc theo QL12 là trục kết nối giữa khu vực phía Bắc với khu vực phía Nam tỉnh và kết nối sang Lào thông qua cửa khẩu Huổi Puốc, cửa khẩu Tây Trang. Đây cũng là tuyến giao thông cần được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới để phát huy lợi thế của cảng hàng khôn Điện Biên và tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận.

Trục phát triển kinh tế phát triển dọc theo QL6 là trục kết nối thị xã Mường Lay với khu vực huyện Tuần Giáo và các tỉnh phía Đông Nam như: Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội. Kết hợp với các tuyến trục tỉnh lộ 139, TL146, TL149B, TL100 tạo thành trục vành đai phía Đông của tỉnh liên kết các huyện, tăng cường giao lưu giữa khu vực phía Bắc và phía Nam của tỉnh.

Trục phát triển kinh tế phát triển dọc theo QL4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh. Là trục giao thông quan trọng góp phần phát triển du lịch và thương mại dịch vụ, kết nối với Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và cửa khẩu Apachải sang Trung Quốc.

Với 4 cực tăng trưởng (Thành phố Điện Biên Phủ, Thị xã Mường Lay, Thị trấn Tuần Giáo, Thị trấn Mường Nhé), tỉnh Điện Biên kỳ vọng sẽ thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tập trung phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp chế biến (chế biến nông, lâm sản) và dịch vụ, tăng cường và tạo ra các liên kết phát triển mới với các tỉnh trong vùng cũng như với các tỉnh Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc nhằm đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, Quy hoạch tỉnh Điện Biên là một khâu đột phá trong việc huy động trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, chính trị tham gia xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp từng bước đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái quốc gia, có đẳng cấp quốc tế; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống tốt, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc dân tộc.

Bình Định kiến nghị gỡ khó cho Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa phương

UBND tỉnh Bình Định vừa báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính… về một số khó khăn vướng mắc khi thực hiện Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, qua địa phận tỉnh Bình Định

Theo đó, tính đến tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh diện tích các đơn vị đăng ký trồng rừng thay thế năm 2023 là 90ha và đã được UBND tỉnh bố trí trồng rừng thay thế.

Trong khi tổng diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng phục vụ Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2021 - 2025 qua địa phương hiện nay khoảng 202,87ha.

Do đó, địa phương phải gửi hồ sơ trồng rừng thay thế về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bố trí trồng rừng thay thế ở tỉnh khác, nhưng việc bố trí trồng rừng ở các tỉnh khác mất rất nhiều thời gian, không phù hợp với thời gian quy định, làm chậm công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, gây ảnh hưởng tiến độ dự án.

Đồng thời, chủ đầu tư chậm bàn giao hồ sơ và ranh, mốc giới bãi thải, một số mỏ vật liệu, trạm dừng nghỉ và phạm vi chiếm dụng đất rừng tuyến chính cao tốc phát sinh phải chuyển mục đích, làm chậm việc thực hiện rà soát, tổng hợp của địa phương để trình HĐND tỉnh chuyển mục đích sử dụng rừng.

Theo UBND tỉnh, hiện nay, trữ lượng vật liệu cát xây dựng trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, về trữ lượng cát được cấp phép hiện tại không đủ. Do đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND các tỉnh khu vực miền Trung được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông mà không phải lập lại dự án đầu tư điều chỉnh, báo cáo ĐTM (theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 19/10/2022 chỉ áp dụng cho các mỏ cát, sỏi lòng sông thuộc đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 không áp dụng đối với cát, sỏi lòng sông, cửa biển).

UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng diện tích đất lúa, đất rừng phục vụ dự án cao tốc được tính riêng, không tính vào chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ trên địa bàn tỉnh Bình Định tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.

UBND tỉnh Bình Định đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho bổ sung diện tích đất rừng và đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên cần chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án (thay đổi so với Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 ngày 11/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Cụ thể: Đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên 420,44 ha (tăng 88,95 ha); Đất rừng phòng hộ 37,96 ha (tăng 5,36 ha); Đất trồng rừng sản xuất 632,61 ha (tăng 151,27 ha).

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Định đề nghị khi UBND tỉnh chuyển hồ sơ nộp tiền trồng rừng thay thế về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian chưa bố trí được quỹ đất trồng rừng thay thế ở tỉnh khác thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản giao Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam tạm thu tiền trồng rừng thay thế để các chủ dự án nộp tiền và UBND tỉnh có cơ sở quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, có các giải pháp, hướng dẫn rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục trồng rừng thay thế nhằm đẩy nhanh thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 11/5/2023 và thực hiện công tác quản lý, sử dụng tầng đất mặt theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 94/NĐ-CP của Chính phủ, phù hợp với tình hình thực tế.

UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Bộ GTVT sớm có ý kiến thống nhất đối với phần diện tích đất nông nghiệp còn lại lớn hơn 200m2 nhưng không đủ điều kiện sản xuất thì được thu hồi và bồi thường hỗ trợ từ nguồn kinh phí của dự án cao tốc (theo quy định thì được thu hồi, tuy nhiên phải có ý kiến thống nhất của Bộ GTVT để làm cơ sở cho các địa phương phê duyệt phương án thu hồi).

Động lực tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ như vậy với các vị đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ về kinh tế, xã hội vừa qua.

Tại đây, nhiều đại biểu đồng tình với nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rằng, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Trong khi đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thì thúc đẩy tăng trưởng là mục tiêu cần được ưu tiên.

Để phát triển, doanh nghiệp phải liên tục đổi mới giải pháp về kỹ thuật, công nghệ. Ảnh: Đ.T

Để có thể đưa tốc độ tăng GDP năm 2024 lên trên 6% và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu này của cả nhiệm kỳ ở mức cao nhất, thì ngoài thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tưtiêu dùng, xuất khẩu), cần những điểm tựa mới cho tăng trưởng.

Trao đổi với các vị đại biểu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2023, rất nhiều giải pháp ngắn hạn đã gắn vào các nhiệm vụ của trung và dài hạn, như đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược - đều là những vấn đề căn cơ, lâu dài.

Các giải pháp, nhiệm vụ này đều hướng tới mục tiêu cuối cùng, quan trọng nhất, là nâng cao được năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu này gắn với các ngành công nghệ mới, dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên năng lực, nguồn lực con người. “Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đang tập trung theo hướng dựa trên đổi mới sáng tạo để làm động lực cho tăng trưởng”, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nói.

Cụ thể hơn về công việc Bộ được giao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và sẽ khánh thành vào cuối tuần này.

“Chúng tôi cũng đang cùng Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và báo cáo với Quốc hội trong thời gian tới về các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội để khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam”, Bộ trưởng cho hay.

Ông “rất mong được các đại biểu Quốc hội ủng hộ để Việt Nam có phong trào khởi nghiệp, phong trào đổi mới sáng tạo, phong trào thúc đẩy khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới”.

Thông tin thêm về ngành chip bán dẫn, Bộ trưởng nói, hiện nay, ngành này rất quan trọng và có đóng góp rất lớn, dự báo đến năm 2030, doanh thu của ngành chip bán dẫn trên toàn thế giới vào khoảng 1.300 tỷ USD.

Vậy Việt Nam có tham gia ngành này không? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, từ đề xuất của Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ và Bộ đang thực hiện 2 nhiệm vụ ở Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Đó là xây dựng các trung tâm nghiên cứu thiết kế chip, trung tâm nghiên cứu về bán dẫn; xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực.

“Báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội trong phiên khai mạc có nói mục tiêu là 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn. Thực tế, chúng tôi đang đề nghị và làm đề án là 50.000 kỹ sư và chuyên gia trong ngành bán dẫn. Hiện nay, cả nước mới có 5.600 người, nhưng chúng tôi cũng đang làm việc với tất cả các trường đại học và xây dựng một đề án đến năm 2030, nước ta có được 50.000 kỹ sư và chuyên gia trong ngành bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm.

Theo Bộ trưởng, nguồn nhân lực của ngành này cần cả thạc sĩ, tiến sĩ thì mới tham gia các chuỗi giá trị với một tâm thế, một vị thế khác và đây là nguồn lực, động lực hết sức to lớn và quý giá.

“Sau này, chúng tôi sẽ tiến hành làm triển lãm về đổi mới sáng tạo hàng năm tại Trung tâm với quy mô rất lớn, tập trung tất cả các tập đoàn công nghệ lớn nhất của thế giới”, Bộ trưởng chia sẻ thông tin.

Tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo cũng là vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu - doanh nhân Khương Thị Mai (Nam Định), Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam cho rằng, cần đưa khoa học công nghệ, kinh tế, trí thức trở thành nhân tố chủ yếu cho nâng cao chất lượng và tăng trưởng.

“Ở đâu có đổi mới giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, thì ở đó sẽ có tiến bộ. Nhiều doanh nghiệp bây giờ phải nắm bắt công nghệ mới cho những năm tiếp theo, thì mới có thể bắt nhịp được các doanh nghiệp nước ngoài”, đại biểu Mai nói.

Bên cạnh đề nghị Chính phủ có giải pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam, vị đại biểu này cũng cho rằng, cần tạo cơ chế thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, đầu tư vào khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp lớn và vừa để có thể tạo ra những doanh nghiệp thực sự lớn. Từ đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể tham gia chuỗi giá trị tốt hơn.

Khẩn trương triển khai các Dự án đường dây 500 kV mạch 3, cấp điện cho miền Bắc

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1241/QĐ-TTg phê duyệt Chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư Dự án đường dây 500 kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa. Đây là một trong 4 dự án thành phần thuộc Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII; trong đó giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm Chủ đầu tư dự án. Thủ tục pháp lý rất quan trọng này sẽ làm cơ sở để EVNNPT triển khai các thủ tục tiếp theo.

 Dự kiến hướng tuyến đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch tới Phố Nối

Ông Vũ Trần Nguyễn, Phó tổng giám đốc EVNNPT cho biết, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 515 km, đi qua địa bàn 9 tỉnh gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên.

Các dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần cung ứng điện cho miền Bắc trong thời gian tới. Bên cạnh việc nâng cao độ dự trữ ổn định trên trục Bắc - Trung, góp phần bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc, các dự án còn truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện và năng lượng tái tạo khu vực Bắc Trung Bộ vào hệ thống điện quốc gia. Đồng thời giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu đảm bảo tiêu chí N-1, đặc biệt khi công suất truyền tải cao trên trục Bắc - Trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp.

Theo Phó tổng giám đốc Vũ Trần Nguyễn, với tính chất cấp bách và quan trọng của các dự án nhằm đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc trong những năm tới, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thường xuyên, liên tục; trong đó, ngày 15/8/2023, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 745/TTg-CN về kế hoạch đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Sau đó Thủ tướng có Công điện số 782/CĐ-TTg ngày 04/9/2023 về việc triển khai thực hiện các dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn từ Quảng Trạch đến Phố Nối (Dự án).

Mới đây nhất ngày 23/10, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp rà soát tiến độ Dự án. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan địa phương liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa, phối hợp chặt chẽ hơn, chủ động giải quyết nhanh nhất các thủ tục, hồ sơ, công việc liên quan đến dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nỗ lực hoàn thành dự án theo mục tiêu phấn đấu.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng nhiều bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhiều công việc chuẩn bị đầu tư, thủ tục pháp lý được triển khai đạt kết quả tích cực. 

Gần đây, ngày 24/10/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1241/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án đường dây 500 kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao EVNNPT làm chủ đầu tư dự án. Đây là một thủ tục pháp lý rất quan trọng, làm cơ sở để EVNNPT triển khai các thủ tục tiếp theo.

Để có được kết quả trên, cùng với sự chỉ đạo thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành, địa phương liên quan đã vào cuộc quyết liệt để nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục nhằm đảm bảo mục tiêu của Dự án.

Như vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và nỗ lực của EVN, EVNNPT, đến thời điểm gần cuối tháng 10 này, Dự án đang bám sát mục tiêu đề ra.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, EVN, EVNNPT luôn nhận thức rõ đây là dự án trọng điểm, cấp bách và đã chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan, sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai Dự án. Đồng thời huy động tối đa các nguồn lực, làm việc xuyên đêm, không có ngày nghỉ... để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án.

Lãnh đạo EVN thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quá trình triển khai dự án của EVNNPT và ủy quyền cho EVNNPT để chủ động hoàn thiện các thủ tục với các mốc tiến độ nhanh nhất vì mục tiêu của dự án.

Phó tổng giám đốc Vũ Trần Nguyễn cho biết, ngày 19/6/2023, Đảng ủy EVNNPT đã ban hành Nghị quyết số 144-NQ/ĐU về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án đường dây 500 kV mạch 3 ở 4 khu vực phía Bắc.

Ngay sau đó, EVNNPT đã thành lập Ban Chỉ đạo Dự án do Chủ tịch HĐTV Tổng công ty làm Trưởng ban; các đơn vị trực thuộc đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành và Ban tiền phương để triển khai đồng bộ các dự án.

Mới đây, Tổng giám đốc EVNNPT đã ban hành Chỉ thị số 4660/CT-EVNNPT về việc triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024; trong đó yêu cầu các đơn vị, các Ban liên quan khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường dây 500 kV từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

Để đảm bảo tiến độ Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo EVNNPT cho biết, EVN, EVNNPT kiến nghị các bộ ngành liên quan hỗ trợ tối đa chủ đầu tư trong suốt quá trình triển khai Dự án. EVN, EVNNPT cũng kiến nghị 9 tỉnh là Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên tích cực tạo điều kiện và hỗ trợ cho chủ đầu tư sớm hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng để tổ chức thi công công trình.

Bên cạnh đó, EVN, EVNNPT đề nghị các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát cần khẩn trương huy động lực lượng để tăng tốc ngay sau khi triển khai thi công Dự án, huy động tối đa nguồn lực, dành ưu tiên cao nhất cho Dự án để hoàn thành Dự án theo mục tiêu phấn đấu.

“Ngay sau khi Dự án đường dây 500 kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I – Phố Nối được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư, EVNNPT đã triển khai ngay Dự án để đảm bảo mục tiêu đã đề ra, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai 3 dự án còn lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo EVNNPT khẳng định.

Đặc biệt, EVNNPT đã chủ động sắp xếp, tổ chức triển khai song song, đồng thời các công việc dự án; bố trí đầy đủ vốn triển khai dự án. Mặt khác, chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong giải phóng mặt bằng, nhận mặt bằng đến đâu tập trung nhân lực, máy móc, nguyên vật liệu để tổ chức thi công ngay đến đấy, nhất là các hạng mục móng, cột, phấn đấu hoàn thành Dự án đúng tiến độ và chất lượng, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc trong thời gian tới.

Giao đầu mối nghiên cứu Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định về việc giao nhiệm vụ cho Ban quản lý Dự án đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, Ban quản lý dự án đường sắt được giao tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với mục tiêu là bảo đảm kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, trung chuyển thuận tiện với các phương thức vận tải khác; có vai trò là một trong các trục giao thông chính trên hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực phía Bắc, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.

Kinh phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được bố trí theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm. Thời gian thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng năm 2023 – 2025.

Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án đường sắt chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tổ chức lựa chọn Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định hiện hành.

Theo Quyết định số 1769/QĐ – TTg về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có chiều dài 380 km, khổ đường 1.435 mm, với điểm đầu tại ga Lào Cai, điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng.

Việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ giúp các cơ quan chức năng làm rõ thêm chi phí đầu tư, tính khả thi tài chính và tác động của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trước khi quyết định triển khai các bước tiếp theo.

Đề xuất gia hạn Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đến cuối năm 2025

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 sử dụng vốn dư của Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (Dự án VRAMP) vốn vay ngân hàng Thế giới (WB).

Một đoạn Quốc lộ 9 thi công dang dở.
Một đoạn Quốc lộ 9 thi công dang dở. (Ảnh: Văn Dinh).

Ngoài việc xin gia hạn thời gian thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 đến ngày 31/12/2025, Cục Đường bộ Việt Nam trong vai trò chủ đầu tư còn kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn.

Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị để làm rõ về cam kết, bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương cho công tác giải phóng mặt bằng, kế hoạch thực hiện cụ thể công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành tháng 6/2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở cam kết của UBND tỉnh Quảng Trị, Bộ GTVT có văn bản báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư chuyển đổi nguồn vốn để hoàn thành Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1  sử dụng nguồn vốn dư của Dự án VRAMP bao gồm vốn ODA và vốn đối ứng trong nước.

Do Hiệp định vay số 5331-VN đã đóng nên không thể tiếp tục thực hiện và giải ngân Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 từ nguồn vốn bố trí ban đầu. Hiện khối lượng hoàn thành đã được giải ngân bằng nguồn vốn ODA là 41,57 tỷ đồng nên Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư thành 481,40tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA là 41,57 tỷ đồng (phần vốn ODA đã giải ngân), vốn đối ứng là 439,83 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, tổng mức đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 theo Quyết định số 1939/QĐ-BGTVT ngày 11/11/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT là 440,368 tỷ đồng gồm vốn vay WB là 387,311 tỷ đồng, tương đương 16,75 triệu USD, vốn đối ứng là 53,057 tỷ đồng, tương đương 2,29 triệu USD.

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 đã hoàn thành đảm bảo theo kế hoạch. Dự án đã triển khai thi công với 2 gói thầu xây lắp và 2 gói thầu tư vấn giám sát (giám sát xây dựng và giám sát độc lập Môi trường – Xã hội) với tiến độ thi công đảm bảo đối với các đoạn tuyến được bàn giao mặt bằng sạch và đủ chiều dài tổ chức thi công.

Trong khi đó công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Quảng Trị bố trí vốn và thực hiện không đảm bảo theo các mốc tiến độ UBND tỉnh Quảng Trị cam kết với Chính phủ, các Bộ - ngành và WB trong quá trình chuẩn bị đầu tư và giai đoạn thực hiện dẫn đến Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 không thể hoàn thành đúng tiến độ dự kiến.

Về tiến trình, thủ tục gia hạn Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 sử dụng vốn đối ứng trong nước, UBND tỉnh Quảng Trị vẫn khó khăn về bố trí nguồn vốn (Đề xuất giảm quy mô dự án; thực hiện giải phóng mặt bằng theo 2 giai đoạn) và chưa xác định cụ thể về kinh phí, kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Ngày 14/9/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về công tác đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tại thông báo cuộc họp số 293/TB-BGTVT ngày 14/9/2023, Bộ GTVT đề nghị Tỉnh Quảng Trị “triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng theo phạm vi đã được Cục Đường bộ Việt Nam bàn giao, đồng thời có văn bản cam kết, bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng chậm nhất trước tháng 6 năm 2024”.

Tuy nhiên đến nay, UBND tỉnh Quảng Trị chưa có thông tin chính thức về công tác giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 gửi Bộ GTVT.

Cần Thơ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt 63% kế hoạch

Báo cáo tại cuộc họp cơ quan báo chí quý III/2023 và thông tin các hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương do UBND TP. Cần Thơ tổ chức vào chiều ngày 27/10, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Cần Thơ Võ Nhựt Quang cho biết, qua tổng hợp kết quả giải ngân vốn đầu tư công chi tiết theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, đến hết ngày 30/9/2023 là 5.381,626 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch vốn thực hiện được giao chi tiết năm 2023, gấp 1,78 lần về giá trị và tăng 21,7% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, có 7 nguồn vốn giải ngân trên 50% gồm: Nguồn thu vượt xổ số kiến thiết các năm trước đạt 100%; nguồn xổ số kiến thiết đạt 82,1%; nguồn tiền sử dụng đất đạt 76,4%; nguồn vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) đạt 69,7%; nguồn vốn ngân sách trung ương (vốn nước ngoài) đạt 67,1%; nguồn cân đối ngân sách địa phương đạt 63,4%; nguồn thu vượt tiền sử dụng đất đạt 51,9%.

Có 2 nguồn vốn giải ngân từ 20% đến dưới 50% gồm: Nguồn tồn quỹ ngân sách cấp thành phố năm 2022 đạt 31,8%; bội chi ngân sách địa phương (nguồn Chính phủ vay về cho vay lại) đạt 28,8%.

Có 1 nguồn vốn giải ngân dưới 20% (giao bổ sung từ tháng 7 năm 2023) là nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2022.

Phân theo cấp quản lý, cấp thành phố có 30 chủ đầu tư, giải ngân 3.934,097/6.506,380 tỷ đồng, đạt 60,5%, gấp 2,21 lần về giá trị và tăng 28,9% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 17 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 50%, 7 chủ đầu tư giải ngân từ 30%-50% và 6 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 30% (trong đó, có 2 chủ đầu tư chưa giải ngân).

Cấp quận, huyện giải ngân 1.447,529/2.029,440 tỷ đồng, đạt 71,3%, tăng 208,457 tỷ đồng về giá trị nhưng giảm 2,5% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022. Tất cả 9 quận, huyện đều có tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch vốn. Trong đó, có 4 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân trên 80% kế hoạch vốn (Ô Môn, Bình Thủy, Cờ Đỏ, Thốt Nốt).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Cần Thơ, mặc dù giải ngân vốn đầu tư công của thành phố cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (51,38%) và so với cùng kỳ (41,5%) nhưng vẫn còn nhiều công trình, Dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Quy hoạch Quảng Ninh: Điểm tựa cho sự bứt phá mới, bền vững hơn
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong vùng Đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, xác lập tầm nhìn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư