Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng mở rộng nhà ga Cảng hàng không Phú Quốc
Việt Hùng (Vietnam+) - 10/08/2015 07:20
 
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có báo cáo tiền khả thi dự án mở rộng nhà ga hành khách-Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Theo báo cáo của ACV, trong những năm gần đây, đặc biệt là khi Phú Quốc được công nhận là đô thị loại 2, cùng với việc mở nhiều đường bay quốc tế, các nhà đầu tư liên tục đầu tư vào Phú Quốc (chủ yếu là các khu resort nghỉ dưỡng và khách sạn) làm cho ngành du lịch của Phú quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến địa điểm này tăng trưởng nhanh chóng mà chủ yếu qua đường hàng không.

Kể từ năm 2012 khi đưa nhà ga mới vào khai thác, số lượt cất hạ cánh đã tăng thêm 446 lần chuyến bay/năm. Hiện nay lượng khách quốc nội chiếm đa số và sản lượng gia tăng hàng năm rất cao, từ 28-46%.

Tần suất các chuyến bay trực tiếp từ Hà Nội đến Phú Quốc cũng tăng cao. Hệ số ghế vận chuyển hành khách đang duy trì ở mức 90% và thực tế với kế hoạch bay như hiện nay của Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar thì tất cả các chuyến bay trong ngày đi Phú Quốc gần như đầy chỗ.

Tuy nhiên, báo cáo của ACV cũng đưa ra hạn chế của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là không có cầu ống lồng dẫn khách nên việc vận chuyển hành khách từ máy bay đến nhà ga (và ngược lại) đều được thực hiện bằng xe bus ở vị trí bãi đỗ xa nên thời gian vận chuyển hành khách chậm, gây khó khăn cho quá trình khai thác khi lưu lượng hành khách ngày càng tăng.

Ngoài ra, hiện nay, nhà ga đang bố trí 4 cửa ra (gate) tàu bay gồm 2 nội địa, 2 quốc tế trong khi tần suất các chuyến bay trong nước rất nhiều trong giờ cao điểm. Có lúc dồn ứ từ 4-5 chuyến bay (bay đi Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội), do đó diện tích phòng chờ bay và số cửa ra máy bay cho nội địa hiện nay rất thiếu.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV cho biết, theo tính toán dự báo thì sản lượng hành khách thông qua nhà ga hiện nay sẽ đạt công suất thiết kế vào khoảng năm 2017 (sớm hơn so với dự báo trước đây là vào năm 2020).

"Việc tăng trưởng nhanh này đang gây sức ép lên việc điều hành khai thác với cơ sở vật chất hiện hữu của nhà ga hành khách Phú Quốc. Vì vậy, việc tiến hành mở rộng nhà ga, đầu tư xây dựng thêm phòng chờ bay, cửa ra tàu bay là hết sức cần thiết để đáp ứng cho các năm tới,” ông Lê Mạnh Hùng cho hay.

Căn cứ vào nhu cầu đầu tư mở rộng nhà ga, ACV đã đề nghị Liên danh tư vấn CPG-PAE (Singapore-Mỹ)-là đơn vị lập dự án và thiết kế nhà ga Phú Quốc trước đây, tiến hành tính toán phương án bố trí thêm hành lang có gắn 4 cầu ống lồng cho nhà ga.

Nhà ga sau khi mở rộng sẽ có 12 cửa ra máy bay ra máy bay gồm 8 cửa ra cho nội địa và 4 cửa cho quốc tế. Phần công trình mở rộng được xây dựng về phía sân đậu máy bay khoảng 27m bao gồm các hạng mục chính là hành lang đi và đến chuyến bay nội địa, quốc tế nối liền với 4 cầu ống dẫn khách phù hợp các loại máy bay A 321, A 330, B 777 đồng thời bố trí lại phòng khách VIP ga nội địa về sát phía sân đậu; phòng thủ tục bay, phòng trực tiếp giáp sân đậu; diện tích cho công trình phụ như nhà vệ sinh hành khách, các phòng máy, phòng nhân viên trực tại tầng trệt…

Ngoài ra, với mặt bằng bố trí phòng chờ bay do tư vấn đề xuất thì có thể điều hành khai thác linh hoạt giữa các chuyến bay nội địa và quốc tế, nhất là khi lượng khách nội địa chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với lượng khách quốc tế.

Bên cạnh đó, năng lực phục vụ hành khách tăng lên 4 triệu khách (so với 2,65 triệu khách trước đó) nhằm tăng khả năng giải quyết số chuyến chờ bay, 4 băng chuyền hành lý.

Dự kiến, công trình này sẽ được lập dự án đầu tư thiết kế cơ sở và trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng vào tháng 9/2015; lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán từ tháng 10-12/2015 để có triển khai thi công từ tháng 32016, thời gian hoàn thành nhà ga Phú Quốc mở rộng là vào tháng 4/2017.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ký tờ trình Bộ Chính trị báo cáo việc thí điểm nhượng quyền khai thác thương mại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất lựa chọn cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để thực hiện thí điểm là do đây là cảng hàng không được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư bằng 100% nguồn vốn doanh nghiệp; quy mô không quá lớn và đã hoàn thành, đưa vào khai thác; không có căn cứ quân sự và không có hoạt động quân sự thường xuyên.

Hiện có 3 nhà đầu tư trong nước là Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng; ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T và doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP)-chủ đầu tư Tràng Tiền Plaza đã có văn bản gửi Bộ bày tỏ sự quan tâm, mong muốn được nhượng quyền khai thác càng hàng không Phú Quốc./.

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc công suất 2,6 triệu hành khách/năm, có đường hạ cất cánh rộng 45m, dài 3.000m, với 8 vị trí đậu cho máy bay A320-A321 vào giờ cao điểm, có thể tiếp nhận được tàu bay thân rộng loại Boeing 747.

Năm 2014, cảng hàng không Phú Quốc đạt sản lượng gần 800.000 hành khách, tăng khoảng 100.000 khách so với năm 2013, trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 30%.
Sun Group đầu tư dự án cáp treo, khu nghỉ dưỡng 10.000 tỷ đồng tại Phú Quốc
UBND tỉnh Kiên Giang vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) được thực hiện đầu tư Dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư