Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Đầu tư logistics: Sân chơi hút doanh nghiệp ngoại
Trọng Tín - Bích Ngọc - 05/10/2023 08:31
 
Thị trường logistics Việt Nam đang chứng kiến cuộc rượt đuổi của các nhà phát triển quốc tế với kế hoạch tỷ USD và các dự án quy mô lớn.

 

Tăng tốc đầu tư

Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay, trung tâm logistics đầu tiên của Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại tỉnh Quảng Ngãi sẽ hoàn thành và chính thức đi vào vận hành. Được xây dựng theo tiêu chuẩn Lotus của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, Dự án Sembcorp Logistics Park có quy mô 3 khối nhà kho đơn tầng hiện đại, với diện tích đất 6 ha và tổng diện tích sàn là 35.500 m2.

Với tổng vốn đầu tư hơn 17 triệu USD, dự án tích hợp đa dạng tính năng hiện đại, bao gồm hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động, sàn nâng, tải trọng sàn lớn, trần cao và an ninh quản lý trực tiếp 24/7. Một số giải pháp thân thiện môi trường cũng được áp dụng như tính năng tiết kiệm năng lượng và nguồn nước, hệ thống thu gom nước mưa, việc sử dụng vật liệu xây dựng có lượng carbon tiềm ẩn thấp như bê tông xanh, gạch không nung…

Ông Charles Chong, Giám đốc Sembcorp Việt Nam nhận xét, Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và tiếp tục là quốc gia sản xuất quan trọng ở khu vực châu Á. Với đà tăng trưởng tích cực của hoạt động sản xuất và thu hút đầu tư, cùng với kế hoạch nâng cấp hạ tầng của Chính phủ, miền Trung hứa hẹn sẽ trở thành khu vực phát triển tiếp theo của cả nước.

Sembcorp không còn là cái tên xa lạ trên thị trường bất động sản công nghiệp và logistics. Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1996 thông qua việc bắt tay với Tập đoàn Becamex IDC để thành lập Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), cho đến nay, VSIP đã phát triển 14 khu công nghiệp ở 14 tỉnh, thành phố và hiện vẫn tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động.

Mới đây nhất, vào giữa tháng 9/2023, VSIP khởi công VSIP Cần Thơ trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. VSIP Cần Thơ được quy hoạch tổng diện tích 900 ha, trong đó giai đoạn I có diện tích hơn 293 ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.717 tỷ đồng. Dự án được định hướng xây dựng theo mô hình khu công nghiệp thông minh và bền vững, với mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam. Thiết lập mạng lưới logistics “từ trung tâm đến cảng” và hạ tầng cơ sở vật chất phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư.

Tương tự, FM logistics - công ty cung cấp dịch vụ hậu cần đến từ Pháp cũng đang tăng cường đầu tư và đẩy mạnh chiến lược phát triển mô hình dịch vụ đa kênh tại Việt Nam. Ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành FM logistics Việt Nam nhận định, Việt Nam có tiềm năng trong đầu tư đất công nghiệp, tuy nhiên, hiện tại, các doanh nghiệp dịch vụ nội địa đa phần còn theo hình thức truyền thống, chưa mang lại nhiều giá trị cao trong lĩnh vực logistics.

Với lợi thế về hiện đại hóa, kỹ thuật hóa mà bản thân FM logistics có được, trong 3 năm tới, FM logistics muốn trở thành một trong 3 nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam.

Tham vọng này là có cơ sở, khi trước đó, vào năm 2019, FM cũng đánh dấu quy mô đầu tư bằng việc xây dựng trung tâm phân phối trị giá 25 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh.

Ông Hamza Harti cho biết, hàng hóa chủ yếu mà doanh nghiệp này phục vụ là tiêu dùng nhanh, bán lẻ (chiếm 80% thị phần khách hàng của FM ở Việt Nam). Tuy nhiên, thời gian tới sẽ mở rộng đa dạng hóa đối tượng khách hàng, hàng hóa trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, hàng công nghiệp và hàng mỹ phẩm trên thị trường.

Trong khi đó, DHL Express - thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực logistics cũng vừa ký kết hợp đồng dịch vụ GoGreen Plus với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Dịch vụ này của DHL giúp giảm lượng khí thải carbon cho các lô hàng chuyển phát nhanh quốc tế (TDI) thông qua việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Việc giảm thiểu dấu chân carbon không chỉ đơn thuần là lựa chọn cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà đã trở thành quyết định then chốt để bảo vệ môi trường và duy trì năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, khi xét đến chuỗi giá trị của doanh nghiệp, bao gồm hoạt động vận tải và phân phối, logistics mang tính bền vững đóng vai trò không thể thiếu. Với dịch vụ GoGreen Plus, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước có thể tận dụng nhiên liệu hàng không bền vững nhằm triển khai hoạt động vận chuyển thân thiện với môi trường hơn.

Cơ hội đang rộng mở

“Việt Nam là một ứng viên sáng giá, có thể trở thành trụ sở chính cho các trung tâm phân phối vùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong dài hạn. Với vị trí chiến lược, hạ tầng phát triển, chi phí lao động và vận hành cạnh tranh, Việt Nam mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn thành lập hoặc mở rộng hoạt động của mình tại châu Á”, ông Hamza Harti nhận định về tiềm năng trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam.

Nhìn nhận về cơ hội của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, ông Michael Kokalari, Giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường tại VinaCapital đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành dịch vụ logistics phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng còn phân tán, rời rạc. Song chính điều này mang đến cơ hội hấp dẫn cho các quỹ đầu tư vào công ty tư nhân cũng như các nhà đầu tư khác có khả năng giúp doanh nghiệp trong nước tăng trưởng doanh thu - lợi nhuận bằng cách áp dụng các kinh nghiệm quốc tế tốt nhất.

Theo ông Kokalari, các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics của Việt Nam cần đầu tư nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong phân khúc có tính phân tán cao. Ví dụ, các công ty vận tải chiếm khoảng 2/3 tổng số doanh nghiệp trong ngành, nhưng hơn 80% công ty vận tải đường bộ ở Việt Nam có quy mô đội xe dưới 5 chiếc và ước tính khoảng 70% số xe tải giao hàng quay về trạm với thùng rỗng.

Chuyên gia của VinaCapital cho rằng, có ba chiến lược đầu tư tiềm năng. Thứ nhất, là đầu tư vào các công ty logistics hàng đầu để phát triển thành một nền tảng tích hợp có thể cung cấp cho khách hàng lợi thế về mặt chi phí. Thứ hai, là xác định các tài sản cụ thể cần vốn để nâng cấp hoặc có thể được tái sử dụng và thúc đẩy tăng trưởng bằng cách tăng sự hiệu quả trong vận hành. Thứ ba, là mua bán và sáp nhập (M&A).

“Việc áp dụng những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất, chẳng hạn số hóa cùng với việc tăng vốn là rất quan trọng đối với các chiến lược này. Trong đó, việc bơm vốn là cần thiết nếu chiến lược của nhà đầu tư là tăng năng lực của công ty bằng cách bổ sung xe tải cho một công ty vận tải đường bộ hoặc đầu tư thêm cần cẩu hay thiết bị hạng nặng cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở kho cảng”, ông Kokalari nói.

Ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.

“Các cơ hội chính trong ngành logistics bao gồm dịch vụ giao hàng chặng cuối và triển khai hệ thống logistics 4.0. Sự thiếu hụt về cơ sở vật chất kho lạnh là điểm các chủ đầu tư có thể tận dụng phát triển thêm dự án mới, tăng nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư”, ông John Campbell nói thêm.

VIMC phát triển chuỗi logistics bền vững
Hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải là 3 lĩnh vực cốt lõi được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tập trung phát triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư