Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
VIMC phát triển chuỗi logistics bền vững
phương linh - 02/10/2023 12:55
 
Hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải là 3 lĩnh vực cốt lõi được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tập trung phát triển bền vững.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai

Chia sẻ tại Tọa đàm: “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới” sáng 26/9, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIMC cho biết, doanh nghiệp đã quyết liệt thực hiện tái cấu trúc và đạt được những kết quả tích cực như  tái cơ cấu tài chính và sản xuất, kinh doanh tại Cảng container quốc tế SP-PSA, mang về lợi nhuận tài chính gần 1.500 tỷ đồng. Đàm phán thành công với các ngân hàng trong việc tái cơ cấu khoản vay hơn 100 triệu USD. Đây là những con số rất đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ông Trung cho biết thêm, VIMC đã và đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế nhằm đầu tư các dự án trong cả 3 lĩnh vực chính, đặc biệt theo định hướng của Chính phủ để phát triển các hệ thống cảng nước sâu, hệ thống logistics trên toàn quốc.

Số liệu thống kê của VIMC cho thấy, có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty giai đoạn 2018-2022: sản lượng hàng thông qua cảng tăng với tốc độ bình quân 7,34%/năm; doanh thu toàn Tổng công ty tăng với tốc độ bình quân 4,01%/năm; lợi nhuận toàn Tổng công ty tăng với tốc độ bình quân 152,46%/năm. Mặc dù doanh thu không tăng nhiều, nhưng lợi nhuận tăng mạnh, đặc biệt trong các năm 2021, 2022, do thị trường vận tải biển khởi sắc, giá cước vận tải biển tăng cao, Tổng công ty và các doanh nghiệp vận tải biển đã kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh, đàm phán với khách hàng tăng giá cước vận chuyển.

Tổng nợ phải trả giảm với tốc độ giảm bình quân là 6,94%/năm do Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên thực hiện trả nợ, cơ cấu nợ tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Nhờ Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên kinh doanh hiệu quả, có lãi trong những năm gần đây, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tăng với tốc độ tăng bình quân là 12,11%/năm.

Trong các năm 2018-2022, toàn Tổng công ty đều kinh doanh có lãi với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế bình quân đạt 1.686 tỷ đồng/năm. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) bình quân đạt 5,03%/năm và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 11,10%/năm.

Các chỉ tiêu đạt được nêu trên đã phản ánh tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP có hiệu quả.

Chia sẻ về định hướng phát triển của VIMC trong giai đoạn tới, ông Trung cho biết, sẽ phát triển kinh doanh 3 lĩnh vực cốt lõi gồm: vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Trong lĩnh vực vận tải biển, thì vận tải hàng container đóng vai trò kết nối với mạng lưới hạ tầng cảng biển và dịch vụ hàng hải trong chuỗi dịch vụ logistics tích hợp của Tổng công ty, còn vận tải biển hàng khô, hàng rời sẽ phát triển các tuyến vận tải biển xa sang các thị trường có hiệu quả cao.

Trong mảng cảng biển: các cảng biển nắm giữ vai trò trụ cột, là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của chuỗi dịch vụ logistics trong hệ sinh thái của Tổng công ty. Các cảng cho tàu trọng tải lớn tại khu vực Bắc, Trung, Nam giữ vai trò dẫn dắt; các cảng biển Sài Gòn, Nghệ Tĩnh, Quy Nhơn, Cam Ranh, Cần Thơ, Hậu Giang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, là cánh tay nối dài cho các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện - Hải Phòng và Cần Giờ - TP.HCM.

Với mảng dịch vụ hàng hải, VIMC định hướng khép kín chuỗi dịch vụ logistics một cách toàn diện và tích hợp trên nền tảng công nghệ số trong hệ sinh thái trên cơ sở phối hợp các đơn vị cảng biển, vận tải biển.

Để đạt mục tiêu trên, hoạt động đầu tư sẽ được Tổng công ty chú trọng coi là động lực cho phát triển. Trong đó, phát triển đội tàu thế hệ mới, chuyên dụng, có tính năng kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường, chuyển dịch cơ cấu đội tàu theo hướng tăng trọng tải tàu hàng container. Đầu tư phát triển về chiều sâu đối với các cảng hiện hữu, hoàn thành các dự án trọng điểm, cấp thiết về cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị nhằm tăng lợi thế về quy mô; tập trung nguồn lực và huy động nguồn lực thông qua việc liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với các đối tác lớn để đầu tư xây dựng mới các cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế.

VIMC cũng chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kho bãi, ICD, depot… hình thành các trung tâm logistics lớn tại các khu vực kinh tế trọng điểm.

Đặt mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, đồng hành cùng sự phát triển của nền kinh tế đất nước.  

VIMC và Adani bắt tay hợp tác nghiên cứu đầu tư các dự án cảng biển và logistics
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC và Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani (Ấn Độ) vừa ký biên bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác phát triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư