Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 05 năm 2024,
VIMC đặt mục tiêu trở thành tập đoàn logistics đường biển tích hợp số 1 Việt Nam
Anh Minh - 02/09/2023 17:34
 
Đây là mục tiêu được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC đặt ra trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Tàu PANAY với chiều dài 172m, trọng tải 24.400 DWT đã cập và khai thác tại chi nhánh Cảng Tân Vũ vào lúc 15h30 ngày 14/08/2023. Chuyến tàu thuộc tuyến dịch vụ HSF1 vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng theo tuyến hành trình Singapore – Hải Phòng – Đà Nẵng – Qui Nhơn – Singapore với tần suất 3 chuyến/tháng.
Tàu PANAY dài 172m, trọng tải 24.400 DWT đã cập và khai thác tại chi nhánh Cảng Tân Vũ, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (đơn vị thành viên của VIMC) hôm 14/8/2023. Đây là chuyến tàu thuộc tuyến dịch vụ HSF1 vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng theo tuyến hành trình Singapore – Hải Phòng – Đà Nẵng – Qui Nhơn – Singapore với tần suất 3 chuyến/tháng.

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT VIMC vừa ký ban hành Nghị quyết số 349/NQ – HĐQT về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP.

Hướng tới vị trí số 1 của ngành hàng hải Việt Nam

Trong năm 2023, VIMC đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng (87% thực hiện 2022); doanh thu công ty mẹ đạt 2.024 tỷ đồng (84% thực hiện 2022); lợi nhuận hợp nhất 2.330 tỷ đồng (76% thực hiện 2022); lợi nhuận Công ty mẹ đạt 310 tỷ đồng (47% thực hiện 2022)

Theo đó, về tầm nhìn đến năm 2035, VIMC trở thành tập đoàn logistics đường biển tích hợp số 1 của Việt Nam, hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có phạm vi hoạt động toàn cầu, phát triển trên nền tảng ba trụ cột chính là cảng biển, vận tải biển và logistics toàn cầu.

Trong giai đoạn 2021-2030, VIMC sẽ tập trung phát triển kinh doanh 3 lĩnh vực gồm: vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Phát triển dịch vụ chuỗi logistics tích hợp trên nền tảng hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải. Trong đó, lĩnh vực cảng biển đóng vai trò cốt lõi, trọng yếu; lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là vận tải container đóng vai trò kết nối để hình thành chuỗi dịch vụ logistics tích hợp cung cấp cho khách hàng.

Đến năm 2025, VIMC phấn đấu trở thành đơn vị hàng đầu trong cung cấp dịch vụ chuỗi logistics tích hợp tại Việt Nam trên cơ sở khai thác tối ưu và tạo lập những lợi thế cạnh tranh hiện hữu và tiềm tàng.

Đến năm 2025, doanh thu hợp nhất của VIMC đạt 13.081 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.083 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu hoạt động khai thác cảng là nguồn thu chủ lực, chiếm 65% tổng doanh thu, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,6%/năm. Doanh thu hoạt động vận tải biển chiếm 27% tổng doanh thu. Doanh thu hoạt động dịch vụ hàng hải chiếm 12% tổng doanh thu.

Đến năm 2030, VIMC sẽ giữ vị trí số 1 của ngành hàng hải Việt Nam, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh cao trong khu vực Châu Á và có phạm vi hoạt động toàn cầu.

Đối với lĩnh vực vận tải biển, đến năm 2025, đội tàu của VIMC đạt trọng tải khoảng 1,5 triệu DWT, chiếm khoảng 20% trọng tải đội tàu biển Việt Nam; trong đó, phát triển đội tàu container đạt trọng tải khoảng 200.000 DWT (16.000 - 20.000 Teu), tương đương 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam; sản lượng hàng container nội địa đạt 25% thị phần, giữ vị trí số 1 của vận tải biển container nội địa.

Bình quân giai đoạn 2021-2025, sản lượng vận tải biển của VIMC đạt khoảng 17,7 triệu tấn/năm; doanh thu vận tải biển đạt khoảng 4.543 tỷ đồng/năm với tốc độ giảm trung bình khoảng 10%/năm do Tổng công ty tiếp tục bán, thanh lý tàu; lợi nhuận vận tải biển đạt khoảng 770 tỷ đồng/năm.

Đối với lĩnh vực cảng biển, VIMC đặt mục tiêu đến năm 2025, công suất hệ thống cảng biển đạt khoảng 150 triệu tấn thông qua, tổng chiều dài cầu bến đạt khoảng 15km, trong đó, hệ thống cảng cho tàu trọng tải lớn có tổng số 8 bến, chiều dài 2,5km, công suất 20 triệu tấn/năm.

Bình quân giai đoạn 2021-2025, sản lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển VIMC đạt khoảng 136 triệu tấn/năm; doanh thu khai thác cảng biển đạt khoảng 7.415 tỷ đồng/năm với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,6%/năm; lợi nhuận khai thác cảng biển đạt khoảng 1.970 tỷ đồng/năm.

Đối với lĩnh vực dịch vụ hàng hải, VIMC phấn đấu đến năm 2025, hệ thống cơ sở hạ tầng logistics của VIMC gồm: kho, bãi, trung tâm phân phối hàng hoá, đội xe vận tải bộ, sà lan với tổng diện tích kho, bãi khoảng 750.000 m2, đội xe gồm 175 chiếc, sà lan từ 5-10 chiếc cỡ từ 64 teus đến 300 teus.

Bình quân giai đoạn 2021-2025, doanh thu dịch vụ hàng hải đạt khoảng 1.978 tỷ đồng/năm với tốc độ giảm trung bình 7,6%/năm do Tổng công ty thoái giảm vốn tại một số doanh nghiệp, một số dự án hạ tầng logistics đang trong giai đoạn đầu tư nên chưa khai thác và phát huy hiệu quả; lợi nhuận dịch vụ hàng hải đạt khoảng 52 tỷ đồng/năm.

ảng SSIT đón thành công tàu MSC ADONIS của tuyến dịch vụ nội Á mới – tuyến Shikra. Đây là tuyến dịch vụ container được khai thác bởi hãng tàu MSC (Mediterranean Shipping Company), MSC là hãng tàu container lớn nhất thế giới và là một trong những doanh nghiệp toàn cầu hàng đầu về lĩnh vực vận chuyển và logistics có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ.
Cảng SSIT (đơn vị có vốn góp của VIMC) đón thành công tàu MSC ADONIS của tuyến dịch vụ nội Á mới – tuyến Shikra hôm 1/ /7/2023. Đây là tuyến dịch vụ container được khai thác bởi hãng tàu MSC (Mediterranean Shipping Company), MSC là hãng tàu container lớn nhất thế giới và là một trong những doanh nghiệp toàn cầu hàng đầu về lĩnh vực vận chuyển và logistics có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ.

Cảng biển giữ vai trò là trụ cột, đòn bẩy

Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025, VIMC đặt mục tiêu là đơn vị hàng đầu trong cung cấp dịch vụ chuỗi logistics tích hợp tại Việt Nam trên cơ sở khai thác tối ưu và tạo lập những lợi thế cạnh tranh hiện hữu và tiềm tàng.

Cụ thể, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, VIMC tập trung phát triển hệ sinh thái tích hợp, kết nối hoạt động cảng biển - vận tải biển - dịch vụ logistics trong đó, cảng biển phát huy tối đa vai trò là trụ cột, đòn bẩy, động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc của VIMC.

Đối với hoạt động đầu tư, VIMC sẽ phát triển các cảng cho tàu trọng tải lớn, cảng trung chuyển quốc tế, hình thành các trung tâm logistics lớn của VIMC; phát triển đội tàu thế hệ mới với công nghệ hiện đại, tính năng kỹ thuật tốt, thân thiện với môi trường; mở rộng phát triển đội tàu container.

Về việc huy động nguồn lực cho hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư phát triển sẽ được VIMC thực hiện thông qua việc tái cơ cấu tài chính, huy động vốn thông qua các hình thức, đảm bảo đầy đủ nguồn vốn, sử dụng nhiều hình thức huy động vốn, đa dạng hóa các nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn.

Các hoạt động tái cơ cấu (thông qua tái cấu trúc, sắp xếp lại các doanh nghiệp, nguồn nhân lực, tài chính, quản trị doanh nghiệp, công nghệ) nhằm mục đích huy động hiệu quả nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Trước đó, nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại VIMC đã có báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xin ý kiến về Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2015 - 2025.

Đây là lần thứ hai trong khoảng 10 năm trở lại đây, VIMC triển khai Đề án cơ cấu lại tổng thể đơn vị trên ba trụ cột chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải.

Tại Dự thảo Đề án gửi đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, VIMC đề xuất giảm tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại Công ty mẹ - VIMC từ 99,47% hiện nay xuống 65%; giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần nhà nước tại 5 công ty vận tải biển, trong đó có 4 đơn vị thoái toàn bộ vốn góp; thoái một phần vốn nhà nước tại 7 công ty kinh doanh, khai thác cảng biển; thoái toàn bộ vốn góp nhà nước tại 3 doanh nghiệp dịch vụ hàng hải - logistics và một phần vốn góp nhà nước tại 1 công ty dịch vụ hàng hải - logistics.

Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng giai đoạn 2021-2025 tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ cần đảm bảo tối thiểu như hiện tại (99,47%).

Lý do được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra bởi cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh và an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo, tăng cường hợp tác quốc tế về biển, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, VIMC là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh trên ba lĩnh vực: vận tải biển, cảng biển, logistics với mạng lưới rộng khắp cả nước, đồng thời định hướng, xây dựng mạng lưới khu vực và toàn cầu; quản lý trực tiếp và gián tiếp 14 cảng biển có vị trí địa lý quan trọng, liên quan đến quốc phòng-an ninh quốc gia. Trong đó có hai cảng biển đặc biệt, 12 cảng biển loại I.

Hiện tại, hoạt động sản xuất kinh doanh của VIMC ổn định và tăng trưởng, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 230 tỷ đồng, sáu tháng đầu năm 2022 tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, lợi nhuận trước thuế đạt 525,5 tỷ đồng, tăng 119% so với kế hoạch năm 2022.

Lý do nữa là VIMC phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị; tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử... tại doanh nghiệp.

Mặt khác, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản số 282/UBQLV-TH ngày 12/9/2022 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục duy trì tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại Công ty mẹ-VIMC như hiện nay là 99,47% trong giai đoạn 2021 -2025, đảm bảo phù hợp với quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư