Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư phát triển công nghệ là "chìa khóa" cho thành công của doanh nghiệp
P.H - 03/12/2018 06:35
 
Thời gian gần đây, quy mô vốn và doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng tăng trưởng vượt bậc, nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận lại không theo kịp bước tiến này.

Khi lợi nhuận không theo kịp quy mô vốn và doanh thu

Theo Tổng cục Thống kê, quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 đạt 51,6 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 5,8 tỷ đồng/doanh nghiệp so với năm 2011. Năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã tăng vốn hoặc có kế hoạch tăng vốn khủng với mức tăng từ vài chục phần trăm tới vài chục lần. 

.

Doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp năm 2016 theo giá hiện hành đạt 17.858 ngàn tỷ đồng, tăng 71,6% so với năm 2011. Bình quân doanh thu của doanh nghiệp giai đoạn 2000 - 2015 tăng 21,6%/năm, nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cùng giai đoạn lại chỉ tăng 7,5%/năm. Những con số này gióng lên hồi chuông cảnh báo về “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt. 

Chỉ số về lợi nhuận tăng trưởng thấp, ngược với xu hướng gia tăng về vốn và quy mô cho thấy thực tế, nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của các khu vực doanh nghiệp nói riêng, tuy phát triển khá nhanh, nhưng chủ yếu tăng trưởng về vốn, lao động; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, sử dụng công nghệ lạc hậu nên lợi nhuận thấp.

Giải pháp tăng hiệu quả kinh doanh

Giải pháp hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là tăng đầu tư phát triển công nghệ, nâng cao năng lực về công nghệ. Nhiều ví dụ thực tiễn cho thấy, chìa khóa thành công của doanh nghiệp chính là “công nghệ, công nghệ và công nghệ”.

Nghiên cứu Sự chuyển đổi của doanh nghiệp nhỏ và vừa khối ASEAN cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam tự tin tăng trưởng doanh thu trong năm nay. 

Cụ thể, 2/3 doanh nghiệp dự kiến có doanh thu tiếp tục tăng trong năm 2018. Đặc biệt, có đến 34% doanh nghiệp dự báo đạt mức tăng trưởng hai chữ số. Cứ 2 trong số 3 doanh nghiệp được hỏi chú trọng đầu tư vào công nghệ thay vì các lĩnh vực đầu tư truyền thống như nhà xưởng, máy móc. Trong số này, 71% doanh nghiệp dự kiến đầu tư vào phần mềm như ứng dụng di động, tiếp thị kỹ thuật số...

Theo khảo sát mới đây, hầu hết nhóm doanh nghiệp được hỏi đều ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0. Cụ thể, 65,7% doanh nghiệp đang chi cho đổi mới công nghệ; 48,6% lựa chọn số hóa hoạt động quản trị; 45,7% phát triển kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng qua công nghệ số... 

Giải pháp tiếp theo để nâng hiệu quả kinh doanh là tập trung vào các sản phẩm mang lại lợi nhuận cao, bởi đây chính là “nguồn tiền” cho các doanh nghiệp. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt có thể phải đưa ra các chiến lược đổi mới sáng tạo. 

Kiểm soát chi phí cũng là một giải pháp quan trọng. Nếu ví doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh thu cao như con thuyền lớn, thì các khoản chi không hiệu quả chính là những chỗ rò rỉ trên thuyền cần phát hiện và loại bỏ càng sớm càng tốt. 

Đặc biệt, doanh nghiệp cần thay đổi mô hình quản trị, đổi mới điều hành kinh doanh, thậm chí là tái cơ cấu, tái lập doanh nghiệp. 

Ví dụ điển hình là Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VinaPhone) với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 21% trong năm 2017 - mức cao nhất so với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực. Kinh nghiệm thành công của VinaPhone là thay đổi mạnh mẽ mô hình quản trị, đổi mới cách điều hành kinh doanh với việc ứng dụng công cụ quản trị BSC, đặc biệt là sáng tạo ra các dịch vụ tiên phong, đem lại lợi ích và chi phí tiết kiệm tối đa cho khách hàng cùng hạ tầng mạng lưới mạnh mẽ, rộng khắp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư