Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Để CN hỗ trợ Việt ghi điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Bảo Trâm - 04/08/2013 14:01
 
Những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo được giới thiệu tại 3 cuộc triển lãm về công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao và công nghệ chế tạo phụ tùng sẽ góp phần tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển. Thành lập Khu công nghiệp phụ trợ FUJI

Trong một động thái gần đây nhất, Reed Tradex - công ty chuyên tổ chức triển lãm hàng đầu của Thái Lan cùng với Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác tổ chức “Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2013” tại Hà Nội vào tháng 9.

Họp báo triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản

Triển lãm này được tổ chức cùng với 3 triển lãm khác, là “Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản”, “Triển lãm Công nghệ cao Nhật Bản” và “Triển lãm Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam”.

Theo ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó giám đốc Công ty Reed Tradex, đã có hơn 200 công ty đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia các cuộc triển lãm trên nhằm giới thiệu những công nghệ sản xuất, chế tạo hiện đại nhất tới thị trường Việt Nam.

“Từ 7 năm trước, khi Reed Tradex quyết định tổ chức triển lãm quốc tế về máy móc và công nghệ dành cho công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ đối tác vững chắc với nhiều hiệp hội quan trọng và nhà cung cấp công nghệ hàng đầu để giới thiệu máy móc tiên tiến tới các nhà công nghiệp, giúp họ có thể tham quan, trải nghiệm và thử nghiệm trực tiếp các trình diễn máy móc và công nghệ”, ông Yuaikwarmdee nói.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn than phiền về sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Chẳng hạn, các cuộc khảo sát về môi trường đầu tư Việt Nam của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) gần đây đều chỉ ra rằng, công nghiệp hỗ trợ yếu đang là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều công ty Nhật Bản đầu tư sang các nước khác, như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia, thay vì đầu tư vào Việt Nam.

Đánh giá về các cuộc triển lãm sắp tới, bà Đào Thu Vịnh, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội tin rằng, các cuộc triển lãm này sẽ có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai gần.

“Chúng tôi hợp tác với Công ty Reed Tradex tổ chức triển lãm về công nghiệp hỗ trợ để giúp công nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu cũng như cách thức quản lý và sắp xếp để có thể theo kịp xu hướng mới”, bà Vịnh nói.

Cũng theo bà Vịnh, các triển lãm trên sẽ giới thiệu những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có ảnh hưởng mạnh mẽ trong ngành. Ngoài ra, Triển lãm còn có các buổi thuyết trình sản phẩm cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Các cuộc triển lãm lần này tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước giao thương, tìm kiếm đối tác. Trong khi nhiều công ty nước ngoài trình diễn công nghệ mới mà họ muốn cung cấp tại thị trường Việt Nam, thì các công ty trong nước tham gia Triển lãm cũng có dịp giới thiệu khả năng của mình để tìm kiếm đối tác.

Đặc biệt, đối với các công ty Nhật Bản, đây lại là cơ hội để tìm đối tác Việt Nam có khả năng cung cấp cho họ những sản phẩm phụ trợ ngay tại thị trường trong nước, thay vì phải nhập khẩu.

“Khi các công ty FDI ngày càng sử dụng nhiều phụ tùng sản xuất trong nước hơn, thì càng tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Tôi kỳ vọng vào tiềm năng của các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, bởi tới đây, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015, nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ rất lớn”, ông Yuaikwarmdee nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư