Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 20 tháng 11 năm 2024,
Đề nghị công khai tiến độ, trách nhiệm người đứng đầu khi cổ phần thoái, thoái vốn
Kỳ Thành - 02/11/2019 13:27
 
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), vấn đề xác định giá đất dẫn tới chậm cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước không không phải do doanh nghiệp mà vì các cơ quan chính quyền làm chậm, nhưng trách nhiệm này chưa được làm rõ.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình

Phát biểu trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Quốc Bình, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã đưa ra nguyên nhân dẫn tới cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước chậm trong thời gian qua. Ý kiến này được chú ý bởi ông Bình là cựu Chủ tịch CTCP Hanel - doanh nghiệp đang tiến hành thoái vốn Nhà nước.

Theo Bộ Tài Chính, từ năm 2017 đến nay (2019), đã cổ phần hóa 35/127 doanh nghiệp theo kế hoạch (đạt 28%), số còn phải cổ phần hóa là 92 doanh nghiệp (tương ứng 72% kế hoạch). Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, trong giai đoạn này sẽ thoái vốn tại hơn 400 doanh nghiệp Nhà nước. Trong số đó, năm 2018 phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp, năm 2019 thoái vốn tại 62 doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2018, việc thoái vốn mới thực hiện tại 54 doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2019 chưa có doanh nghiệp nào thực hiện thoái vốn, chưa kể 127 doanh nghiệp đọng lại từ năm 2018 đều phải khẩn trương thoái vốn.

Với tiến độ rất chậm như hiện nay thì hết năm 2020, việc hoàn thành cổ phần hóa và thoái vốn theo kế hoạch của Chính phủ và thực hiện theo Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương cần phải có những giải pháp dứt điểm và quyết liệt, ông Bình nói.

Phân tích nguyên nhân chính làm cho quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước chững lại, ông Bình cho biết là do việc đánh giá lợi thế quyền thuê đất.

Theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP năm 2018, cơ quan có thẩm quyền xác định giá đất là UBND các tỉnh/thành phố. Các doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn đa số có đất tại nhiều tỉnh thành, quá trình các địa phương xác định giá đất kéo dài rất lâu. Vì đây là vấn đề khá nhạy cảm nên đa số các cơ quan chức năng tại các địa phương lại chờ hướng dẫn từ các bộ ngành trung ương nên thời gian càng kéo dài.

“Như vậy, vấn đề không phải vì doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn chậm mà vì các cơ quan chính quyền làm chậm, nhưng trách nhiệm này cũng chưa được làm rõ”, ông Bình nói.

Theo vị đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, việc chậm trễ trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước gây ra nhiều thiệt hại không nhỏ cho Nhà nước và doanh nghiệp. Do đó, ông đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đột phá quyết liệt, triệt để, tháo gỡ nút thắt vướng mắc hiện nay trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước này bằng những hướng dẫn cụ thể.

Đồng thời, ông Bình đề nghị công khai tiến độ triển khai, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn (trước tiên là của người đứng đầu) để Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát.

Bắt buộc thực hiện kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn
“Có thể không hoàn thành được mục tiêu cổ phần hóa (CPH), thoái vốn trong giai đoạn 2017 - 2020, nhưng kế hoạch đã đặt ra bắt buộc phải thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư