Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Đề nghị đưa an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập vào dự thảo văn kiện Đại hội
An Nguyên - 03/11/2020 15:12
 
Hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, không bảo đảm khả năng thoát lũ, mà chưa có nguồn vốn để sửa chữa.
.
An ninh nguồn nước, an toàn hồ đập là một trong những nội dung được thảo luận tại kỳ họp này của Quốc hội .

Sáng 3/11 Quốc hội bắt đầu thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, một điểm đổi mới trong quá trình thảo luận tại hội trường của kỳ họp là Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có báo cáo bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo bằng hình ảnh qua 2 video clip kết quả giám sát về nội dung rất được quan tâm hiện nay là vấn đề an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ đập.

Theo báo cáo kết quả giám sát an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập của Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên nguồn tài nguyên nước khá phong phú. Báo cáo các cơ quan chức năng cho biết hiện cả nước có khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ m3/năm, trong đó có khoảng 63% lượng nước sản sinh từ ngoài lãnh thổ chảy vào Việt Nam và 37% lượng nước sản sinh trong nội địa.

Tuy nhiên, lượng nước trên các sông, suối đang có xu hướng giảm mạnh do suy giảm thảm phủ thực vật, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan  và nước biển dâng. Mực nước của nhiều sông hiện đang giảm ở mức thấp nhất trong 30- 40 năm trở lại đây (có thể thấy rõ trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn theo quan trắc của Nhà máy thủy điện A Vương).

Đáng chú ý, trữ lượng nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ. Việt Nam là quốc gia nằm ở cuối nguồn của nhiều dòng sông lớn như sông Hồng, Sông Mê Kông, khoảng 63% lượng nước của Việt Nam xuất phát từ các sông liên quốc gia chảy vào, chỉ có 37% sản sinh trên lãnh thổ. Do vậy, lượng nước chịu tác động lớn của các quốc gia đầu nguồn.

Kết quả giám sát còn cho thấy, chất lượng rừng đang suy giảm, rừng giàu chỉ chiếm tỷ lệ 15% , rừng trung bình chiếm 55%, còn lại là rừng nghèo và nghèo kiệt nên hiệu quả giữ nước, điều tiết nguồn nước mặt còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn. Bên cạnh đó, việc khai thác trắng, trồng các loại cây không có khả năng trữ nước như keo lai, cao su, cây công nghiệp dài ngày...cũng làm giảm khả năng giữ nước cho các lưu vực sông.

Về quản lý an toàn hồ đập, theo kết quả giám sát, hiện trên cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3; trong đó, có 429 đập, hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3; 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trên 14,5 tỷ m3.

Hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp  không bảo đảm khả năng thoát lũ, mà chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp bách; 65/888 hồ chứa nước lớn phải kiểm tra lại khả năng thoát lũ để bảo đảm an toàn công trình; nhiều hồ chứa vừa và nhỏ không có khả năng chống lũ, nhiều hồ có tràn bằng đất...nên chưa đáp ứng được khả năng thoát lũ theo quy chuẩn mới.

Để có định hướng chiến lược, tập trung nguồn lực để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu của an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường  đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng xem xét, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đưa nội dung an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập vào trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng để định hướng chỉ đạo, giải pháp tổng thể và nguồn lực đủ mạnh cho vấn đề này.

Cơ quan giám sát cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội để xem xét đưa nội dung về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập vào Nghị quyết kinh tế - xã hội của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 làm cơ sở cho việc thực hiện vấn đề rất quan trọng, cấp thiết này và chỉ đạo Chính phủ xây dựng lộ trình thực hiện.

Đề nghị tiếp theo của cơ quan thẩm tra là bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư, nâng cấp sửa chữa bảo đảm an toàn cho hồ, đập để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du; xem xét đưa vào kế hoạch 5 năm 2021-2025 những mục tiêu cấp bách; bố trí nguồn lực từ kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm thực hiện ngay các mục tiêu, cơ chế để đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập với một số nhiệm vụ cấp bách, cần thiết.

Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước
Chuẩn bị kiến nghị cốt lõi nhất của an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ đập gửi Tiểu ban Văn kiện để trình Đại hội đại biểu toàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư