Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Đề xuất học phí đại học công lập tăng mạnh: Đảm bảo đầu tư giáo dục hay tăng gánh nặng xã hội?
D.Ngân - 25/09/2023 09:55
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 là từ 1,2 triệu đến 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 bằng mức trần học phí năm học 2022 - 2023 tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 81). Theo quy định này, khung học phí sẽ lùi 1 năm so với Nghị định 81 và lùi đến năm học 2026 - 2027.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 là từ 1,2 triệu đến 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành.

Theo đề xuất trên, mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35 - 2,76 triệu đồng như Nghị định 81. 

Như vậy, đề xuất của Bộ đưa ra tăng 220 nghìn đến 1,02 triệu đồng. Mức thu hiện nay là từ 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng. Mức này thấp hơn quy định tại Nghị định 81 (từ 1,35 triệu đến 2,76 triệu đồng/tháng). 

Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tương đương khoảng từ 2,4 đến 6,15 triệu đồng/tháng.

Theo tờ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên các quy định về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục.

Với đề xuất trên một số ý kiến lo ngại, nếu áp dụng theo Nghị định 81, thì mức trần học phí giáo dục đại học công lập năm học 2023 - 2024 sẽ tăng bình quân 45,7% so với năm học 2022 - 2023, đặc biệt khối ngành Y Dược tăng 93%, khối ngành Nhân văn, khoa học xã hội tăng 53%; mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp công lập tăng bình quân 82% so với năm học 2022 - 2023.

Thậm chí, có khối ngành tăng lên gần 100% so với các năm học trước (2020 - 2021, 2021 - 2022, 2022 - 2023). Việc này trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, việc này là phù hợp. Lãnh đạo Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên nhìn nhận, phương án mà Bộ đề nghị với Chính phủ đảm bảo hài hòa giữa nguyện vọng của cơ sở đào tạo với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Đề xuất của Bộ vừa đảm bảo chia sẻ khó khăn với cộng đồng, vừa tháo gỡ khó khăn cho cơ sở giáo dục đại học; đồng thời vẫn đảm bảo ổn định được kinh tế vĩ mô.

“Chúng tôi sẽ tính toán để thực hiện mức học phí hợp lý, đảm bảo đúng quy định và hài hòa với đời sống kinh tế của các gia đình có con em theo học tại nhà trường”, đại diện Đại học Thái Nguyên chia sẻ.

Trước đó, nói về học phí đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội. Nếu nhìn theo một góc độ khác, các trường đại học muốn có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo thì cần có kinh phí hỗ trợ, muốn vậy cần tăng học phí.

Nếu giữ nguyên mức học phí thấp, vừa suy giảm chất lượng giáo dục đào tạo, vừa không có điều kiện hỗ trợ sinh viên nghèo. Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho tương lai, là tăng sự tiếp cận giáo dục đại học”.

Ông Sơn cho rằng, hiện một số trường đại học trong khu vực đang có mức chi phí cao gấp chục lần so với chi phí tại các trường đại học công lập tại Việt Nam, nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay sẽ rất khó để cạnh tranh.

Các chuyên gia đưa ra tính toán rằng, đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam thu về lợi ích cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới. Vì vậy, người học cần đặt ra bài toán đầu tư cho tương lai của chính mình”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư