Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 07 năm 2024,
Đề xuất nền tảng chia sẻ thông tin an ninh mạng
Tú Ân - 16/07/2024 16:27
 
Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế - Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đề xuất xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin an ninh mạng.

Chiều ngày 16/7, trong khuôn khổ Hội thảo An ninh dữ liệu trên không gian mạng do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức, Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế đã đề xuất xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin an ninh mạng. 

Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra hàng loạt vụ việc tấn công mạng có tính phức tạp, tinh vi nhắm vào các hệ thống trọng yếu của Việt Nam. Nghiêm trọng nhất là các sự cố lộ lọt dữ liệu và mã hoá dữ liệu, gây thiệt hại lớn cho các tổ chức, người dân. Theo các chuyên gia của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, để đối phó với tội phạm mạng, chiến lược an ninh mạng hiện đại cần xây dựng dựa trên 03 trụ cột chính gồm phòng thủ chủ động, phát hiện sớm tấn công và phục hồi nhanh. Thực hiện hiệu quả chiến lược này đòi hỏi các tổ chức phải có thông tin kịp thời, chi tiết và chính xác về các mối đe dọa mạng.

Xu hướng hợp tác, chia sẻ dữ liệu an ninh mạng đã và đang được triển khai rất hiệu quả tại nhiều nơi trên thế giới. Điển hình như chương trình hợp tác phòng thủ mạng chung JCDC (Joint Cyber Defense Collaborative) do Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và An ninh mạng Mỹ (CISA) công bố vào tháng 8 năm 2021. Mục đích của JCDC là phối hợp giữa các đơn vị an ninh mạng, chia sẻ thông tin, dấu hiệu tấn công nhằm tăng cường phòng thủ. Liên minh Châu Âu EU cũng đã triển khai một chiến lược an ninh mạng mới, trong đó đề cao việc chia sẻ thông tin và tình báo về các mối đe dọa an ninh mạng, cùng nhau đối phó với các mối đe dọa phức tạp và hiện đại.

nền tảng chia sẻ thông tin an ninh mạng
 Hội thảo An ninh dữ liệu trên không gian mạng do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế - Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhận định: “Chia sẻ thông tin là cách tốt nhất giúp các thành viên của Hiệp hội có được bức tranh toàn cảnh, cập nhật các thông tin tình báo an ninh mạng mới nhất. Từ đó giúp các tổ chức nhận diện nguy cơ mới, chủ động tăng cường, đảm bảo an ninh”.

Theo đề xuất, Hiệp hội NCA sẽ chủ trì xây dựng nền tảng, kết nối, tiếp nhận dữ liệu được chia sẻ từ Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước. Cũng như kết nối với các công ty an ninh mạng Việt Nam, các tổ chức an ninh mạng thế giới và cả các chuyên gia an ninh mạng độc lập. Nền tảng được làm giàu dữ liệu từ các nguồn mở OSINT (Open Source Intelligence) hay các nguồn tình báo từ Dark Web (các hệ thống không công khai).

Nền tảng có thể chia sẻ các dấu hiệu tấn công mới nhất được thu thập qua các vụ việc đã điều tra, như thông tin nhận diện mã độc, địa chỉ máy chủ điều khiển (C&C), đặc điểm mạng hay bộ nhớ của máy chủ nếu bị tấn công. Thông tin này giúp quản trị nhanh chóng triển khai các quy tắc an ninh mạng (rule) để phát hiện, ngăn chặn tấn công trên toàn hệ thống, đồng thời rà soát, làm sạch máy chủ, máy trạm qua đó phát hiện đã bị xâm nhập hay chưa.

Chức năng cảnh báo lỗ hổng an ninh giúp quản trị viên nhận được sớm thông tin về lỗ hổng mới được phát hiện, phiên bản phần mềm có lỗi, kịch bản có thể bị khai thác, mức độ nguy hiểm và khả năng bị tấn công. Với các lỗ hổng chưa có bản vá sẽ có những tư vấn, khuyến cáo để khắc phục tạm thời, giảm thiểu khả năng bị khai thác trong thời gian chờ nhà sản xuất cập nhật bản vá lỗi.  

Nền tảng sẽ cung cấp thông tin cập nhật về các nhóm tin tặc đang hoạt động mạnh, trong đó nhấn mạnh những chiến dịch tấn công có chủ đích APT đang hướng tới Việt Nam. Thông qua các hiểu biết về công cụ, phương thức, kỹ thuật, chiến thuật tấn công của tội phạm mạng, các tổ chức sẽ tổ chức, xây dựng được chiến lược phòng thủ hiệu quả.

Đặc biệt, nền tảng sẽ cảnh báo sớm cho tổ chức khi phát hiện dữ liệu bị lộ lọt. Các dữ liệu được cảnh báo lộ lọt gồm dữ liệu nội bộ, thông tin khách hàng, mã nguồn phần mềm, tài khoản, mật khẩu... Thống kê thực tế cho thấy, thời gian trung bình để một tổ chức phát hiện ra dữ liệu bị lộ lọt lên đến hơn 200 ngày. Việc phát hiện sớm không chỉ giúp các tổ chức nhanh chóng kích hoạt các kịch bản ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại, rút ngắn thời gian hồi phục, mà còn giúp ngăn chặn nguy cơ lộ lọt thêm các dữ liệu khác.

Theo các chuyên gia, nền tảng chia sẻ sau khi hoàn thành sẽ được triển khai linh hoạt theo nhiều hình thức. Quản trị viên có thể tích hợp trực tiếp với các giải pháp an ninh mạng đang có của tổ chức thông qua giao diện API hay truy cập trực tiếp để tra cứu thông tin qua cổng website (portal). Quản trị viên cũng có thể nhận thông tin qua tin nhắn tức thời OTT hoặc email, giúp cập nhật kịp thời các thông tin kể cả ngoài giờ làm việc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư