Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT): Bốn vấn đề lớn nhất cần giải trình
- 25/08/2017 08:12
 
Đang có những ý kiến khác nhau trước đề xuất nâng thuế giá trị gia tăng (GTGT) mới đây của Bộ Tài chính. Báo Đầu tư xin chuyển tới độc giả bài viết của GS - TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) bàn thêm về vấn đề này.
TIN LIÊN QUAN

Theo tôi, có 4 vấn đề lớn nhất liên quan tới đề xuất nâng thuế GTGT mà Bộ Tài chính cần giải trình rõ ràng, thuyết phục trước Quốc hội và công luận.

Triển vọng kinh tế bất định, vì sao lại tăng thuế GTGT?

Trước hết, bối cảnh kinh tế chính trị thế giới hiện tại khác xa với cách đây vài năm. Nói đến các diễn biến quốc tế tác động riêng đến Việt Nam, chỉ có thể tóm gọn trong 2 từ “bất định”. Hiện tại, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bế tắc, hàng loạt hiệp định mậu dịch tự do khác mà Việt Nam đang đàm phán và chưa biết sẽ tác động ra sao tới nền kinh tế một khi hoàn tất. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ở các nước trên thế giới ngày càng gia tăng và mạnh hơn bao giờ hết. Việc nhiều nước tiến hành phá giá tiền tệ để tăng xuất khẩu đã làm dấy lên nguy cơ khó tránh về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Thêm vào đó, hàng loạt tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… liên tục dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức rất thấp (khoảng 3%). Những bất trắc trong thương mại và tăng trưởng toàn cầu đương nhiên có tác động rất đáng kể đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tăng thuế giá trị gia tăng sẽ tác động trực tiếp đến hàng triệu người tiêu dùng. Ảnh: Đức Thanh
Tăng thuế giá trị gia tăng sẽ tác động trực tiếp đến hàng triệu người tiêu dùng. Ảnh: Đức Thanh

Ngoài việc chịu tác động bởi kinh tế thế giới, bối cảnh kinh tế trong nước cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều trở lực, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng đã tác động đến tăng trưởng kinh tế thời gian qua. Ngoài ra, tình trạng bội chi ngân sách và nợ công đang gây quan ngại đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.

Khi người dân và doanh nghiệp còn đang loay hoay trước tình trạng bất định của kinh tế toàn cầu và trong nước, thì đề xuất tăng thuế GTGT đi ngược với xu hướng chung của thế giới, không phải để hội nhập vào chuẩn mực quốc tế như lý giải của cơ quan đưa ra ý kiến đề xuất.

Tăng thuế GTGT có tác động xấu đến lạm phát, tăng trưởng và  việc làm?

Ở bất kỳ quốc gia nào, tăng thuế GTGT vào bất kỳ giai đoạn phát triển nào của nền kinh tế đều là một quyết định nhạy cảm, gây phản ứng dữ dội nhất từ tất cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Lý do là tăng thuế GTGT có tác động đến đến 3 điều dễ thấy nhất gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế, lạm phát và công ăn việc làm cho người lao động.

Tăng thuế GTGT trong bối cảnh nền kinh tế bất định có thể được xếp vào một trong những đề xuất lạ và thiếu nghiêm túc. Chí ít, cơ quan đề xuất cũng phải giải thích đề xuất tăng thuế GTGT liệu có thể cải thiện tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm nhiều hơn và lạm phát thấp hơn so với trước khi tăng thuế. Có lẽ phải tư duy như vậy trước khi đề xuất tăng thuế GTGT.

Nhưng nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này ở các nước cho thấy điều ngược lại. Đó là lạm phát sẽ tăng cao, tăng trưởng kinh tế sụt giảm và thất nghiệp nhiều hơn khi một quốc gia tăng thuế GTGT.

Ví dụ mới đây nhất là Nhật Bản. Ba tháng sau khi nước này tăng thuế GTGT (từ ngày 1/4/2014), kinh tế Nhật đã sụt giảm 6,8% - mức sụt giảm còn lớn hơn cả sự cố sóng thần và động đất vào tháng 3/2011; chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,4%; tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 0,1 điểm phần trăm trong tháng 7, lên 3,8 điểm phần trăm ngay trong tháng 8.

Tăng thuế GTGT gây tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm và lạm phát như vậy. Câu hỏi đặt ra là đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính lần này có gì hay để hóa giải những nỗi lo trên?

Tăng thuế GTGT  kích hoạt chi tiêu chính phủ nhiều hơn, gánh nặng thuế với người dân lớn hơn

Trực giác thông thường luôn nói với chúng ta rằng, tăng thuế GTGT sẽ giúp chính phủ có thêm nguồn thu mới và do đó sẽ làm giảm tình trạng thâm hụt ngân sách.

Tất nhiên, Bộ Tài chính cũng dựa trên trực giác này khi giải thích trước công luận về đề xuất của mình. Song làm chính sách không cho phép cảm tính theo trực giác, nhất là đối với sắc thuế đầy nhạy cảm là GTGT.

Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, cứ mỗi USD thuế doanh thu tăng lên trong giai đoạn 1970-1980, thì chi tiêu chính phủ tăng thêm 1,22 USD. Giai đoạn 1980-1980, tình hình càng xấu hơn với 1 USD thuế doanh thu tăng thêm, thì chi tiêu chính phủ tăng thêm 1,29 USD.

Nghiên cứu ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cho thấy gánh nặng thuế trung bình với các quốc gia áp đặt thuế GTGT là 44,3% trên GDP, trong khi các quốc gia không áp dụng thuế GTGT là 12,7%. Điều này cho thấy, tính chất rất nhạy cảm của thuế GTGT đối với cuộc sống của người lao động.

Tôi đồng tình với các quan điểm cho rằng, tăng thuế GTGT chính là chúng ta đang đánh vào người lao động.

Cơ quan chức năng sẽ giải thích ra sao với các số liệu trên và việc tăng thuế GTGT có là giải pháp góp phần giảm chi tiêu Chính phủ?

Gốc rễ của tình trạng tăng chi tiêu Chính phủ nằm ở chỗ chi tiêu thường xuyên quá cao, tình trạng đầu tư công lãng phí và bội chi. Người dân chỉ mong muốn tình trạng trên được giải quyết triệt để trước khi nghĩ đến chuyện tăng thuế.

Tăng thuế GTGT sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách và tạo thêm nhiều hệ lụy khác

Trực giác cũng mách bảo chúng ta rằng, tăng thuế GTGT sẽ làm giảm thâm hụt ngân sách. Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra điều ngược lại.

Giả dụ Bộ Tài chính sẽ quản lý chặt chi tiêu ngân sách, thì tăng thuế GTGT vẫn có khả năng làm cho thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng. Dữ liệu minh họa cho thực tế này đã được chỉ ra trong nhiều nghiên cứu ở các nước trên thế giới. Ở đây, tôi chỉ nêu ra 2 lý do dẫn đến việc vì sao tăng thuế GTGT sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách.

Thứ nhất, với nguồn thu mới từ tăng thuế GTGT, có thể sẽ xuất hiện tâm lý khó tránh khỏi là chi tiêu phóng khoáng nhiều hơn so với trước, nhất là chi tiêu làm lợi cho các nhóm lợi ích. Do đó, tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia ở nhiều nước sẽ ngày càng trầm trọng sau khi tăng thuế GTGT. Việt Nam liệu có phải là ngoại lê?

Thứ hai, có khả năng, việc tăng thuế GTGT sẽ không tạo thêm nguồn thu mới tăng thêm cho ngân sách, vì sau khi tăng thuế, chắc chắn, hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế sẽ thay đổi theo.

Trong khi một chủ thể chính trong nền kinh tế là chính phủ có khuynh hướng chi tiêu nhiều hơn, thì hộ gia đình và doanh nghiệp có xu hướng ngược lại.

Hộ gia đình chi tiêu ít hơn trước là điều hầu như đã được khẳng định ở nhiều nghiên cứu. Đương nhiên, các doanh nghiệp sẽ dự liệu các tình huống bất trắc này bằng cách cắt giảm sản xuất và giảm chi tiêu đầu tư. Tầng lớp giàu có cũng sẽ chuyển tài sản của mình sang kênh trú ẩn vàng và ngoại tệ để bảo toàn của cải trước sự mất giá của đồng tiền do thâm hụt ngân sách tăng thêm từ việc họ dự báo chính phủ tăng thuế GTGT.

Sự chuyển dịch hành vi của các chủ thể là Chính phủ, hộ gia đình, doanh nghiệp và tầng lớp giàu có, sẽ làm cho đồng nội tệ thêm mất giá, tạo thêm hệ lụy xấu cho nền kinh tế. Điều dễ thấy nhất là vòng xoáy lạm phát và mất giá tiền tệ ngày càng trầm trọng.

Tóm lại, chuẩn mực quốc tế nào cũng có những chuẩn mực tốt và xấu. Bộ Tài chính đã viện dẫn các chuẩn mực quốc tế để đưa ra đề xuất tăng thuế GTGT, song phải thật khách quan. Thêm nữa, vì lý do nào mà cơ quan đề xuất tăng thuế GTGT lại không đưa ra những chuẩn mực quốc tế khác theo nghĩa xấu nhất của hệ lụy tăng thuế GTGT để thuyết phục công luận? Có lẽ, đây là vấn đề thứ năm mà Bộ Tài chính cần giải trình cụ thể.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư