Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 02 năm 2025,
Đề xuất vay 147 triệu USD nâng cấp tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang
Anh Minh - 20/02/2025 16:31
 
tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) sẽ được nâng cấp đạt quy mô đường cấp III đồng bằng 4 làn xe nhằm tăng cường kết nối Kiên Giang, Hậu Giang, TP. Cần Thơ và các tuyến nhánh trên địa bàn với tổng chiều dài tuyến 37,152 km.
Một đoạn Quốc lộ 61C qua Hậu Giang (Ảnh: Kim Loan, VOV giao thông).
Một đoạn Quốc lộ 61C qua Hậu Giang (Ảnh: Kim Loan, VOV giao thông).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 1319/BKHĐT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét phê duyệt đề xuất Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản do UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản.

Cụ thể, Dự án sẽ nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 61C đạt quy mô đường cấp III đồng bằng 4 làn xe, có giải phân cách giữa, chiều rộng nền đường 23 m nhằm tăng cường kết nối các tỉnh Kiên Giang, tỉnh Hậu Giang, TP. Cần Thơ và các tuyến nhánh giao thông trên địa bàn với tổng chiều dài tuyến khoảng 37,152 km.

Dự án dự kiến tổng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản là 21,82 tỷ yên, tương đương 3.556,69 tỷ đồng, tương đương 147,03 triệu USD; cơ chế tài chính trong nước đối với vốn vay Chính phủ Nhật Bản là cấp phát toàn bộ.

Tại công văn số 1319, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giao bộ này thông báo cho phía Nhật Bản về việc Đề xuất dự án được phê duyệt và đề nghị cung cấp vốn vay cho Dự án.

Đồng thời giao UBND tỉnh Hậu Giang căn cứ phê duyệt Đề xuất dự án của Thủ tướng, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương liên quan, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trao đổi, làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

Việc đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) là hết sức cần thiết, cấp bách nhằm giải quyết vấn đề trực tiếp trước mắt là việc đi lại của nhân dân trong khu vực và kết nối, phát triển kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa được thuận lợi dễ dàng.

Công trình còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế xã hội, văn hoá của vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, JICA đã thể hiện quan tâm và phối hợp cùng UBND tỉnh Hậu Giang khảo sát, chuẩn bị Dự án. UBND tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu lập và tiến hành thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề xuất dự án từ năm 2022; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh Đề xuất dự án trong thời gian qua. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư