Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Đề xuất xây dựng cơ chế chi trả tín chỉ carbon cho nông dân
Nhung Bùi - 29/08/2023 11:28
 
Đây là cơ sở để hiện thực hóa đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây đã có buổi làm việc với Phó thủ tướng Trần Lưu Quang về Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".

Một trong những mục tiêu cụ thể của đề án là nhằm xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải với diện tích 300.000 ha đến năm 2025 và đến năm 2030 phấn đấu đạt 1 triệu ha. Trong đó, 100% diện tích trồng lúa trong vùng chuyên canh áp dụng một trong các quy định canh tác thông minh: Giảm giống, giảm phân bón, giảm phát thải, giảm lượng nước.

Ngoài ra, đề án hướng tới nâng cao thu nhập người trồng lúa trong chuỗi giá trị lúa gạo lên 40%, với tỷ suất lợi nhuận tăng 50%, giảm chi phí, tăng giá trị.

Bộ NN&PTNT tính toán Đề án sẽ cần 650 triệu USD kinh phí. Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho phép Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính đề xuất xây dựng thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh.

Nguồn thu này được dùng để hỗ trợ hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Đề án và không phải đóng góp vào lượng giảm phát thải cam kết trong Đóng góp Quốc gia Tự quyết định (viết tắt là NDC) của Việt Nam.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, thí điểm chi trả tín chỉ carbon là một vấn đề khó, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều chưa thống nhất được cơ chế.

"Nguồn tài chính 650 triệu USD thực hiện Đề án lấy từ đâu, cần bàn rõ nguồn huy động. Nói về tăng trưởng xanh, nói về tín chỉ carbon mà không nói về sản xuất lúa gạo là thiếu sót, vì chính đây là khởi nguồn của phát thải lớn nhất. Do đó, tôi đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Phó thủ tướng khẳng định đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của ĐBSCL là đề án khó, nhưng “thấy khó mà không làm thì sẽ không bao giờ đến được đích”. Phó thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT cần xây dựng quyết tâm cao để thực hiện bằng được đề án.

Theo NN&PTNT, ĐBSCL có thế mạnh về thủy sản, trái cây, lúa gạo. Sản xuất nông nghiệp của vùng tạo ra phát thải 4 triệu tấn CO2, chiếm 24% tổng lượng phát thải toàn quốc, trong đó canh tác lúa chiếm 40%. Do đó, yêu cầu thay đổi phương thức canh tác giảm phát thải là định hướng lâu dài của toàn vùng.

Bộ NN&PTNT đã tiến hành nhiều cuộc họp với các tổ chức tài chính quốc tế, doanh nghiệp, địa phương bàn về các vấn đề xoay quanh Đề án lúa phát thải thấp của ĐBSCL, gồm: Kinh phí, logistics, hợp tác xã, tín chỉ carbon.

“Nếu không có Đề án này thì ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ra sao? Khó có thể tạo ra một thương hiệu lúa gạo sinh thái, không thể tái cơ cấu, không thể nâng cao giá trị hoặc bị từ chối thu mua. Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì khó khăn hơn nữa. Chi phí cao, phát thải cao sẽ khiến ngành hàng lúa gạo Việt Nam mất sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị để sẵn sàng tham gia sàn giao dịch tín chỉ carbon
Nắm vững các quy định pháp luật, lộ trình triển khai, nguyên lý vận hành thị trường... là những điều kiện để doanh nghiệp Việt có thể tham...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư