Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đề xuất xóa nợ tiền thuế cho một số đối tượng
Tuệ Văn (VGP News) - 18/08/2015 16:39
 
Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành một số chính sách xóa nợ tiền thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015.

Bộ Tài chính cho biết, trong những năm vừa qua, nền kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn; thị trường tiền tệ chưa thực sự ổn định, nợ xấu có xu hướng gia tăng; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản trầm lắng cùng với thiên tai, hoả hoạn, tai nạn liên tiếp xảy ra trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Do đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ không có khả năng nộp thuế đúng hạn, số lượng doanh nghiệp còn nợ thuế tự giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh ngày càng tăng. Đối với nợ khó thu của các cá nhân, hộ kinh doanh thì chủ yếu tồn đọng từ nhiều năm do các hộ kinh doanh nhỏ lẻ với phạm vi kinh doanh trong các thôn, xóm theo thời vụ không ổn định, làm ăn thua lỗ đã bỏ kinh doanh.

Trong các năm 2011, 2012 và năm 2013, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành cơ chế tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Tuy nhiên, các văn bản này chỉ tập trung gia hạn, miễn giảm thuế ở một số sắc thuế chủ yếu như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất mà chưa có cơ chế xử lý đối với tiền phạt chậm nộp tiền thuế.

Luật quản lý thuế đã có quy định để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế như gia hạn nộp thuế, xóa nợ tiền thuế, không tính tiền chậm nộp, nộp dần tiền thuế nợ đối với một số trường hợp. Tuy nhiên, đối với các khoản tiền phạt chậm nộp mà hiện tại cơ quan thuế đang theo dõi thì hầu hết đều không thuộc đối tượng được áp dụng các quy định tại Luật quản lý thuế.

Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều người nộp thuế đã rất nỗ lực để nộp tiền thuế phát sinh, khó có khả năng nộp tiền phạt chậm nộp, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn bất khả kháng. Hiện tại có những trường hợp tiền phạt chậm nộp lớn hơn tiền thuế, nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015. Trong đó, đối tượng được xóa nợ phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: 1- Doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến phát sinh tiền phạt chậm nộp trước ngày 1/1/2015 và chưa được gia hạn thời hạn nộp thuế; 2- Đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến người nộp thuế phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản mà cơ quan thuế đã phối hợp với chính quyền địa phương để xác minh thông tin về người nộp thuế nhưng không tìm được người nộp thuế.

Tổng số tiền nợ thuế trên cả nước lên tới hơn 74.000 tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền nợ thuế trên cả nước đến nay đã lên tới 74.000 tỷ đồng, gấp đôi chỉ tiêu cho phép.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư