Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đến năm 2020, không thành lập mới KKT cửa khẩu
Mạnh Bôn - 05/09/2013 14:56
 
(baodautu) Theo Đề án Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu KTCK Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030ừ nay đến năm 2020  vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1531/QĐ-TTg, sẽ không bổ sung thêm KKT cửa khẩu vào quy hoạch, không lập mới KKT cửa khẩu trong quy hoạch. >>> Lập Ban quản lý tại các cửa khẩu quốc tế >>> Cao Bằng tập trung vào du lịch, kinh tế cửa khẩu
TIN LIÊN QUAN

Đề án cũng nêu rõ quan điểm: “Phát triển kinh tế cửa khẩu (KTCK) gắn với xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, ổn định, bền vững giữa nước ta với Trung Quốc, Lào và Campuchia”.

Lao Bảo được lựa chọn là một trong số Khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư trong giai đoạn 2013-2020

Mục tiêu xây dựng khu KTCK, theo Đề án, đến năm 2020 cả nước quy hoạch 26 khu KTCK.

Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách cho một số khu KTCK hoạt động có hiệu quả cao.

Phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu đạt 30 tỷ USD với tốc độ tăng bình quân trên 12%/năm (trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 14 tỷ USD); đón 16,5 triệu lượt khách xuất nhập cảnh (trong đó khách từ Việt Nam đi các nước láng giềng khoảng 8,5 triệu lượt).

Đến năm 2030 kim ngạch XNK qua cửa khẩu đạt 50 tỷ USD (trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 22 tỷ USD); đón 26 triệu lượt khách xuất nhập cảnh (trong đó khách từ Việt Nam đi các nước láng giềng khoảng 13,2 triệu lượt).

Cũng theo Đề án, từ nay đến năm 2020, không bổ sung thêm khu KTCK vào quy hoạch và chưa xem xét thành lập mới khu KTCK đã có trong quy hoạch; sáp nhập Khu KTCK Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang thành Khu KTCK tỉnh Cao Bằng. Trong giai đoạn 2021 - 2030, chỉ xem xét thành lập khu KTCK đã có trong quy hoạch.

Hiện cả nước có 11 khu KTCK giáp Trung Quốc, 8 khu KTCK giáp Lào, 8 khu KTCK giáp Campuchia và Khu KTCK Bờ Y - Kon Tum vừa giáp Lào, vừa giáp Campuchia) với tổng diện tích vào khoảng 600.000 ha.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch XNK qua KTCK tăng trưởng liên tục trong nhiều năm trở lại đây và đã đạt 5,44 tỷ USD vào năm 2010, gấp 3 lần năm 2005. Hiện tại, tổng kim ngạch XNK qua khu KTCK chiếm 15% tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc, chiếm trên 85% kim ngạch XNK giữa nước ta và Lào, chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam - Campuchia.

Tổng thu ngân sách nhà nước qua 28 khu KTCK năm 2010 ước đạt 4.800 tỷ đồng. Trong đó, Khu KTCK Đồng Đăng đóng góp 1.850 tỷ đồng, Móng Cái đóng góp 1.100 tỷ đồng, Lào Cai (650 tỷ đồng), Lao Bảo (324 tỷ đồng)…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định, mặc dù chính sách biên mậu của các quốc gia láng giềng có nhiều biến động, nhưng hoạt động XNK qua các khu KTCK biên giới vẫn phát triển liên tục, đóng góp ngày càng tăng cho ngân sách nhà nước.

“Các địa phương biên giới có KTCK, trước đây đều là vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển thì đến nay đã trở thành những trung tâm kinh tế thương mại phát triển năng động, đồng thời là trung tâm thương mại lớn của địa phương, làm động lực cho các khu vực lân cận phát triển. Hoạt động kinh tế - thương mại sôi động tại các khu KTCK đã góp phần phát triển du lịch, dịch vụ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, giao thương của cả nước với các nước láng giềng”, ông Vinh đánh giá.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sự phát triển của KTCK trong hơn 10 năm qua nhờ sự đầu tư đáng kể từ ngân sách nhà nước.

Cụ thể, trong giai đoạn 2004 - 2011, tổng nguồn vốn từ Ngân sách Trung ương đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, công trình thoát nước, bãi kiểm hóa… cho KTCK lên tới 3.226 tỷ đồng, trong đó, năm 2011 đầu từ hơn 700 tỷ đồng.

Cũng theo ông Giàu, nhờ sự đầu tư thỏa đáng và kịp thời từ Ngân sách Trung ương nên các khu KTCK đã thu hút hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư cũng như tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu KTCK.

Cụ thể, tính đến thời điểm này, các khu KTCK đã thu hút được trên 70 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 700 triệu USD và trên 500 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng. Hiện tại, tại Khu KTCK Móng Cái đã thu hút được trên 1.300 doanh nghiệp tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, Lào Cai khoảng 1.200 doanh nghiệp, Cầu treo (trên 120 doanh nghiệp), Lao Bảo (khoảng 400 doanh nghiệp)…

“Nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương đã góp phần thúc đẩy sự hình thành nhanh chóng mạng lưới thương mại khu vực biên giới, làm thay đổi diện mạo các KTCK; hệ thống đường sá, bến bãi, kho tàng, trung tâm thương mại… bước đầu được tạo dựng khang trang, tạo động lực thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư cũng như hoạt động XNK, hoạt động thương mại trong nội hạt KTCK”, ông Giàu nhận định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư