Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Dệt may dự kiến về đích gần 38 tỷ USD trong năm 2021
Hải Yến - 18/11/2021 09:12
 
Ngành dệt may Việt Nam dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 37,92 tỷ USD vào cuối năm nay, tăng trưởng 8,1% so với năm 2020.
Ngành dệt may dự kiến về đích với kim ngạch xuất khẩu gần 38 tỷ USD trong năm 2021, trong đó xơ sợi đóng góp khoảng 5,3 tỷ USD.
Ngành dệt may dự kiến về đích với kim ngạch xuất khẩu gần 38 tỷ USD trong năm 2021, trong đó xơ sợi đóng góp khoảng 5,3 tỷ USD.

Thông tin về tình hình xuất khẩu 10 tháng và dự báo cả năm 2021, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, sau nhiều tháng, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 kéo dài, đến nay, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, người lao động đã quay trở lại làm việc ở các nhà máy với tỷ lệ 92 - 93%. Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong 10 tháng qua của Việt Nam đạt khoảng 32 tỷ USD, tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Với đà sản xuất và hoàn thành đơn hàng xuất khẩu như hiện nay, Vitas ước tính, cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu gần 38 tỷ USD, tăng trưởng 8,1% so với năm 2020.

Trong điều kiện sản xuất khắc nghiệt trước tác động của đợt dịch kéo dài, ngành sợi đã trở thành điểm sáng khi duy trì năng lực sản xuất ở mức cao do đặc thù ít lao động, và tỷ lệ tự động hóa cao trong, lại được lợi bởi giá sợi tăng, nên xuất khẩu xơ sợi đạt kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, xuất khẩu xơ sợi 10 tháng ước đạt gần 4,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 5,3 tỷ USD đến cuối năm 2021, tăng trưởng 42%; ngoài ra xuất khẩu vải các loại ước đạt 2 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 2,4 tỷ USD. 

"“Đây có lẽ là lần đầu tiên ngành công nghiệp kéo sợi Việt Nam xuất khẩu số lượng sợi lớn đến thế. Các sản phẩm phụ liệu may, đặc biệt là vải địa kỹ thuật (dùng làm lốp ô tô...) của Việt Nam, cũng được các nước khó tính như Canada, Mỹ, Ấn Độ... gia tăng nhập khẩu”, ông Vũ Đức Giang nhận xét.

Theo số liệu của Bộ Công Thương 10 tháng 2021, xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật đã tăng 76,8% so với cùng kỳ, trị giá 636 tiệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 360 triệu USD.

Dựa trên cơ sở đánh giá xu hướng tiêu dùng toàn cầu và khả năng phục hồi kinh tế tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, năm 2022, ngành dệt may dự kiến kim ngạch xuất khẩu 43-43,5 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, ông Giang cho rằng, các doanh nghiệp cần bắt kịp xu hướng tiêu dùng, tập trung vào các thị trường quan trọng như Mỹ, thị trường khối CPTPP và thị trường 27 nước EU để tận dụng Hiệp định EVFTA.

Ông Giang cũng lưu ý các doanh nghiệp, để tiếp tục tận dụng lợi thế từ các thị trường này, việc sử dụng bông và nguyên liệu đầu vào minh bạch phải tiếp tục đẩy mạnh. Đó là thực hiện trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với người tiêu dùng, với nhãn hàng, với môi trường … Điều này không chỉ giải quyết mục tiêu xuất khẩu mà còn là nền tảng để thực hiện chương trình xanh hóa và phát triển bền vững của ngành dệt may.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư