Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dệt may duy trì sức hút vốn ngoại
Thế Hoàng - 20/12/2018 09:11
 
Nhiều tập đoàn sản xuất hàng may mặc, xơ sợi, chỉ khâu… đã chọn Việt Nam làm điểm đến mở rộng đầu tư, nhằm đón trước cơ hội khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Việt Nam là một thành viên, có hiệu lực từ tháng 1/2019.
TIN LIÊN QUAN

Nhà máy chỉ thêu đi vào sản xuất sớm

Dự án Nhà máy sản xuất chỉ may thêu phục vụ ngành dệt may và da giày của Tập đoàn Amann (Đức) đầu tư tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam), theo kế hoạch sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 6/2019, nhưng tiến độ đã được đẩy sớm hơn 2 tháng.

Theo Ban lãnh đạo Tập đoàn Amann, việc sớm đưa giai đoạn I vào sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xuống vốn để làm tiếp giai đoạn II, nâng tổng công suất toàn nhà máy lên 2.300 tấn/năm.

.
.

Amann là một trong 3 tập đoàn hàng đầu về sản xuất, phân phối sản phẩm chỉ may thêu toàn cầu, phục vụ hỗ trợ trong các ngành công nghiệp từ tự động hóa, sản phẩm ngoài trời, trang phục thể thao, may mặc, túi xách, giày dép… từ các nhà máy của Amann ở châu Âu và châu Á.

Nằm trong chiến lược mở rộng sản xuất sang các thị trường mới nổi, Tập đoàn Amann đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, bên cạnh các nhà máy sẵn có tại châu Á.

Trong vai trò là cầu nối của các doanh nghiệp, thời gian gần đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã đón nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ông Cẩm nhận định, chắc chắn hoạt động đầu tư vào ngành này sẽ sôi động trở lại trong năm 2019 - 2020.

Như một phản ứng dây chuyền, khi các dự án đầu tư vào ngành dệt may gia tăng, các nhà cung ứng thiết bị, máy móc cũng nhanh nhạy nắm bắt cơ hội. Mới đây nhất, IllIES Vietnam (doanh nghiệp vốn FDI của Đức)- một trong những đại lý phân phối máy móc ngành sợi, đã mở rộng danh mục đầu tư của mình trong lĩnh vực kéo sợi.

Theo công bố, quý I/2019, IllIES Vietnam sẽ đầu tư mở một trung tâm sửa chữa các bộ phận cơ và điện của hệ thống máy kéo sợi xơ ngắn do Tập đoàn Rieter cung cấp.

“Khi các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP mà Việt Nam tham gia chuẩn bị đi vào thực thi, các hoạt động đầu tư sản xuất trong ngành dệt may chắc chắn tăng lên, các nhà cung cấp thiết bị có thêm cơ hội bán máy móc và Rieter không ngoại lệ…”, đại diện IllIES Vietnam nhận định.

Tiếp tục đón vốn ngoại

Theo số liệu thống kê của Vitas, FDI vào ngành dệt may tính đến hết năm 2017 là 2.091 dự án, với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 15,89 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, dệt may đã thu hút được 2,8 tỷ USD vốn FDI, đưa lũy kế đầu tư nước ngoài vào ngành đạt 18,69 tỷ USD.

Thời gian qua, riêng lĩnh vực sản xuất sợi Việt Nam đã đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài, với các tên tuổi lớn như Texhong, Formosa, Polytex Far Eastern, Công ty TNHH sợi Long Thái Tử…, nâng quy mô ngành sợi lên khoảng 4,5 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu cả năm 2018 dự kiến đạt 4,1 tỷ USD so với 3,6 tỷ USD của năm 2017.

Là một trong những nhà xuất khẩu dệt may quan trọng trong khu vực châu Á, trong vòng một thập kỷ gần đây, tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã tăng gấp 3,6 lần, từ 7,78 tỷ USD năm 2007 lên đến 28,02 tỷ USD năm 2016, 31 tỷ USD năm 2017, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tại thời điểm này, ngành dệt may đang dần cán đích 35 tỷ USD giá trị xuất khẩu của cả năm 2018. Hết 11 tháng, xuất khẩu đã vượt 31 tỷ USD, bằng cả năm 2017. Đóng góp vào con số xuất khẩu này, có tới 60% là khối doanh nghiệp có vốn FDI.

Trong dòng chảy đầu tư đón lõng thị trường của ngành dệt may, Kraig Biocraft Lab Laboratory Inc., hãng sản xuất sợi tơ nhện nhân tạo của Mỹ đã bắt đầu triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Công ty và một số hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Quảng Nam để phát triển công nghệ và sản xuất lụa cao cấp tại Việt Nam.

Kraig Labs sẽ thành lập công ty con tại Việt Nam và mở một trung tâm nghiên cứu lụa và sản xuất sản phẩm này. Dự kiến, 2.500 ha dâu sẽ được trồng gần nhà máy mới của Công ty, hỗ trợ sản xuất tơ nhện Prodigy dệt may trong vài năm tới.

Lãnh đạo Kraig Biocraft cho hay, quyết định chọn Việt Nam để thương mại hóa công nghệ tơ nhện của hãng là một phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng sản xuất của Kraig Biocraft. Nếu quá trình triển khai thuận lợi, Kraig Biocraft sẽ duy trì các kế hoạch mở rộng trong nhiều năm tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư