Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Dệt may lo mất nguyên liệu truyền thống
Anh Vũ - 17/01/2015 15:47
 
Nguy cơ doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ xuất khẩu “hộ” DN FDI đang dần lộ rõ khi các DN trong nước vẫn chưa giải được bài toán nguyên phụ liệu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vinatex “nhấn ga” xây dựng chuỗi liên kết
Doanh nghiệp dệt may tăng tốc đầu tư năm 2015
Chi 15,8 tỷ USD nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may
Dệt may chưa tự tin trước TPP
Dệt may đón vốn FDI

Câu chuyện DN ngành dệt may loay hoay với bài toán nguyên phụ liệu không mới, bởi nguyên phụ liệu sản xuất trong nước còn ít, nên DN phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Thực tế đó khiến sản xuất của ngành thiếu bền vững và giá trị gia tăng xuất khẩu không cao.

CEO kỳ này là ông Đặng Lê Minh Trí, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Liên minh Toàn Cầu

Trong hơn 10 năm qua, với sự nỗ lực của toàn ngành dệt may, tỷ lệ nội địa hóa về nguyên phụ liệu đã được cải thiện đáng kể, từ 20 - 25% trong năm 2000 - 2001, đã tăng lên khoảng 50% hiện nay. Mặc dù vậy, theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), vải đủ tiêu chuẩn cho may xuất khẩu vẫn rất thiếu. Nguyên nhân do công nghiệp dệt sợi tuy đã phát triển mạnh, nhưng khâu nhuộm rất yếu. DN trong nước không đủ tiềm lực về vốn để có thể phát triển công nghiệp nhuộm, nhất là đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Dệt may là một trong số ít ngành của nước ta có khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác, nên được Chính phủ xác định là một trong những ưu tiên tại bàn đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Để hàng dệt may được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu của các nước ký kết FTA, sản phẩm phải đáp ứng điều kiện về xuất xứ theo các điều khoản của hiệp định, như quy tắc bắt đầu từ sợi hoặc quy tắc bắt đầu từ vải… Thế nhưng, ngoại trừ Vinatex và một số ít DN có lực để đầu tư vào sản xuất sợi, dệt và vải, thì phần lớn vẫn đang chờ chính sách chung của Nhà nước cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có dệt may, mà khâu thiết yếu nhất là xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm có hệ thống xử lý nước thải.

Trong khi đó, nhiều DN FDI, với ưu thế vượt trội về nguồn vốn và công nghệ, đang triển khai các dự án đầu tư lớn vào sản xuất nguyên phụ liệu và may mặc để đón đầu cơ hội ưu đãi thuế từ các FTA mà Việt Nam sắp ký kết. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, rất có thể, DN dệt may Việt Nam sẽ xuất khẩu “hộ” DN FDI.

Nhìn thấy cơ hội, nhưng nắm bắt, khai thác được để đẩy mạnh xuất khẩu là không dễ đối với DN dệt may Việt Nam. Từ nay cho đến khi các FTA được ký kết và có hiệu lực, vẫn còn thời gian cho DN trong nước tiếp tục mở rộng năng lực may, đầu tư vào nguyên phụ liệu, liên kết giữa các khâu sản xuất sợi, vải và may để hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, đối với những DN nhỏ và vừa (SME) thì việc thực hiện chiến lược cạnh tranh về vùng nguyên liệu không đơn giản.

Chẳng hạn, tại một DN chuyên gia công may mặc xuất khẩu ở TP.HCM, với thị trường xuất khẩu chính là các nước Đông Âu. Thời gian qua, lợi thế cạnh tranh của Công ty là nhờ nguồn nguyên liệu giá rẻ từ các nước lân cận chiếm tới 80% nguyên liệu sản xuất. Do đó, hàng hóa xuất khẩu của Công ty có được lợi thế cạnh tranh về giá. Nhờ vậy, Công ty giữ được ổn định thị trường xuất khẩu trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường nguyên liệu của Công ty gặp nhiều biến động: các đối thủ mới xuất hiện cạnh tranh nguồn hàng, các chính sách và cơ chế của các nước có vùng nguyên liệu giá rẻ đã thay đổi. Việc nhập khẩu nguyên liệu gặp rất nhiều khó khăn và Công ty bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Trước tình hình đó, nhiều khách hàng phàn nàn và một số khách đã hủy đơn hàng. Nếu Công ty không nhanh chóng tìm được nguồn nguyên liệu có giá tương tự để thay thế thì giá thành sản phẩm của DN này sẽ tăng và sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

Trước tình hình đó, CEO của công ty này cho rằng, đã đến lúc, phải thay đổi chiến lược. “Trước đây, Công ty chủ yếu dựa vào lợi thế cạnh tranh về giá. Giờ đây, lợi thế này không còn nữa, nên phải tạo ra những lợi thế cạnh tranh khác”, CEO này nói.

Cũng theo CEO này, công ty buộc phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và định vị ở phân khúc thị trường và khách hàng cao cấp hơn. Bên cạnh đó, cần phải đầu tư xây dựng hình ảnh thương hiệu ở thị trường nội địa.

Trong khi đó, nhiều cổ đông của Công ty cho rằng, không nên vì những khó khăn trước mắt mà thay đổi chiến lược. “Cái gì hay, cái gì tạo ra được lợi thế thì các đối thủ đã làm cả rồi. Do đó, Công ty cần phải tìm nguồn nguyên liệu giá rẻ khác để thay thế. Nếu không được thì tiến hành cắt giảm hoặc tiết kiệm chi phí, quyết tâm giữ vững chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh bằng giá của mình. Thực tế, những năm qua, nhờ chiến lược này mà Công ty mới bám trụ được đến ngày hôm nay”, một cổ đông cho biết.

Cả hai luồng ý kiến trên đều có cái hay của nó, nhưng CEO vẫn chưa đủ dữ liệu và lý lẽ để lựa chọn giải pháp chính cho tình thế này. Do đó, CEO quyết định ngồi lại với các cổ đông thêm lần nữa vào cuối tuần này để có thảo luận rõ ràng hơn.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư