Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dệt May Thành Công: Kế hoạch lãi tăng 76%, cổ tức dự kiến 20%
Phan Hằng - 16/04/2022 17:24
 
Theo Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, năm 2022 sẽ là năm khởi sắc của ngành dệt may Việt Nam và Công ty sẽ được hưởng lợi từ xu thế này.

Hiện thị trường bán lẻ quần áo thế giới đã dần hồi phục sau khi dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm dần nhờ vào độ phủ vắc-xin. Tuy nhiên, trong ĐHCĐ Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt May Thành Công) diễn ra ngày hôm qua (15/4), ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT vẫn nhắc đến những thách thức lớn. Đó là chi phí logistics rất cao và hy vọng sẽ hạ nhiệt từ giờ tới cuối năm; kế hoạch tăng lương tối thiểu có thể sẽ bắt đầu tư tháng 7/2022 sẽ ảnh hưởng tới việc giữ chân và tuyển lao động mới và yêu cầu ngày càng cao từ các nhãn hàng. 

Công ty đã làm việc cùng các khách hàng để tăng giá bán tương ứng với mức tăng giá nguyên liệu đầu vào, theo đó, kỳ vọng biên lợi nhuận không bị ảnh hưởng quá lớn. 

Năm 2022, Dệt May Thành Công đặt kế hoạch doanh thu 4.183 tỷ đồng và 253,8 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 18% và 76% so với năm trước. Cổ tức dự kiến 20%.

Cơ sở để Công ty đạt kế hoạch, theo ông Jung Sung Kwan, Tổng giám đốc đến từ cơ hội khả quan như thị trường Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần đơn hàng xuất khẩu -  tạo cơ hội cho thị trường Việt Nam. Ngoài ra, các đơn vị may của Trung Quốc đa phần sẽ đa dạng hóa sản phẩm, trong khi ở Việt Nam để có thể làm song song các sản phẩm rất ít và Dệt May Thành Công làm được điều đó.

Định hướng phát triển Công ty tập trung 3 vấn đề chính gồm, đa dạng hóa sản phẩm; đa dạng hóa thị phần và tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Hiện tại, bên cạnh châu Mỹ đang là thị trường xuất khẩu chính, Công ty sẽ gia tăng thị phần ở châu Âu và châu Á.

"Tôi đã có kinh nghiệm tại thị trường Hàn Quốc, bản thân tôi có những kênh bán hàng và những mối quan hệ có thể mở rộng những kênh khách hàng và nhận thêm nhiều đơn hàng nữa không chỉ đến từ E-land", Tổng giám đốc Dệt May Thành Công nói.

Cuối cùng, mục tiêu của người đầu tàu là tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ông Tổng giám đốc thông tin sẽ xây dựng cấu trúc lợi nhuận bền vững bằng việc cải tổ chức, làm sao để tạo sản phẩm với giá thành thấp, cạnh tranh, nhưng sản phẩm tốt.

Bên cạnh đó, Công ty đã khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 5/2021, diện tích 3,2 ha, tại Khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long, tổng vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD (chưa bao gồm chi phí thuê đất). Nhà máy có công suất 9 triệu sản phẩm/năm, khoảng 1.500 công nhân, hiện đã và đang lắp đặt máy móc thiết bị và dần đi vào hoạt động từ đầu tháng 3/2022 – góp phần vào doanh thu cả năm.

Ông Tùng chia sẻ thêm, nhà máy mới cần có thời gian để cải thiện công suất, đơn hàng hiện tại khá tốt, các thị trường phục hồi tốt đặc biệt là thị trường Mỹ. Thành Công đã nhận đơn hàng cho tới quý III và đã đủ đơn hàng để đưa vào nhà máy mới này. Các khách hàng Mỹ và châu Âu hiện đánh giá cao nhà máy Vĩnh Long của Công ty.

Ngoài ra, Công ty đã làm điện áp mái tại nhà máy Vĩnh Long và thay đổi chất đốt tại nhà máy nhuộm, sử dụng trấu thay vì than đá để giảm lượng CO2. "Đây là vấn đề các khách hàng quốc tế sẽ rất quan tâm. Trong năm nay, Công ty cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ thiên nhiên và thân thiện với môi trường thông qua bộ phận R&D", ông Tùng cho biết.

Với mảng bất động sản, Thành Công nỗ lực hoàn thành hồ sơ pháp lý, xin giấy phép xây dựng trong thời gian nhanh nhất cho dự án TC1 tại số 37 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP .HCM.

Đại hội đồng cổ đông Dệt May Thành Công cũng đã thông qua kế hoạch điều chỉnh phương án phân phối lợi nhuận 2021 từ mức 25% xuống còn 15%, tương ứng phát hành thêm 10,7 triệu cổ phiếu. 

Trả lời cổ đông về việc dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh, phong toả xã hội ở Trung Quốc liệu có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Dệt May Thành Công không, ông Song Jae Ung, Phó tổng giám đốc cho biết, Công ty chuyên sản xuất theo chuỗi khép kín nên việc Trung Quốc đóng cửa không ảnh hưởng nhiều đến Công ty. Số lượng nhập của Công ty từ Trung Quốc chỉ có một ít không đáng kể.

Kết thúc quý I/2022, Dệt May Thành Công ghi nhận doanh thu đạt hơn 47 triệu USD, tăng 19% và lãi sau thuế hơn 3 triệu USD, tăng 17%. Riêng trong tháng 3, doanh thu tăng 26%, lên gần 18.7 triệu USD và lãi sau thuế tăng 55%, đạt hơn 1,3 triệu USD.

Lợi nhuận của Dệt may Thành Công bắt đầu bị bào mòn vì chi phí đầu vào tăng
Chi phí đầu vào và chi phí sản xuất tăng cao khiến doanh thu 2 tháng đầu năm của Dệt may Thành Công tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lãi ròng lại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư