Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dệt may xuất sang châu Âu phải có tuổi thọ cao, tái chế được
Thế Hải - 04/04/2022 09:43
 
Quy định mới của Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được.
Theo quy định mới của EU, Hàng dệt may vào thị trường Châu Âu phải có tuổi thọ cao, tái chế được.
Theo quy định mới của EU, hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường phải có tuổi thọ cao, tái chế được.

Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) quy định sinh thái của Liên minh châu Âu vốn được áp dụng cho các sản phẩm liên quan đến năng lượng, nay sẽ mở rộng sang hàng điện tử, dệt may, đồ nội thất, đệm và lốp xe… nhằm chấm dứt mô hình kinh doanh công nghệ và thời trang với các sản phẩm có vòng đời ngắn ở châu Âu.

Quy định mới này yêu cầu hàng dệt may vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn này, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường.

Khi hàng dệt may không còn sử dụng được, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế, hạn chế tối đa việc đốt và chôn lấp các sản phẩm. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm.

Quy định sinh thái của Liên minh châu Âu cũng kêu gọi các công ty thời trang giảm số lượng bộ sưu tập mỗi năm.

Đề xuất của EC về các tiêu chuẩn sinh thái áp dụng cho nhiều loại hàng hoá trong đó có hàng dệt may phản ánh phần nào xu thế tiêu dùng xanh của thị trường châu Âu. Đây là những thông tin mà các hãng thời trang, những doanh nghiệp may mặc làm ăn ở thị trường châu Âu, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, cần sớm cập nhật.

Với quy định này của EC, ngành dệt may Việt Nam phải thay đổi để đáp ứng quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại EU.

Dệt may là ngành có tác động lớn thứ tư đến môi trường và biến đổi khí hậu. Do đó, chiến lược mới sẽ đảm bảo hàng dệt may được sản xuất bền hơn, có thể sửa chữa, tái sử dụng và tái chế, nhằm giải quyết nhanh chất thải thời trang và dệt may.

Các sản phẩm dệt may phải được làm từ càng nhiều sợi tái chế càng tốt, không chứa chất độc hại và tôn trọng đầy đủ các quyền xã hội, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ hàng dệt may chất lượng cao bền hơn.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đánh giá, "xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là EU, vốn là thị trường nhập khẩu khoảng 4,5 tỷ USD hàng hóa dệt may từ Việt Nam (năm cao điểm nhất).

Thực tế, thời gian qua, một số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới tại Việt Nam đã phải tuân thủ những yêu cầu liên quan “xanh hóa” trong sản xuất. 

Các nhãn hàng đánh giá sự phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của doanh nghiệp về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu. Trong các FTA thế hệ mới, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)  đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. 

Xu hướng các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới, đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam đang chuyển sang ưu tiên đặt hàng từ các doanh nghiệp xanh. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… sẽ có nguy cơ bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng.

Thậm chí, hàng trăm nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp.

Do đó, yêu cầu các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cung cấp và gia công cho các nhãn hàng này cần phải thực hiện sản xuất theo hướng giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, nước; sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường; doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư