Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
ĐHCĐ TPBank: Chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu, đặt mục tiêu lọt Top 5 ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam
Như Loan - 27/05/2020 13:16
 
Sáng 27/5, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020.
a
TPBank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 5% năm 2020 để tập trung hỗ trợ doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh tốt nhất 13 năm qua

Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú cho biết năm 2019 là năm đạt dấu mốc quan trọng của TPBank với kết quả lợi nhuận cao nhất trong 12 năm với lợi nhuận trước thuế trên 3.800 tỷ đồng, các chỉ tiêu kinh doanh vượt mức tất cả chỉ tiêu kinh doanh đã đặt ra.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt trên 3.868 tỷ đồng, tăng 71,3% so với năm trước và đạt 121,75% kế hoạch. Tổng huy động vốn đạt trên 147.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018; tổng dư nợ đạt gần 102.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20%. Chất lượng tín dụng của ngân hàng vẫn luôn được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, dưới 1.3%. Đặc biệt, toàn bộ nợ xấu VAMC đã được tất toán, TPBank tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất trên thị trường.

Về quản trị ngân hàng, TPBank đã tập trung hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động theo thông lệ quốc tế, trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai đầy đủ 3 trụ cột theo chuẩn Basel II trước thời hạn so với lộ trình của NHNN.

Tiếp tục định hướng ngân hàng số hàng đầu, TPBank đã cho ra mắt nhiều sản phẩm công nghệ số vượt trội như eBank X, phát triển mạnh mẽ mạng lưới “ngân hàng không ngủ” LiveBank, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như nhận dạng sinh trắc học biometric, công nghệ blockchain, AI, bigData, tiên phong phát hành thẻ Visa Signature bằng kim loại đầu tiên tại Việt Nam…

Năm 2020: Tập trung hỗ trợ khách hàng, lọt Top 5 ngân hàng bán lẻ hàng đầu  

Báo cáo Đại hội, lãnh đạo TPBank cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến năm 2020 thị trường sẽ còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm hơn trước. Do đó TPBank cũng phải điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận chỉ tăng 5% so với năm 2019, tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Đồng thời vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới, nâng cao hiệu quả hoạt động…

Được biết, trong quý I/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa nhiều nên TPBank vẫn ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 1.009 tỷ đồng, tăng 18%; tổng huy động của TPBank đạt gần 158.000 tỷ đồng, tăng gần 33.000 tỷ đồng tương đương 26%; tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 176.000 tỷ đồng, tăng trên 26% so với cùng kỳ 2019. Tổng dư nợ thị trường 1 tính đến cuối quý đạt trên 111.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức thấp hơn nhiều so với chuẩn quy định của NHNN ngay cả khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo kế hoạch đề ra, năm 2020, TPBank tăng trưởng tổng tài sản 9% lên 180.000 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ thêm 19% lên 10.199 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay và trái phiếu được NHNN cấp hạn mức tăng 11,5% nhưng ngân hàng dự kiến xin trình lên 15%. TPBank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 4.068 tỷ đồng, tăng 5%. Kế hoạch này của TPBank đã tính đến những ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 tới hoạt động kinh doanh.

f
Năm 2020, TPBank chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn  

Trọng tâm của TPBank năm 2020 là vừa phòng chống dịch, đảm bảo an toàn nhưng cũng khẩn trương tập trung triển khai các phương án kinh doanh và đưa ra các phương án hỗ trợ khách hàng phù hợp.

Trong suốt 3 tháng vừa qua, TPBank đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng như cơ cấu nợ, giãn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đồng thời đưa ra nhiều gói vay mới với lãi suất ưu đãi, giảm so với quy định từ 1,5 – 2,5% với tổng giá trị lên tới 19.500 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã giảm lãi suất từ 0,5 - 1,5% cho hàng chục nghìn khách hàng đang vay, số dư nợ được giảm lãi lên tới hơn 26.400 tỷ đồng với số tiền giảm lãi làm giảm lợi nhuận của ngân hàng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tăng cường hệ thống giám sát rủi ro, quản trị rủi ro theo Basel II, tuân thủ các Thông tư và quy định về an toàn hoạt động nhằm đảm bảo các chỉ số an toàn theo đúng quy định của NHNN và thông lệ quốc tế.

Theo lộ trình chiến lược đến năm 2022 đã đề ra, TPBank ưu tiên tập trung các lĩnh vực mũi nhọn như: Tài trợ thương mại, ứng dụng công nghệ cao, tập trung lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nâng cao việc cung cấp dịch vụ thu phí cho các doanh nghiệp SME, khách hàng cá nhân, khách hàng ưu tiên.

Năm nay, TPBank  tiếp tục kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8.566 tỷ đồng lên 10.199 tỷ đồng bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 20%, dự kiến thực hiện trong quý III và quý IV/2020. 

Đồng thời, tiếp tục kiên định với định hướng trở thành Ngân hàng hàng đầu về phát triển và ứng dụng công nghệ, TPBank tập trung xây dựng các sản phẩm mũi nhọn, có tính đột phá mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng; ứng dụng công nghệ mới nhằm đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, khuyến khích giao dịch trực tuyến…

Tại đại hội, HĐQT TPBank cũng đệ trình ĐHĐCĐ thông qua định hướng chiến lược phát triển của ngân hàng với mục tiêu trở thành Top 5 ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong số các ngân hàng TMCP Việt Nam.

Đại hội kết thúc với sự nhất trí thông qua toàn bộ các nội dung được đệ trình với tỷ lệ nhất trí gần như tuyệt đối của các cổ đông.     

Hơn 12.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng đang được TPBank gấp rút triển khai
Ban hành các gói ưu đãi lãi suất với mức ưu đãi từ 1.5-2.5% với tổng số tiền lên tới hơn 12.000 tỷ đồng ở nhiều phân khúc, lĩnh vực khác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư