Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
ĐHĐCĐ BIDV: Lợi nhuận quý I/2023 tăng 58%, không bỏ rơi doanh nghiệp bất động sản
H.T - 28/04/2023 14:18
 
Sáng nay (28/4), BIDV tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, hé lộ kết quả kinh doanh khả quan quý I/2023 cũng như thông qua kế hoạch tăng vốn tham vọng.

Lợi nhuận quý I/2023 tăng mạnh, thông qua phương án tăng vốn lên 61.557 tỷ đồng

Thông tin tại Đại hội sáng nay, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT cho hay, tính đến hết quý I/2023, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng tăng 5%, huy động vốn tăng 2,3%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng.

Năm 2023, BIDV trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 10-15% , phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực của BIDV và phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 1,4%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng; bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của BIDV là 18.064 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là 12.571 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dùng 11.634 tỷ đồng lợi nhuận để lại năm 2022 để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 23% so với vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022.

Tại ĐHĐCĐ sáng nay, cổ đông cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ trong năm 2023 thông qua hai cấu phần.

Thứ nhất, Ngân hàng sẽ phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2022. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận còn lại năm 2021 sau trích lập cá quỹ. Thời gian thực hiện trong năm 2023. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng thêm hơn 6.419 tỷ đồng.

Thứ hai, BIDV cũng tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022). Vốn điều lệ theo phương án này sẽ tăng thêm 4.552 tỷ đồng.

Đã tiếp xúc 38 nhà đầu tư, có thể phát hành riêng lẻ năm 2023

Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 9%  đề ra từ rất lâu song vẫn chưa thực hiện, ông phan Đức Tú cho biết, năm qua, Ban lãnh đạo BIDV đã hết sức nỗ lực, tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua, nhưng có điều không thuận lợi là tình hình kinh tế các nước, sự thu hẹp của khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đối với thị trường mới nổi, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước sẽ làm giảm sút việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Tuy vậy, BIDV vẫn đang nỗ lực xúc tiến việc phát hành riêng lẻ. Hiện có một số nhà đầu tư tiềm năng rất quan tâm, song BIDV chưa thể công bố tên tuổi. 

“Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023”, ông Phan Đức Tú cho hay

Không bỏ rơi mà sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản

BIDV là một trong các ngân hàng cho vay nhà ở nhiều nhất trên thị trường hiện nay. Trả lời câu hỏi của cổ đông Vinacapital về tín dụng bất động sản, ông Phan Đức Tú khẳng định, bất động sản có sức lan tỏa lớn, kéo theo 70 ngành kinh tế. Người dân Việt Nam coi bất động sản là một tài sản tích luỹ.

Lãnh đạo BIDV cho hay, đầu năm nay, ngân hàng đã gặp gỡ 15 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu và xác nhận hơn 70% là khó khăn về pháp lý, các điều kiện để mở bán, còn lại khoảng 30% là vấn đề vốn. Ngay cả vướng mắc về vốn tại ngân hàng thì cũng ảnh hưởng từ vấn đề pháp lý.

Thông tin thêm, ông Phan Đức Tú cho hay, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại BIDV chiếm hơn 2% tổng dư nợ và hco vay người mua nhà chiếm 15% tổng dư nợ. Từ đầu năm tới nay, BIDV không thắt chặt mà tiếp tục bơm vốn cho các dự án bất động sản tốt, trong quý I/2023, ngân hàng đã bơm ra khoảng 13.463 tỷ đồng cho các dự án bất động sản.  Những doanh nghiệp bất động sản có đủ điều kiện pháp lý, có hàng hoá để thanh khoản trên thị trường… là điều kiện tiên quyết để BIDV cấp vốn.

“Bất động sản là ngành quan trọng của nền kinh tế. Chúng tôi không bỏ rơi mà sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp bất động sản”, Chủ tịch BIDV khẳng định.

Áp lực trích lập dự phòng giảm

Bất chấp lợi nhuận quý I/2023 gia tăng, song nợ xấu gia tăng đang là nỗi lo hiện hữu của tất cả ngân hàng. Chủ tịch BIDV thừa nhận, xu hướng năm nay nợ xấu có nhiều khả năng tăng hơn năm ngoái. BIDV cũng lường trước kế hoạch này, kế hoạch năm nay là giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4% (vào cuối năm trước là 0,98%), số trích dự phòng dự kiến khoảng 20.000 - 21.000 tỷ đồng.

Mặc dù mức trích lập rất lớn song vẫn thấp hơn năm ngoái. Nguyên nhân là năm 2022 và những năm trước đó, BIDV đã trích lập dự phòng rất lớn cho các khoản nợ có vấn đề và đã trích thêm, trích trước cho các khoản nợ ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Quỹ dự phòng của BIDV hiện nay là tương đối lớn, khoảng 38.000 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 226%. Do đó, việc giảm thời gian trích lập sẽ được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo lợi ích của cổ đông, Nhà nước.

Mặc dù lợi nhuận cao, dự phòng giảm, song với quy mô tổng tài sản 2 triệu tỷ đồng, thì tỷ suất lợi nhuận của BIDV vẫn còn thấp nếu so sánh với nhiều ngành khác. Lý giải về vấn đề này, ông Phan Đức Tú cho hay, biên lãi thuần (NIM) các ngân hàng đang thấp đi và của BIDV cũng vậy. Năm nay, BIDV chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 10-15%. Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước hiện đang cố gắng đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn nên tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn so với các ngân hàng cổ phần.

Lợi nhuận ngân hàng năm 2023: Big 4 có nhiều lợi thế tăng trưởng
Theo báo cáo của WiGroup, năm 2023, các ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực tăng trưởng. Tuy nhiên, khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lại có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư