Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Lợi nhuận ngân hàng năm 2023: Big 4 có nhiều lợi thế tăng trưởng
T.L - 21/02/2023 16:38
 
Theo báo cáo của WiGroup, năm 2023, các ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực tăng trưởng. Tuy nhiên, khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lại có nhiều lợi thế.
f
Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là điểm tựa vững chắc của ngành ngân hàng

Báo cáo cho thấy, trong quý IV/2022, lợi nhuận ngành ngân hàng đạt gần 43.000 tỷ đồng, tăng trưởng 17,9% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng của cả ngành trong các tháng cuối năm đến chủ yếu từ các ngân hàng thương mại nhà nước với mức tăng trưởng 57,3% so với năm 2022 và nhóm ngân hàng duy nhất tăng trưởng lợi nhuận so với quý liền kề (tăng 25%).

Sau năm tăng trưởng đột phá (năm 2022), năm nay, ngành ngân hàng sẽ chịu áp lực lớn về tăng trưởng. Những dấu hiệu suy yếu dần xuất hiện vào cuối năm ngoái.

Về huy động vốn không kỳ hạn (CASA) - yếu tố đóng góp lớn vào lợi nhuận ngân hàng - nhìn chung CASA của các ngân hàng đều suy giảm, nhất là những tháng cuối năm. Sự sụt giảm lớn nhất diễn ra tại các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ (như VietABank, KienLongBank..), khi dòng tiền chạy khỏi các ngân hàng này trước những rủi ro sụp đổ liên quan đến tính thanh khoản.

Riêng tại các ngân hàng thương mại nhà nước, mức biến động CASA trong năm 2022 lại gần như không đáng kể. Vietcombank đã thu hẹp khoảng cách với nhóm top đầu từ khoảng 15% so với trước kia, xuống chỉ còn chưa đến 1,5%.

Theo nhận định của WiGroup, cuộc đua về tỷ lệ CASA năm 2023 sẽ tiếp tục có lợi cho các ngân hàng thương mại quốc doanh nhờ vào những lợi thế sẵn có và sự thay đổi trong chính sách về phí dịch vụ của các đơn vị này.

Thanh khoản toàn hệ thống đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, đối với nhóm các ngân hàng vừa và nhỏ còn lại, nhu cầu vốn huy động để đảm bảo an toàn cho vay vẫn còn tương đối lớn, thể hiện qua việc tỷ lệ LDR có xu hướng tiếp tục phá đỉnh trong quý IV/2022, đạt mức 79%.

Trong giai đoạn sắp tới, với việc áp dụng thông tư 26/2022/TT-NHNN, thanh khoản toàn hệ thống được dự báo sẽ được cải thiện tích cực, đặc biệt là đối với nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước - nơi tập trung tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Theo cách ghi nhận mới, tỷ lệ LDR tại các ngân hàng trên sẽ về mức quanh 81% tạo dư địa cho việc mở rộng cho vay trong năm 2023 và giảm áp lực lên lãi suất.

NIM (chênh lệch lãi suất huy động/cho vay) của các ngân hàng năm nay dự báo sẽ bị thu hẹp đáng kể để các ngân hàng triển khai các gói hỗ trợ về vốn cho nền kinh tế và tăng trích lập dự phòng trong bối cảnh nợ xấu gia tăng.

Trong khi đó, số lượng các ngân hàng dễ bị tổn thương bởi nợ xấu đang tăng lên. Đà tăng của nợ xấu đã chậm lại trong quý IV/2022 tuy nhiên, dự phòng cho vay khách hàng đã giảm 11% so với quý trước.  

Theo dự báo, năm nay, bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngân hàng thương mại. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn là điểm tựa vững chắc cho tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành trong các quý sắp tới.

Hienejt ại, về mặt định giá, P/B của ngành ngân hàng tính đến thời điểm ngày 13/2/2023 đã đạt 1,51 lần, tiệm cận với vùng trung bình 10 năm. Mức định giá chung này không còn quá hấp dẫn như giai đoạn trước.  

Big 4 ngân hàng sắp có thêm khoảng 150.000 tỷ đồng thanh khoản để cho vay thêm?
NHNN không nới tỷ lệ LDR từ 85% lên 90% như kỳ vọng của các ngân hàng, song bổ sung quy định giúp các ngân hàng thương mại thêm dư địa thanh khoản,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư