Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
ĐHĐCĐ FECON: Đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng
Kỳ Thành - 27/04/2023 15:30
 
FECON đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 25% với dự báo ngành xây dựng sẽ tăng trưởng trở lại, giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắt còn tồn tại.

Sáng 27/4, Công ty cổ phần FECON (mã FCN - HoSE) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Với hơn 61% cổ phần có quyền biếu quyết tham dự, tất cả các tờ trình đã được Đại hội thông qua.

Mảng đầu tư đã bắt đầu có thành quả đáng kể

Báo cáo tại Đại hội, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON cho biết, năm 2022, nền kinh tế chịu nhiều biến động do ảnh hưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản cũng như dòng tiền thắt chặt khiến cho ngành xây dựng, bất động sản gặp không ít khó khăn. Không nằm ngoài tình hình chung của thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh năm vừa qua của FECON không đạt kế hoạch đặt ra đầu năm.

Theo các chỉ tiêu tài chính đạt được ghi nhận trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, tính tới 31/12, tổng tài sản Công ty đạt 7.581 tỷ đồng, giá trị hợp đồng ký mới đạt 3.500 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 3.046 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 52 tỷ đồng.

Nguyên nhân căn bản tác động đến kết quả này là những yếu tố khách quan đến từ nền kinh tế, thị trường bất động sản và thị trường tài chính.

Cụ thể, lĩnh vực thi công: hầu hết các dự án không đạt lợi nhuận kế hoạch do chi phí đầu vào tăng cao, nhiều gói thầu bị lỗ. Một số dự án FECON đã ký hợp đồng nhưng chưa triển khai trong năm 2022 do chưa giải phóng mặt bằng hoặc chưa thu xếp được nguồn vốn như dự án Metro Line 3 Hà Nội, gói thầu đào hầm, dự án Khách sạn Đông Hương Thanh Hóa, dự án Khách sạn Golden Đà Lạt Lâm Đồng…

Năm 2022, FECON đã ký kết và triển khai nhiều dự án như: Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 - Hà Tĩnh, Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè - TP.HCM; Dự án cảng Lạch Huyện 5 - 6 - Hải Phòng; Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 - 4 - Đồng Nai; Dự án Tổ hợp thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2 - Quảng Ngãi... Các dự án này đã giúp Tập đoàn duy trì hoạt động và giữ vị thế trên thị trường, thể hiện sự ghi nhận và đánh giá đúng mức của khách hàng về năng lực FECON trong ngành xây dựng, đặc biệt đối với các dự án lớn có yêu cầu cao về chất lượng. 

Lĩnh vực đầu tư: nỗ lực từ mảng đầu tư từ nhiều năm trước đã bắt đầu có thành quả và đã đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn trong năm 2022. FECON đã thành công trong việc nhận được quyết định trở thành Chủ Đầu tư cho 2 dự án: Dự án Cụm Công nghiệp Đoan Bái - Danh Thắng tại Bắc Giang diện tích 75 ha; Dự án khu đô thị Square City tại Phổ Yên - Thái Nguyên diện tích 24 ha và đã thực hiện thành công Dự án Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 theo kế hoạch để thu về lợi nhuận cho Công ty và sẵn sàng triển khai các dự án mới.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Công ty cổ phần FECON.

Đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng năm 2023

Mặc dù vậy, ông Phạm Việt Khoa cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị và cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ thi trường. Chính vì vậy, theo ông Khoa, thị trường xây dựng của Việt Nam sẽ có nhiều dư địa phát triển khi thực tế thị trường đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Dự báo ngành xây dựng sẽ tăng trưởng trở lại, giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắt còn tồn tại, FECON đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 25%; lãi sau thuế hợp nhất đạt 125 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với kết quả thực hiện năm 2022.

Trong đó, hoạt động đầu tư được dự báo mang về 60 tỷ đồng, chiếm 48% kế hoạch và hoạt động chính là 65 tỷ đồng, chiếm 52%.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh quý I/2023, FECON cho biết, dù nền kinh tế vẫn chưa phục hồi như mong đợi do tác động kép của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán, nhưng hoạt động kinh doanh của FECON vẫn ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Đơn cử, trong tháng 3/2023, FECON đã trúng 4 gói thầu với tổng trị giá gần 400 tỷ đồng ở lĩnh vực thi công nền móng và công trình ngầm. Cụ thể là gói thầu “cung cấp, thi công cọc đại trà và thí nghiệm cọc”  tại dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 với tổng giá trị hợp đồng đạt 179 tỷ đồng; gói thầu “Thi công tường vây phía Nam nhà ga 11” trị giá hơn 62 tỷ đồng, sau rất nhiều gói thầu được ký thuộc dự án Tuyến đường sắt đô thị (Metro Line 3); một hợp đồng mới trị giá 75 tỷ đồng tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II; gói “Thi công xây dựng đoạn tuyến Km91+800 - Km114+200” với giá trị 147 tỷ đồng thuộc Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc FECON cho biết, dự kiến doanh thu quý I/2023 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt 609 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế khoảng 3 tỷ đồng.

Tham gia các dự án hạ tầng không theo trào lưu

Trả lời câu hỏi của các cổ đông về định hướng dài hạn, lãnh đạo của FECON cho biết, thời gian tới, Công ty tiếp tục tập trung cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp như nhiệt điện, điện khí, cảng biển. Đối với dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng, FECON đã hoàn thành chốt “deal” thoái vốn và nếu mọi việc thuận lợi sẽ đóng deal trong quý III - IV năm nay. Việc chốt deal thành công dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 trong năm 2022 đã giúp Công ty ghi nhận doanh thu, lợi nhuận và đã sẵn sàng nguồn tiền đầu tư các dự án tiếp theo.

Đối với mảng hạ tầng, ông Khoa cho biết, trong năm 2022 - 2023, Chính phủ đã rất nỗ lực kích cầu thông qua đầu tư công, đặc biệt là các gói thầu thuộc các dự án cao tốc, sân bay Long Thành, cảng biển; các địa phương cũng thúc đẩy đầu tư một số dự án trọng điểm.

“Xu thế này tạo việc làm cho các công ty hạ tầng, nhất là các tổng công ty lớn. Tuy nhiên chúng tôi đã xem xét rất kỹ và FECON chưa thực sự tham gia vì nhìn nhận thấy một số rủi ro liên quan đến vấn đề chi phí đầu tư, đơn giá nguyên vật liệu”, ông Khoa nói.

FECON sẽ tham gia một phần dự án sân bay Long Thành và tham gia một số dự án của các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh thành lân cận 2 thành phố lớn.

“FECON sẽ tham gia các dự án chắc chắn về vốn và dòng tiền, không theo trào lưu”, ông Khoa khẳng định.

Về lĩnh vực bất động sản, FECON đang cố gắng, nỗ lực để có thể ghi nhận một phần doanh thu từ Dự án Khu đô thị Square City. Công ty kỳ vọng sẽ có nhà đầu tư thứ cấp tham gia vào khu cao tầng để ghi nhận ngay doanh thu, nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc, do dự án có vị trí rất tốt, gần nhà máy Samsung Thái Nguyên.

Về định hướng phát triển song song hạ tầng và bất động sản, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên FECON chưa thể triển khai, nhưng kỳ vọng sẽ có thể được tháo gỡ, triển khai trong những năm tới.

“FECON vẫn định hướng phát triển hạ tầng cùng với bất động sản vì đây là sở trường. Trong đó ưu tiên các dự án bất động sản công nghiệp, đô thị vệ tinh của các thành phố lớn. Chúng tôi có đối tác tốt từ Nhật Bản, Singapore để hợp tác”, ông Khoa cho hay.

FECON nhận quyết định đầu tư Dự án Khu đô thị Nam Thái tại Thái Nguyên
Ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, Công ty cổ phần FECON Phổ Yên, thuộc Công ty cổ phần FECON (mã FCN - sàn HoSE) thông báo chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư