Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Di tích Nhà sàn trong “cõi Bác xưa”
Nguyễn Thị Thu Hằng (*) - 19/05/2023 08:44
 
Nhà sàn trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một di tích đặc biệt quan trọng gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1958 - 1969 hào hùng của lịch sử dân tộc. Trải qua 65 năm, hình ảnh Nhà sàn giản dị, đơn sơ đã trở thành biểu tượng cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân ta.
Khách trong nước và quốc tế thăm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Khách trong nước và quốc tế thăm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Kháng chiến chống Pháp thành công, tháng 12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội. Người đã chọn ngôi nhà nhỏ cạnh bờ ao, vốn là nhà của người thợ điện trong khu vực dành cho nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương, để ở và làm việc.

Năm 1958, sau gần 4 năm tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, ở miền Bắc, cơ sở vật chất của xã hội bước đầu được củng cố và phát triển, đời sống nhân dân phần nào được nâng lên, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mong muốn xây dựng một ngôi nhà mới để Chủ tịch Hồ Chí Minh có nơi ở, làm việc được tốt hơn.

Sau buổi gặp mặt đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc và chuyến đi thăm một số nơi ở tỉnh Thái Nguyên, Người nói: “Trung ương đề nghị xây cho Bác một ngôi nhà mới, Bác nghĩ nên làm một căn nhà nho nhỏ ở phía bên kia bờ ao theo kiểu nhà đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, giống như ngôi nhà Bác đã từng ở trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp”.

“Nhà gác đơn sơ một góc vườn…”

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, Cục phó Cục Thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông Thủy lợi được giao nhiệm vụ thiết kế, chỉ đạo xây dựng ngôi nhà. Kiến trúc sư đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến trao đổi.

Người đề nghị, nhà sàn chỉ nên làm đủ cho một người ở; gỗ dựng nhà không nên dùng gỗ quý; hành lang nên làm rộng, vừa ngồi đọc sách, vừa thuận tiện cho việc qua lại; cầu thang lên trên nhà rộng đủ để hai người cùng đi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề nghị, khách của Bác nhiều, có lúc phải tiếp đông các cháu, vì vậy, thiết kế cho Bác một bệ xi măng lát gỗ bao quanh.

Ngày 15/4/1958, Nhà sàn bắt đầu được khởi công xây dựng. Anh em cán bộ chiến sĩ làm việc khẩn trương để hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất, kịp mừng sinh nhật lần thứ 68 của Người.

Khi đi công tác về, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen anh em làm như thế là nhanh, tốt, bảo đảm thời gian, nhưng nhắc nhở, so với ý định ban đầu thì tốn kém hơn đôi chút. Người nói: “Nước ta còn chưa giàu, dân ta còn khổ, chưa đủ nhà ở. Bác ở như thế này là tốt lắm rồi”.

Để hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đừng quá nặng tìm kiếm những pho sách đồ sộ mà độ dày có thể lấy thước đo, nên bắt đầu tìm hiểu từ chính cuộc sống đời thường.

- Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sàn được xây dựng theo hình dáng nhà sàn bằng tre nứa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc. Nhà sàn gỗ cao hơn 2 m. Tầng trên chia làm 2 phòng, mỗi phòng khoảng 10 m2, một phòng ở, một phòng làm việc, xung quanh hành lang rộng có mành che. Trong phòng ngủ kê một chiếc giường nhỏ.

Khi khánh thành Nhà sàn, Bác được biếu những cặp chiếu đẹp, nhưng không dùng, mà để tặng cho bệnh viện, nhà trẻ. Bác nói không quen nằm chiếu hoa, cho Bác một chiếu trơn thôi. Đầu giường có một gối trơn, một chăn đơn và chiếc quạt lá cọ. Bác không muốn cuộc sống của mình xa cách nhân dân trong lúc còn khó khăn, thiếu thốn.

Bên cạnh phòng ở là phòng làm việc. Bức vách gỗ ngăn 2 phòng được cải tạo làm giá sách. Anh em bắc 3 thanh gỗ, làm thành mấy bậc, tựa như một cái tủ không có cửa đóng. Trên mấy bậc ấy để tờ báo, một số cuốn sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, một hình Lê-nin. Cái máy chữ Héc mét đã dùng mấy chục năm để ở ngăn cuối cùng và một đôi thứ đồ dùng lặt vặt. Thường ngày Bác ngồi làm việc, trông thẳng ra hồ.

“Trong văn thơ viết về ngôi nhà sàn của Bác ‘lộng gió bốn phương’, đấy là hình ảnh thơ văn, còn ngôi nhà sàn gỗ mỏng, khuất trong khu vườn bách thảo nên bí, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh”. Đồng chí Việt Phương, người thư ký lâu năm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, từng có nhiều thời gian gắn bó, làm việc ở Khu Phủ Chủ tịch kể lại trong hồi ký: “Nhà sàn không có một chút gì là sang và to cả. Nhỏ nhắn và thanh bạch… Sau khi Bác mất, cái nhà sàn được chụp đăng trên báo, ta thấy nó nhỏ, nhưng thật ra nó còn nhỏ hơn thế”.

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo nhiều tác phẩm, tài liệu quan trọng

Nhà sàn phản ánh đời sống thanh bạch, cần kiệm, trong khi tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh lộng gió thời đại.

Tại Nhà sàn, nhiều tác phẩm viết về những vấn đề quan trọng của đất nước, của nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo.

Ngày 10/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu thảo tài liệu Tuyệt đối bí mật (Di chúc) để phòng khi Người “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột” .

Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian từ năm 1965 đến năm 1969, trở thành một văn kiện lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh trong đó những tư tưởng, đạo đức cao đẹp của Người.

Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đi sơ tán khỏi Thủ đô Hà Nội, mà vẫn sống và làm việc tại Nhà sàn để chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Điều đặc trưng riêng biệt của di tích Nhà sàn chính là sự vĩ đại của vĩ nhân lại được biểu hiện qua những cảnh quan, sự vật khiêm nhường luôn muốn ẩn mình đi để vun đắp, nuôi dưỡng những giá trị cao quý của đất nước, nhân dân. 

Ngày 17/7/1966, Người đã ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Người không chỉ cổ vũ nhân dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi, mà sau đó đã trở thành chân lý thời đại.

Điều đặc trưng riêng biệt của di tích Nhà sàn chính là sự vĩ đại của vĩ nhân lại được biểu hiện qua những cảnh quan, sự vật khiêm nhường luôn muốn ẩn mình đi để vun đắp, nuôi dưỡng những giá trị cao quý của đất nước, nhân dân.

“Không một thứ gì đài các đôi chút mà có thể đứng được ở nhà sàn. Nó lạc lõng ngay lập tức. Năm Bác đã 79 tuổi, Bác mệt, anh em sợ Bác ngồi toàn trên ghế gỗ có lúc mỏi nhiều, mới mang hai cái ghế, một ghế tựa lưng, một ghế đẩu, từ nhà khách sang, để Bác ngồi trên ghế có đệm và thỉnh thoảng mệt thì đặt chân lên ghế đẩu đệm bông cho đỡ mỏi. Đặt đấy vài ngày, Bác chẳng dùng đến. Một hôm, Bác bảo: Trông mấy thứ này nó đài các thế nào ấy. Bác chẳng dùng đâu, thôi mang cất nó đi”.

Bài học đạo đức cách mạng

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, để hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đừng quá nặng tìm kiếm những pho sách đồ sộ mà độ dày có thể lấy thước đo, nên bắt đầu tìm hiểu từ chính cuộc sống đời thường.

Những câu chuyện về cuộc đời của Người đã trở thành kinh điển để lại cho đời sau không chỉ hình bóng và tư tưởng của một lãnh tụ vĩ đại, mà còn in dấu của một trong những thời kỳ hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc.

Khi soi vào cuộc đời rất bình dị nhưng vô cùng vĩ đại ấy, chúng ta tìm thấy rất nhiều bài học lớn. Những giá trị lịch sử, văn hóa của Nhà sàn không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống khiêm tốn, giản dị, tinh thần cách mạng và tình yêu nhân dân, đất nước tha thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn mang ý nghĩa giáo dục, nêu gương sâu sắc.

Hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đang được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Nhìn lại những vụ án trọng điểm mới đây, như vụ Việt Á, vụ án “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)…, có thể thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Phòng, chống tham nhũng không chỉ là công việc lớn của cả hệ thống chính trị, mà còn phải là cuộc đấu tranh không ngơi nghỉ ngay trong chính bản thân mỗi con người. Sự tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong các vụ án trọng điểm càng làm chúng ta trân trọng giá trị, ý nghĩa của việc giữ mình, rèn mình theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân”, nên mỗi cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Trong 65 năm qua, Nhà sàn nằm giữa vườn cây xanh mát, bên cạnh ao cá đã trở nên thân quen, gần gũi trong niềm thương, nỗi nhớ của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu Bác Hồ. Đi trong “cõi Bác xưa”, câu thơ của Tố Hữu nói thay chúng ta tình cảm với Người: “Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn/Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Nói về Di tích Nhà sàn trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ: “Đây là nơi mọi người dân trong nước và bạn bè quốc tế đến để tưởng nhớ, hiểu biết về công lao to lớn của Bác và đặc biệt là học tập, làm theo tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đây, mỗi người đều lắng đọng suy ngẫm về bản thân để tu dưỡng, rèn luyện và làm việc xứng đáng với Bác”.

(*) Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Sức khoẻ và thể dục" ngày 27/3/1946
Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Sức khoẻ và thể dục” đăng trên báo Cứu quốc số 199, nhằm kêu gọi toàn dân tham gia tập luyện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư