Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Điểm "nóng" ngành giao thông vận tải: Đừng để “đến hẹn lại lên”
Bảo Như - 07/06/2019 09:21
 
Việc có tới 45 đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu thực hiện quyền tranh luận, 4 đại biểu hỏi nhưng chưa đủ thời gian trả lời, 22 đại biểu chưa có thời gian chất vấn tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể ngày 5/6 vừa qua cho thấy, ngành giao thông chưa bao giờ hết nóng kể cả trên các tuyến đường, sân bay, bến cảng hay trên chính nghị trường Quốc hội.
.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 5/6.

Cần phải nói thêm rằng, tư lệnh ngành giao thông là một trong số ít trưởng ngành liên tục được Quốc hội yêu cầu thực hiện việc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã đăng đàn trả lời chất vấn về các vấn đề nóng của ngành.

Tại phiên chất vấn vừa diễn ra, bên cạnh các vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống như quản lý xe hợp đồng điện tử, thu phí không dừng… nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự bức xúc về tình trạng quản lý đầu tư, xây dựng các công trình ngành giao thông còn nhiều hạn chế, yếu kém, về tình trạng tăng vốn, đội vốn ở không ít công trình trọng điểm.

Bên cạnh đó, là công tác quản lý đầu tư vận hành, khai thác các dự án BOT giao thông còn nhiều bất cập, một số dự án gây bức xúc cho nhân dân và có nơi còn tạo ra điểm nóng.

Các đại biểu Quốc hội còn bày tỏ lo ngại về việc chọn nhà đầu tư BOT kém năng lực; tình trạng trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra phức tạp cả trong lĩnh vực đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

Cần phải nói thêm rằng, lĩnh vực GTVT có tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, lĩnh vực này đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận. Mặc dù vậy, so với yêu cầu thực tế còn nhiều vấn đề cần tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để có những chuyển biến tích cực.

Trên thực tế, trong số những nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT tại Kỳ họp thứ 7 có nhiều vấn đề không mới, thậm chí có những vấn đề diễn ra nhiều năm, một số vấn đề đã được Quốc hội giám sát, có những nghị quyết chuyên đề, nhưng sự chuyển biến còn chậm, gây bức xúc trong dư luận. Đó là tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, thất thoát lãng phí trong các công trình đầu tư cho giao thông. Đó là vấn đề khắc phục những tồn tại tại các dự án BOT, là cơ chế kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia dự án hạ tầng giao thông lớn…

Cho dù những vấn đề trên không thể giải quyết trong một sớm, một chiều với sự đơn độc của ngành giao thông, nhưng các cử tri, người tham gia giao thông, nhà đầu tư có quyền yêu cầu phải chuyển biến nhanh hơn để tránh những câu hỏi “mang đến lại mang về”, lặp đi lặp lại giữa các kỳ chất vấn.

Ở khía cạnh các, việc truy vấn sát sao các vấn đề được đặt ra từ kỳ họp trước là rất cần thiết, nhưng các cử tri và chính lãnh đạo ngành GTVT cũng mong nhận được những gợi ý, kinh nghiệm hay tư vấn hiến kế giải quyết các điểm nóng của ngành từ chính các đại biểu Quốc hội thay vì chỉ dưa ra những câu hỏi thuần túy như Tại sao? Bao giờ xử lý? Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan?

Quan trọng hơn, là sau mỗi phiên chất vấn các trưởng ngành, đặc biệt là những ngành có tác động vừa sâu rộng, vừa trực diện như GTVT, cử tri mong mỏi những lời hứa sẽ được hiện thực hóa; những vấn đề tồn đọng được giải quyết rốt ráo, những cơ chế, chính sách bất hợp lý phải được sửa đổi ngay “cho dân nhờ” - như lời tổng kết các phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngành giao thông đang còn tồn nợ trên 20.000 tỷ đồng
Hôm nay, 3/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư