Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Ngành giao thông đang còn tồn nợ trên 20.000 tỷ đồng
Kỳ Thành - 03/06/2019 18:14
 
Hôm nay, 3/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ về nội dung phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Sáng 3/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bàn về việc trích 4.069 tỷ đồng trong tổng số 10.000 tỷ đồng vốn dự phòng cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) cho biết, đây dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Bắc, nhưng từ khi dự án triển khai đến nay đã 10 năm các khoản Nhà nước cam kết hoàn trả cho nhà đầu tư theo Quyết định số 746 của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 đến nay vẫn chưa thực hiện.

Theo ông Tùng, do chưa được cấp tiền nên VIDIFI vẫn đang phải tiếp tục vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam các khoản vay tham gia hỗ trợ của nhà nước theo cam kết với lãi suất bình quân 10%/năm, riêng tính phí lãi vay phát sinh thêm do khoản hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng trên 800 tỷ đồng. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như tiền lãi phát sinh do khoản hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa được cấp lên đến trên 800 tỷ đồng và tiếp tục chậm sẽ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính của dự án.

“Việc không trả được các khoản vay nợ nước ngoài đến hạn đã được Chính phủ bảo lãnh ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ đối với nhà tài trợ vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến uy tín môi trường đầu tư tại Việt Nam”, ông Tùng nói.

Đồng tình với ý kiến của ông Tùng, Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) cho rằng, nếu để kéo dài ra nữa, chắc chắn doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, kể cả Chính phủ cũng phải trả nợ. “Tôi tha thiết đề nghị Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có thể chấp nhận cho điều chỉnh phương án của Chính phủ về nội dung này”, ông Xuyền nói.

Tham gia ý kiến về vấn đề này, các đại biểu cũng đưa ra nhiều phương án khác nhau để bố trí vốn trả nợ.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) đề xuất dùng 2.000 tỷ trả nợ cho giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, 8.000 tỷ xử lý lũ lụt và đáp ứng nhu cầu cấp bách. Trong khi đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) đề xuất dùng 4.000 tỷ để thanh toán khoản nợ này.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) lại đề nghị không sử dụng nguồn 10.000 tỷ để trả nợ cho dự án đền bù đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo ông Giang, mức vốn dự kiến bố trí cho các dự án theo các phụ lục kèm theo tờ trình Chính phủ đều không bố trí đủ theo đề xuất của địa phương. Ví dụ, dự án xử lý sạt lở cấp bách đồng bằng sông Cửu Long địa phuơng đề xuất 2.510 tỷ đồng nhưng chỉ dự kiến bố trí 1.000 tỷ đồng. Các dự án hỗ trợ khẩn cấp sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm khu vực miền Trung đề xuất 1.750 tỷ nhưng cũng chỉ bố trí 1.000 tỷ đồng. Các dự án khắc phục đê xung yếu, sạt lở bờ biển địa phương đề xuất 3.000 tỷ nhưng bố trí được 1000 tỷ. Vì vậy, ông Giang đề nghị thực hiện theo đúng Nghị quyết số 71 của Chính phủ và bổ sung các dự án chưa được bố trí đủ để thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 3 của nghị quyết số 71.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ về nội dung phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ về nội dung phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Giải trình cuối phiên thảo luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là khoản cam kết của Chính phủ mà đã xác định là nợ của Trung ương thuộc ngân sách phải trả và Nghị quyết của Bộ Chính trị đã có ý kiến, Nghị quyết của Quốc hội phù hợp.

“Chúng ta chậm ngày nào sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp ngày đó. Nếu Quốc hội thấy tỷ lệ để trả nợ cao quá thì chúng tôi hoàn toàn chấp hành ý kiến của Quốc hội sẽ xem xét, rà soát để giảm bớt tỷ trọng đó dành ưu tiên cho một số công trình cấp bách hay xử lý một số công việc khác, một phần trả cho VIDIFI, cho đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chứ không sử dụng hết 4.000 tỷ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng cho biết, riêng ngành giao thông, trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ nhưng hiện nay ngành giao thông vẫn đang còn tồn nợ trên 20.000 tỷ đồng.

“Nếu như vậy chúng ta còn phải giải quyết tiếp nhiệm kỳ tới và có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết của ngành giao thông”, ông Dũng nói.

Về các công trình, dự án lớn, quan trọng quốc gia hiện nay như sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc Nam, Bộ trưởng Dũng cho biết, “Chúng ta chỉ còn hơn 1 năm nữa nhưng chúng ta đang để ở đó hơn 80.000 tỷ không giải ngân hết, điều đó là điều chắc chắn. Bây giờ, nếu như việc chỉ ra được nguồn để chúng ta có thể thực hiện cho việc phân bổ là có; nhưng để rà soát, chỉ ra được dự án nào, bao nhiêu tiền thì ở thời điểm hiện nay chúng ta không làm được điều đó. Tại sao nói Chính phủ không trình được cho Quốc hội khoản đó, vì chúng ta đang ở năm thứ 4 và đang triển khai kế hoạch, chúng ta không thể bóc tách được chính xác dự án nào phải dừng và dự án nào không triển khai được".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, thời điểm phù hợp nhất để có thể căn cứ điều kiện thực tế của từng dự án và xác định được nguồn của nó là bao nhiêu sau đó sẽ phân bổ là cuối năm nay.

Chính phủ đề xuất bổ sung gần 15.500 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng 29/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư