Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Điểm số cho sự năng động
Bảo Duy - 18/04/2021 13:06
 
Trong tuần qua, gần như cùng lúc Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 và Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 được công bố.

Nhiều địa phương hân hoan với chiến thắng kép, nhưng cũng nhiều vị lãnh đạo chắc chắn không thể vui khi bị người dân, doanh nghiệp cho điểm thấp.

Nhưng đây có lẽ không phải là điểm chính mà hơn 14.000 người dân và 10.000 doanh nghiệp tham gia đánh giá PAPI 2020 và PCI 2020 cũng như nhóm nghiên cứu 2 chỉ số này muốn hướng tới.

Trong buổi công bố PAPI 2020, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã chia sẻ những mong muốn rất đời của những người dân tham gia khảo sát. Đó là mong muốn tiếp cận thông tin về đất đai, giá cả, quy hoạch một cách minh bạch, dễ dàng; có thể tiến hành các thủ tục hành chính, có thể xin được việc làm, xin học, vào bệnh viện… mà không cần phải suy nghĩ đến… phong bì, không phải tìm kiếm các mối quan hệ…

Trong khi đó, thực tế là cả 63 tỉnh, thành phố đều thấp điểm ở chỉ số thành phần tiếp cận thông tin. 12 tỉnh có cải thiện đáng kể về minh bạch thông tin so với năm ngoái, như Bình Đình, Thái Nguyên; nhưng lại có tới 11 tỉnh giảm điểm ở chỉ số này. Nhiều nhất là Sóc Trăng, Bình Dương. Đà Nẵng, Bình Dương - những địa phương đạt điểm thấp nhất ở nội dung giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân.

Đây có lẽ cũng là điều mà Nhóm nghiên cứu PCI 2020 muốn gửi tới chính quyền 63 tỉnh, thành phố, bất kể họ đang ở thứ hạng nào.

Lý do là nhìn lại PCI trong 5 năm qua, những tồn tại lớn trong lo ngại của doanh nghiệp vẫn là mức độ minh bạch trong điều hành kinh tế, trong hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách của cấp cơ sở… Ngay cả những điểm được ghi nhận là thành tựu, giảm chi phí không chính thức, cải cách hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, khoảng cách giữa kỳ vọng của doanh nghiệp và thực tế vẫn còn khoảng cách.

Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, chính quyền địa phương hoàn toàn có thể thực hiện được những mong muốn này của người dân, doanh nghiệp nếu coi PAPI hay PCI như một bộ dữ liệu để nghiên cứu, vận động đổi mới chính sách. Chính mong muốn, kỳ vọng và cả thất vọng, chưa đạt được của người dân về hiệu quả thực thi chính sách của chính quyền các cấp sẽ gợi mở giải pháp đổi mới phương thức và hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước.

Sự thành công của những địa phương đứng đầu PAPI và PCI trong nhiều năm qua, như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bắc Ninh… là những ví dụ của sự sẵn sàng của chính quyền địa phương trong việc tìm cách thỏa mãn mong muốn, chờ đợi của người dân, doanh nghiệp. Những thành công trong quá khứ sẽ là kinh nghiệm, là nền tảng, nhưng chưa hẳn là điều kiện quyết định thành công trong nỗ lực cải cách của chính quyền địa phương giai đoạn tới.

Cũng phải nói thêm, trong điều tra PCI 2020, lần đầu tiên, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm rất mạnh sau 10 năm, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2011-2012, do tác động tiêu cực bởi Covid-19. Chỉ có 41% doanh nghiệp dự kiến mở rộng kinh doanh, thay vì 51% của năm 2019. Các doanh nghiệp FDI cũng có sự dao động đáng kể khi số doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới cũng giảm từ 53% năm 2019  xuống 41%.

PAPI 2020 cũng phải nhắc mức độ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình năm 2020 giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Đồng thời, đánh giá của người dân về nền kinh tế của Việt Nam nói chung ở mức bi quan nhất trong 3 năm qua. Lần đầu tiên sau 10 năm, tỷ lệ người dân cho biết, tình hình kinh tế hộ gia đình của họ ở mức khá và rất khá giảm đi. Mức độ lạc quan với nền kinh tế của Việt Nam cũng giảm mạnh, thể hiện qua việc số người cho rằng, tình hình kinh tế của đất nước hiện nay ở mức kém tăng lên đáng kể so với hai năm trước…

Chính trong lúc cả người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, thì nỗ lực cải cách, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính quyền địa phương phụ thuộc rất lớn vào sự năng động, trách nhiệm của từng lãnh đạo, công chức thực thi. Điểm mà người dân, doanh nghiệp dành cho các cấp chính quyền nghiêng nhiều về sự năng động này.

PAPI 2020, Quảng Ninh tiếp tục thăng hạng và đứng đầu toàn quốc
Sáng 14/4, Lễ công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 đã được diễn ra. Quảng Ninh dẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư