Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Điểm tên những dự án dệt may lớn sắp đi vào hoạt động
Hải Yến - 07/07/2015 09:33
 
Tháng 10 năm nay, ngành dệt may sẽ đưa vào vận hành một số dự án mới có quy mô sản xuất lớn, chuyên sản xuất hàng may mặc, chăn, ga, đệm xuất khẩu… Một điểm chung là, các dự án này đều được triển khai xây dựng đúng như tiến độ đề ra.

Theo thông báo mới nhất từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Dự án Nhà máy May Vinatex Kiên Giang, đóng tại tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc (Kiên Giang) do Vinatex làm chủ đầu tư sẽ vận hành 100% công suất vào tháng 10/2015, sau 18 tháng xây dựng.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất. Ảnh: Đức Thanh
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất. Ảnh: Đức Thanh

 

Chính thức khởi công xây dựng vào tháng 2/2014, Dự án Nhà máy May Vinatex Kiên Giang có diện tích mặt bằng 4 ha, tổng vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng, với 20 chuyền may, công suất gần 3 triệu áo veston nữ/năm và 3,05 triệu quần âu/năm để xuất khẩu.

Tính đến thời điểm này, Dự án đã hoàn thành công tác xây dựng và đã đưa vào vận hành 5/20 chuyền may, tuyển dụng 500 lao động.

Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó tổng giám đốc Vinatex xác nhận, Dự án Nhà máy May Vinatex Kiên Giang là một trong những dự án đầu tư trong chuỗi sản xuất khép kín mà Tập đoàn đang thực hiện, cùng với các lĩnh vực thượng nguồn như sợi, dệt nhuộm.

Với thời gian xây dựng 18 tháng, chia thành 2 giai đoạn, đến thời điểm này, có thể khẳng định, Dự án sẽ về đích đúng tiến độ đề ra.

Trong khi đó, Công ty cổ phần May Sông Hồng cũng xác nhận sẽ đưa Dự án Khu sản xuất Sông Hồng - Nghĩa Hưng (xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định), tổng vốn đầu tư lên tới 350 tỷ đồng, vào vận hành trong tháng 10/2015.

Cần phải nói thêm, May Sông Hồng không chỉ đưa 1 nhà máy, mà là đồng thời đưa vào hoạt động cả 4 nhà xưởng sản xuất, trên diện tích xây dựng gần 60.000 m2.

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HDQT Công ty cổ phần May Sông Hồng cho biết, tổng vốn đầu tư cho khu sản xuất lớn, nên việc canh đúng tiến độ sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả đầu tư. Dự án sớm đi vào vận hành sẽ giúp tăng doanh thu và cơ hội tiếp nhận thêm các đơn hàng lớn từ khách hàng trong và ngoài nước.

Công ty cổ phần May Nhà Bè cũng vừa khởi công xây dựng Nhà máy May Nhà Bè-Hậu Giang, đóng tại phường 7, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Dự án được xây dựng trên diện tích 6 ha, tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, năng lực sản xuất khoảng 30 triệu sản phẩm/năm, tương ứng doanh thu trên 120 triệu USD/năm, thu hút khoảng 4.000 lao động.

Các sản phẩm may mặc của nhà máy hướng đến đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, thị trường quốc tế và đặc biệt các nước EU, Mỹ.

Ông Lê Đình Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang cho biết, ngay tháng 9 tới, giai đoạn I của Dự án sẽ được đưa vào hoạt động và phấn đấu hoàn thành giai đoạn II vào quý I/2016.

Như vậy, nếu chiếu đúng theo tiến độ mà chủ đầu tư đưa ra, giai đoạn I của Dự án May Nhà Bè - Hậu Giang có thời gian xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc và hoàn thiện đi vào vận hành chỉ trong thời gian 3 tháng.

“Đây là một trong những dự án đầu tư mở rộng nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty May Nhà Bè trong giai đoạn tới, bởi vậy, tiến độ thực hiện Dự án càng nhanh, càng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia tăng nhanh giá trị xuất khẩu, đón cơ hội thị trường”, ông Tuấn cho hay.

Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều dự án mở rộng năng lực sản xuất đã và đang được đầu tư. Điểm chung là cả 3 dự án trên đều thuộc sở hữu của các doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn, tiềm lực tài chính vững vàng cũng như có nhiều dự án đầu tư hiệu quả.

Tsudakoma Nhật Bản muốn cung cấp thiết bị ngành dệt cho Việt Nam
Tsudakoma, Tập đoàn chuyên sản xuất máy móc, thiết bị ngành dệt của Nhật Bản vừa có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư