Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Diễn biến dịch sởi nặng nhất 40 năm qua
Duy Tiến - 05/04/2014 05:56
 
Nhận định trên được đưa ra bởi PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương. Vị chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ này cho biết, trong 40 năm hành nghề, ông chưa từng thấy năm nào có dịch sởi diễn biến nặng như năm nay.
TIN LIÊN QUAN

 

TIN LIÊN QUAN
Sớm cung ứng 20.000 liều vắc xin thủy đậu
Hà Nội muốn khống chế dịch sởi vào tháng 4
Tiêm vaccine phòng sởi: Nhu cầu tăng, giá loạn
Chăm sóc bệnh nhân không phải sự ban phát

 


Năm nay có rất nhiều bệnh nhi mắc sởi biến chứng nặng


Đa số là ca nặng

Như ANTĐ đã phản ánh, khoảng 2 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn ở trong tình trạng quá tải trầm trọng do lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao. Sự quá tải không chỉ xảy ra ở khu vực phòng khám mà tại hầu hết các khoa điều trị nội trú, đặc biệt là tại khoa Truyền nhiễm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự gia tăng đột biến số bệnh nhi mắc sởi. Chẳng hạn như trong tháng 3 vừa qua, bên cạnh số bệnh nhi nhập viện vì viêm phế quản chiếm tỷ lệ cao nhất thì số bệnh nhi mắc sởi nhập viện cao thứ 2 trong số 5 loại bệnh phổ biến. Đây là điều chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.

Để giải quyết tình trạng quá tải nói trên, ngày 4-4, đoàn công tác của Bộ Y tế tiếp tục có thêm một buổi làm việc với Bệnh viện Nhi Trung ương nhằm tìm biện pháp tháo gỡ. Buổi làm việc còn có sự tham gia của đại diện Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình... Tại buổi làm việc này, PGS.TS Phạm Nhật An cho biết, bệnh sởi xảy ra trùng với thời điểm các bệnh hô hấp do chuyển mùa có xu hướng tăng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho tình trạng quá tải của Bệnh viện Nhi Trung ương vốn đã nặng nề lại càng thêm trầm trọng trong mấy tháng vừa qua. Riêng tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, trong tháng 3-2014 tiếp nhận tới 345 bệnh nhi mắc sởi vào điều trị và đa số là các ca sởi nặng, trong đó có nhiều trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi. 

Cũng vì thế, lần đầu tiên bệnh viện đã phải phân loại và dành riêng khoa Truyền nhiễm chỉ để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi mắc sởi. Vậy nhưng tình trạng quá tải vẫn tiếp tục diễn ra, lúc cao điểm có tới hơn 200 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng do sởi nên số này phải nằm ghép 3-4 bệnh nhân một giường. Theo PGS.TS Phạm Nhật An, chưa bao giờ ông thấy dịch sởi diễn biến phức tạp và nặng nề như trong vụ dịch năm nay. “Vào những năm 70 của thế kỷ trước tôi từng chứng kiến nhiều trẻ mắc sởi bị hoại tử, mù lòa, tiêu chảy, suy sinh dưỡng... nhưng năm nay, dịch sởi diễn biến còn đặc biệt hơn, nhất là có nhiều ca sởi gây biến chứng viêm phổi rất nặng. Dù các bác sĩ đã điều trị tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh ngay từ đầu nhưng tình trạng bệnh của trẻ vẫn rất nặng” - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.

Phải chủ động phòng ngừa

Từ đầu dịch sởi đến nay, Bộ Y tế luôn nhấn mạnh dịch sởi diễn ra rải rác tại các địa phương, không bùng phát thành dịch lớn song từ thực tiễn quá trình điều trị bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng ngành y tế phải công nhận có dịch sởi và dịch sởi thực sự diễn biến rất phức tạp. Trên thực tế, Bệnh viện Nhi Trung ương không phải là cơ sở y tế duy nhất và đầu tiên lên tiếng về diễn biến nặng nề của dịch sởi trong vụ dịch năm nay. Trước đó, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai cũng đã nhiều lần đưa ra nhận định rằng, bệnh sởi năm nay không bình thường như mọi năm. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng phân tích trên 2 yếu tố: Thứ nhất, trong vụ dịch năm nay gặp nhiều trẻ dưới 1 tuổi, thậm chí có trẻ mới chưa đầy 3 tháng tuổi đã mắc sởi; Thứ hai, bình thường bệnh nhân mắc sởi chỉ gặp biến chứng viêm phổi sau khi ban sởi đã bay hết nhưng năm nay xuất hiện nhiều bệnh nhân mắc sởi gặp biến chứng nặng ngay từ khi mới có triệu chứng bệnh (mới mọc ban). Qua xét nghiệm cho thấy, các bệnh nhi này bị virus sởi tấn công trực tiếp vào phổi, gây biến chứng viêm phổi rất nhanh và nặng, tỷ lệ tử vong cao.

Trước diễn biến nói trên, tại buổi làm việc với Bệnh viện Nhi Trung ương, ông Mai Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Nhi Trung ương làm tốt hơn nữa công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng lây truyền sởi như phòng cúm. Mặt khác, ngành y tế sẽ tăng cường khuyến cáo các phụ huynh chủ động đưa con đi tiêm phòng để tạo miễn dịch bền vững. Được biết, mới đây Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, đó là sẽ tổ chức chiến dịch tiêm mũi vaccine phối hợp sởi - rubella cho trẻ 1 - 14 tuổi. Dự kiến 23 triệu đối tượng sẽ được tiêm vaccine phối hợp này.
 

Chưa điều chỉnh lịch tiêm chủng 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, thời gian qua ngành y tế đã xem xét, cân nhắc dựa trên diễn biến sau nhiều dịch sởi và thấy rằng chưa cần thiết phải điều chỉnh lịch tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ nhỏ. Trong dịch sởi năm nay, ở nước ta có khá nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi đã mắc sởi, trong khi độ tuổi tiêm vaccine sởi mũi 1 là 9 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo nên giữ nguyên lịch tiêm chủng vaccine sởi như hiện tại bởi theo tính toán thì số trẻ dưới 1 tuổi mắc sởi chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

 

Khẩn cấp ứng phó  dịch cúm gia cầm Khẩn cấp ứng phó dịch cúm gia cầm

Kết quả giám sát 147 chợ gia cầm tại 44 tỉnh thành cho thấy, tỷ lệ chợ có phát hiện virus H5N1 là trên 61%. Hiện cúm gia cầm chủng H7N9 chưa xuất hiện, nhưng dịch H5N1 đã xuất hiện tai 11 địa phương và được nhận định chưa phải là đỉnh điểm của dịch.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư