Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017: Thông điệp tâm huyết gửi cấp thực thi
Khánh An - 11/12/2017 08:36
 
Ngay trước thềm VBF 2017, diễn ra vào ngày mai, một loạt kiến nghị của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã được bàn tới. Câu chuyện về thực thi tiếp tục là tâm điểm của nhiều đề xuất.
TIN LIÊN QUAN

Lo không kịp trở tay

Vài ngày trước, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội đã không tiếc lời chia sẻ về sự lạc quan của các thành viên Amcham về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này cũng không có gì quá so với con số khoảng 9,5 tỷ USD mà doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư tại Việt Nam tính đến tháng 11/2017, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Nhưng, vẫn còn các khoản đầu tư không thực hiện được, do những thách thức trong việc đối phó với tham nhũng, các điều kiện cấp phép và môi trường pháp lý quá phức tạp, nhiều hạn chế và không rõ ràng”, ông Adam Sitkoff buộc phải trao đổi với ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi cùng ngồi chủ tọa Hội thảo Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cuối tuần trước.

Giới đầu tư, kinh doanh sẽ có nhiều kiến nghị với Chính phủ tại VBF 2017. Trong ảnh: VBF giữa kỳ 2017. Ảnh: Đức Thanh
Giới đầu tư, kinh doanh sẽ có nhiều kiến nghị với Chính phủ tại VBF 2017. Trong ảnh: VBF giữa kỳ 2017. Ảnh: Đức Thanh

Cùng với lời than phiền trên, ông Sitkoff có danh sách khá chi tiết các vấn đề doanh nghiệp Amcham đang gặp phải.

Có thể kể tới Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đang gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp ngành thực phẩm và nước giải khát tốn nhiều khoản chi phí lớn nhưng không đem lại bất kỳ giá trị nào cho việc quản lý an toàn thực phẩm. Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đòi hỏi một đơn vị Việt Nam chỉ có thể làm việc với một cơ quan quảng cáo được cấp phép ở quốc gia, nghĩa là sẽ hạn chế cơ hội quảng cáo sản phẩm và dịch vụ trên các nền tảng xuyên biên giới như Google hay Facebook của nhiều doanh nghiệp. Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược…

“Việc thi hành Nghị định 54/2017/NĐ-CP buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ, gây tổn thất hàng trăm triệu USD và làm gián đoạn việc cung cấp hàng ngàn loại thuốc cần thiết”, ông Adam Sitkoff  đặt vấn đề.

Mấu chốt là, Nghị định 54/2017/NĐ-CP đã coi vận chuyển, bảo quản thuốc như phân phối thuốc nên doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập khẩu thuốc sẽ không được vận chuyển, bảo quản thuốc. “Việc áp dụng có tính hồi tố quy định này sẽ khiến doanh nghiệp không thể trở tay kịp’, Luật sư Lê Nết, đại diện Tiểu ban Y tế Amcham bình luận. 

Không chỉ lo quy định hiện hành, mối lo trở tay không kịp của doanh nghiệp còn đến từ những dự thảo luật, nghị định liên quan đến đầu tư – kinh doanh đang được lấy ý kiến doanh nghiệp, như Dự thảo Luật An ninh mạng; quy định về Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống ngọt; quy định lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội… Thậm chí, dự thảo Luật Chăn nuôi lần đầu tiên được lấy ý kiến đang khiến nhiều nhà đầu tư phân vân.

Ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex lo ngại có quá nhiều quy định phải đăng ký, xin phép sẽ làm nhụt trí kinh doanh của nhiều người.

Thách thức thực thi

Việc thay đổi chính sách và pháp luật về đầu tư không thể tránh khỏi do yêu cầu của nền kinh tế, sự chuyển dịch không ngừng của xu hướng từ phía cầu và nguồn cung FDI thế giới, năng lực tiếp nhận nguồn vốn của Việt Nam.

Tình trạng thiếu nhất quán, thiếu minh bạch trong thực thi khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư bất ổn hơn cả.

Nhưng, GS-TSKH Nguyễn Mại, chuyên gia hàng đầu về đầu tư nước ngoài cũng phải nhìn nhận, sự thay đổi này sẽ có cả tác động tiêu cực.

“Các doanh nghiệp FDI vẫn than phiền luật thuế thay đổi liên tục và quá nhanh, thông tư của Bộ Tài chính ban hành rồi sửa đổi, thủ tục thông quan hải quan tuy đã được cải tiến, nhưng vẫn mất khá nhiều thời gian so với các nước ASEAN-4, việc thuê lao động nước ngoài có kỹ năng, nhất là quy định từ ngày 01/01/2018 lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội đến nay chưa có thông tư hướng dẫn”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Điều ông Nguyễn Mại và nhiều nhà đầu tư lo ngại hơn cả, chính là sự không rõ ràng trong thực thi. Nhất là trong 2 năm qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục theo hướng tiếp cận với các nước OECD, các nước ASEAN – 4. Môi trường kinh doanh Việt Nam đã thay đổi không hề nhỏ khi được xếp hạng dựa trên các quy định pháp lý, như tăng 14 bậc trong Bảng xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 5 bậc trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

“Tình trạng thiếu nhất quán, thiếu minh bạch trong thực thi khiến nhà đầu tư bất ổn hơn cả”, ông Nguyễn Mại nói.

Với tình hình này, rất có thể vào ngày mai, 2 đề xuất của ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBA) đã phát biểu cách đây 6 tháng, tại VBF giữa kỳ 2017, còn nguyên giá trị.

Khi đó, ông đã thay mặt hơn 1.600 thành viên của JBA đề xuất thành lập một cơ quan mới, có quyền hạn xử lý mạnh mẽ mọi vấn đề phát sinh do sự thiếu rõ ràng hay khác biệt giữa quy định và vận dụng pháp luật gây ra; hoàn thiện cơ chế ‘công văn chính thức’, bảo đảm các câu hỏi về việc áp dụng quy định của pháp luật được trả lời và có hiệu lực pháp lý.

Lý do là, doanh nghiệp  vẫn đối mặt với trường hợp thực thi không đúng theo quy định của pháp luật, như yêu cầu thêm thủ tục, giấy tờ. Một số trường hợp quy định không rõ ràng, không được giải thích thống nhất khiến doanh nghiệp không biết có vi phạm hay không…

“Cứ mỗi quy định mới được ban hành lại nảy sinh những vấn đề mới khác. Nếu thực trạng này không được thay đổi, doanh nghiệp sẽ khó tìm được manh mối giải quyết các vấn đề này”, ông Hiroshi Karashima băn khoăn.

Tất nhiên, đề xuất này dường như chỉ mang tính tình huống, trong khi yêu cầu chính vẫn phải là hệ thống văn bản pháp quy từ luật, nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ phải đồng bộ, nhất quán trong thực hiện.

Nhưng có lẽ kiến nghị này của các doanh nghiệp cũng gửi đi thông điệp tâm huyết về mong muốn cở bỏ những nút thắt chính trong bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức.

“Bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa, nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp. Cả hai đang cản trở quá trình phát triển theo hướng cải cách và hội nhập. Đó là hai lực cản cần được giải quyết ngay”, GS-TSKH Nguyễn Mại khuyến nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư